Các địa phương xử lý chất thải y tế thế nào?

24-07-2024 17:17 | Xã hội

SKĐS - Để chất thải y tế không thành mối lo, các địa phương đã chú trọng phòng ngừa, kiểm soát và khắc phục nguồn gây ô nhiễm môi trường; trong đó, tăng cường quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại, giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế.

Chất thải y tế tại các đơn vị được phân loại ngay tại nơi phát sinh và tại thời điểm phát sinh

Tỉnh Lâm Đồng đang áp dụng đồng thời hai mô hình xử lý chất thải cho các bệnh viện là mô hình xử lý tại chỗ và xử lý theo cụm. Cụ thể, mô hình xử lý tại chỗ các cơ sở y tế sử dụng công nghệ lò đốt chất thải gồm: Trung tâm Y tế các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Lâm Hà, Đam Rông, Di Linh, Cát Tiên (lò đốt tại Trung tâm Y tế Lâm Hà đang bị hỏng, hiện tại đơn vị dùng xăng để đốt chất thải lây nhiễm, tro xỉ sau khi đốt được chôn lấp tại hố bê tông có lót đáy và nắp đậy kín).

Về quản lý nước thải y tế có 7 bệnh viện (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng, Bệnh viện II Lâm Đồng, Bệnh viện Nhi Lâm Đồng, Bệnh viện Y học Cổ truyền Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Y học cổ truyền Bảo Lộc và Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Đà Lạt) đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải y tế; trong đó, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng và Bệnh viện II Lâm Đồng thực hiện xử lý nước thải bằng công nghệ AAO, đạt tiêu chuẩn nguồn nước thải đầu ra. Có 11/12 TTYT huyện, thành phố đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải y tế (Trung tâm Y tế Bảo Lộc chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải y tế). Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã trang bị hệ thống xử lý nước thải hoạt động từ năm 2009. Hiện đơn vị đã được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt cho nâng cấp sửa chữa hệ thống xử lý nước thải theo dự án của tỉnh.

Chất thải thông thường được các đơn vị trong ngành phân loại, thu gom và hợp đồng với công ty quản lý môi trường đô thị trên địa bàn xử lý theo quy định. Chất thải tái chế được các đơn vị trong ngành phân loại để vào kho riêng và hợp đồng với các đơn vị có giấy phép kinh doanh tái chế theo quy định.

Các địa phương xử lý chất thải y tế thế nào?- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Ngành Y tế Lâm Đồng xác định nhiệm vụ và giải pháp thực hiện công tác bảo vệ môi trường những năm tiếp theo bao gồm: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, người đứng đầu đơn vị và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về bảo vệ môi trường. Chú trọng công tác phòng ngừa, kiểm soát và khắc phục các nguồn gây ô nhiễm môi trường; trong đó, tăng cường quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại, giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế; tăng cường xử lý nước thải, đẩy mạnh kiểm soát, quản lý chất thải lỏng tại các cơ sở y tế.

Chất thải y tế tại các đơn vị được phân loại ngay tại nơi phát sinh và tại thời điểm phát sinh. Từng loại chất thải y tế được phân loại riêng vào trong bao bì, dụng cụ lưu chứa chất thải quy định áp dụng theo Thông tư 20/2021/TT-BYT của Bộ Y tế về việc quy định quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế. Hầu hết các cơ sở y tế đã bố trí túi nilon, thùng và hộp an toàn để phục vụ công tác thu gom, phân loại.

Chất thải rắn y tế lây nhiễm, rác thải sinh hoạt và rác thải y tế nguy hại sau khi được phân loại đều được các cơ sở y tế thu gom tối thiểu ngày hai lần và lưu trữ tại kho lưu trữ riêng theo từng loại chất theo quy định của Bộ Y tế.

Quản lý chất thải y tế theo đúng quy định

Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác quản lý chất thải y tế, xử lý nghiêm các trường hợp phạm là nhiệm vụ được UBND tỉnh Bình Thuận giao Sở Tài nguyên và Môi trường.

Sở Y tế Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường phổ biến, tập huấn, truyền thông, hướng dẫn các cơ sở y tế thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện quản lý chất thải y tế theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ; Thông tư số 20/2021/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế; Quyết định số 04/2023/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành Quy định về việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế trên địa bàn tỉnh Bình Thuận và các văn bản, hướng dẫn chuyên môn có liên quan.

UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu các sở, ngành chức năng rà soát toàn bộ hệ thống xử lý nước thải y tế tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn; báo cáo, đề xuất phương án trình UBND tỉnh bố trí kinh phí để đầu tư mới hoặc nâng cấp, sửa chữa hệ thống xử lý nước thải cho các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh chưa có hệ thống xử lý nước thải y tế hoặc đã quá tải, xuống cấp để đảm bảo việc xử lý nước thải y tế đạt Quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi xả thải.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị liên quan khẩn trương tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng hoạt động của các lò đốt chất thải rắn y tế tại các cơ sở y tế trên địa bàn. Kiên quyết cho dừng hoạt động đối với các lò đốt chất thải y tế không đạt QCVN 02: 2012/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn y tế và có biện pháp giải quyết phù hợp.

Kiểm tra, giám sát công tác quản lý chất thải y tế

Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác quản lý chất thải y tế, xây dựng cơ sở y tế xanh sạch đẹp và giảm thiểu chất thải nhựa trong năm 2024 tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố.

Theo kế hoạch, Sở Y tế Hà Nội sẽ kiểm tra việc triển khai thực hiện các văn bản pháp luật liên quan và giám sát việc xây dựng, triển khai các kế hoạch quản lý chất thải y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố.

Kế hoạch tập trung vào hai nội dung chính: kiểm tra việc triển khai thực hiện các văn bản pháp luật liên quan và giám sát việc xây dựng, triển khai các kế hoạch cụ thể tại từng đơn vị. Sở Y tế yêu cầu các đơn vị thành lập tổ kiểm tra giám sát và tiến hành kiểm tra định kỳ hàng tháng. Mỗi khoa phòng phải tự kiểm tra ít nhất mỗi tuần một lần. Đồng thời, Sở Y tế sẽ thành lập đoàn kiểm tra riêng để giám sát việc thực hiện tại các đơn vị, kịp thời chấn chỉnh sai phạm và đề xuất giải pháp hoàn thiện chính sách.


PV
Ý kiến của bạn