Trước sự cố y khoa khiến 7 bệnh nhân chạy thận nhân tạo tử vong ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, các Sở y tế đã có công văn gửi các bệnh viện có đơn nguyên chạy thận nhân tạo kiểm tra, rà soát các quy trình lọc máu ngoài thận.
Theo đó, ngày 30/5, Sở Y tế TP. Hà Nội đã có công văn khẩn gửi các cơ sở y tế trong và ngoài công lập, yêu cầu khẩn trương xây dựng phương án tiếp nhận bệnh nhân chạy thận nhân tạo của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình và đảm bảo công tác điều trị cho các bệnh nhân chạy thận nhân tạo.
Theo đó, Sở y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị có triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo rà soát quy trình chuyên môn kỹ thuật, kiểm tra lại toàn bộ máy móc, trang thiết bị, vật tư tiêu hao và thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ Y tế về quy trình kỹ thuật rửa, sử dụng lại quả lọc thận trước khi sử dụng cho người bệnh, tránh để xảy ra những tai biến, sự cố y khoa.
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Bệnh viện Thận Hà Nội, chuyên khoa đầu ngành thận học - lọc máu của thành phố là đầu mối trực tiếp nhận bệnh nhân chạy thận nhân tạo từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình chuyển đến và điều phối người bệnh đến các đơn vị màng lưới nếu cần. Đồng thời, xây dựng kế hoạch rà soát, kiểm tra lại toàn bộ quy trình lọc máu ngoài thận (chạy thận nhân tạo) tại tất cả các đơn vị màng lưới, tổ chức tập huấn quy trình chuyên môn cho các đơn vị trong màng lưới. Các Bệnh viện đa khoa Hòe Nhai, Đống Đa, Thanh Nhàn, Hà Đông chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, cơ sở vật chất để tiếp nhận điều trị bệnh nhân chạy thận nhân tạo được chuyển từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình khi có yêu cầu.
Cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Thị Thu Thủy cũng đã chỉ đạo: Tất cả các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh có triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo phải kiểm tra, rà soát lại toàn bộ quy trình chạy thận nhân tạo, các bệnh viện phải tổ chức rà soát lại toàn diện phác đồ, quy trình thực hiện kỹ thuật chạy thận nhân tạo, vận hành hệ thống máy chạy thận nhân tạo đảm bảo tuân thủ đúng quy định, hướng dẫn chuyên môn.
Đồng thời, đánh giá chất lượng của hệ thống máy chạy thận nhân tạo và trang thiết bị đi kèm; điều kiện bảo quản, hạn sử dụng, chất lượng các loại thuốc, dịch, vật tư y tế... được sử dụng trong chạy thận nhân tạo để kịp thời sửa chữa, thay thế, đảm bảo chất lượng điều trị cho người bệnh.
Sở Y tế Hải Dương cũng đã có công văn chỉ đạo 5 bệnh viện đang thực hiện chạy thận nhân tạo khẩn trương tiến hành các biện pháp bảo đảm an toàn cho bệnh nhân. Rà soát lại quy trình chuyên môn kỹ thuật bảo đảm đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; kiểm tra toàn bộ các máy chạy thận, trang thiết bị, vật tư tiêu hao, quy trình vận hành máy, chế độ bảo trì máy theo quy định. Đồng thời, xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn, đào tạo lại kỹ thuật chạy thận nhân tạo cho các cán bộ trực tiếp thực hiện, bảo đảm việc điều trị an toàn, hiệu quả.