Các địa phương vẫn đủ vắc-xin cho trẻ đến kỳ tiêm

14-09-2018 07:02 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Trước thông tin vắc-xin Quinvaxem 5 trong 1 thiếu và đang phải chờ vắc-xin mới khiến nhiều người lo lắng cho sức khoẻ của con em mình, Bộ Y tế đã có thông tin chính thức về việc thay thế vắc-xin Quinvaxem bằng vắc-xin ComBE Five do Công ty Biological E, Ấn Độ sản xuất.

Tuy nhiên, tới đầu tháng 10/2018, vắc-xin ComBE Five mới có thể về tới các trạm y tế đầy đủ. Từ thời điểm này tới tháng 10, nhiều trẻ nhỏ đã tới lịch tiêm chủng nên các bậc cha mẹ lo lắng liệu con em mình bị chậm tiêm chủng thì có ảnh hưởng gì không?

Lập danh sách cho trẻ tiêm bù

Thời gian vừa qua, trước tình hình một số trạm y tế tại các địa phương khan hiếm vắc-xin 5 trong 1 Quinvaxem được tiêm cho trẻ em lúc 2, 3, 4 tháng tuổi, ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, một loạt trạm y tế phường của TP.HCM như: Trạm y tế phường Tăng Nhơn Phú quận 9, một số trạm y tế phường tại quận 2 TP.HCM thời gian vừa qua đồng loạt dán những biển thông báo hết vắc-xin Quinvaxem khiến các bà mẹ hết sức lo lắng về việc trẻ tới thời điểm tiêm chủng mà chưa được tiêm chủng.

Trước tình hình này, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã chủ động thông báo cho 24 quận, huyện về nguy cơ thiếu vắc-xin trên vào cuối tháng 8/2018.

Theo BS. Phạm Xuân Khải - Phó trưởng Khoa Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật - Trung tâm Y tế quận 9 - TP. Hồ Chí Minh: Những trẻ tới thời điểm tiêm vắc-xin mà chưa có vắc-xin thì sẽ lập danh sách và cho trẻ tiêm bù. Bên cạnh đó, giải pháp trong lúc chờ vắc-xin mới thay thế, Trung tâm vẫn cho trẻ uống OBV ngừa bại liệt, một là có thể chờ vắc-xin của Sở Y tế cung cấp hoặc tư vấn cho các bệnh nhân có điều kiện cho trẻ tiêm vắc-xin dịch vụ.

Các địa phương vẫn đủ vắc-xin cho trẻ đến kỳ tiêmHiện các địa phương vẫn còn vắc-xin Quinvaxem để sử dụng cho tới hết tháng 9.

Tiêm chủng trễ 1 tháng vẫn đáp ứng miễn dịch

Liên quan tới những lo lắng của các phụ huynh về việc con em mình tới thời điểm tiêm chủng mà chưa có vắc-xin thay thế, phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống có cuộc trao đổi với GS. Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.

Theo GS. Đặng Đức Anh: Trên thực tế, việc vắc-xin Quinvaxem trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng đã ngừng sử dụng vào cuối tháng 8/2018 đã được thông báo rộng rãi. Thay vào đó là vắc-xin ComBEFive nhập khẩu từ Ấn Độ sẽ thay thế cho vắc-xin Quinvaxem trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng.  Đây là vắc-xin phối hợp có thành phần vô bào phòng 5 bệnh: ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan B, viêm màng não mủ HiB.

Hiện nay, theo quyết định của Bộ Y tế sẽ chuyển đổi sử dụng từ vắc-xin Quinvaxem sang vắc-xin ComBEFive của Ấn Độ. Trong thời gian này, các địa phương nào vẫn còn vắc-xin Quinvaxem thì vẫn tiếp tục sử dụng. Theo thông tin Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương nhận được từ các địa phương, vẫn còn vắc-xin Quinvaxem để sử dụng cho tới hết tháng 9/2018. Và từ đầu tháng 10 năm 2018, sẽ chuyển vắc-xin về các khu vực sau đó chuyển về các tỉnh và các tỉnh sẽ phân phối vắc-xin về các huyện trong tỉnh. Như vậy, các địa phương sẽ chủ động điều phối để có vắc-xin.

Đối với các trẻ tới thời điểm tiêm chủng mà chưa có đủ vắc-xin, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã gửi kế hoạch cho các địa phương chủ động lên danh sách để khi có vắc-xin mới sẽ tiêm sớm nhất cho các cháu, trong thời gian có thể.

Tốt nhất nên cho trẻ tiêm đầy đủ, đúng lịch. Tuy nhiên, trong thời gian này, có thể do cung ứng tiêm vắc-xin chưa kịp thời có thể chậm một vài tuần hoặc 1 tháng. Về mặt khoa học, nếu trẻ bị trễ lịch tiêm chủng trong vòng 1 tháng thì vẫn có đáp ứng miễn dịch cho trẻ, đảm bảo có thể phòng bệnh theo như đúng tác dụng của vắc-xin.

Chương trình Tiêm chủng mở rộng được sự chỉ đạo của Bộ Y tế đã nhập 3 lô vắc-xin ComBEFive từ tháng 6/2018 và sau đó tiến hành kiểm định vắc-xin về tính an toàn. Nhưng ở thời điểm đó, vắc-xin chưa đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đề nghị nhà sản xuất cung ứng các lô vắc-xin khác. Cho tới ngày 10/9/2018, Viện kiểm định Quốc gia về vắc-xin và sinh phẩm đã cho kết quả lô vắc-xin mới đạt yêu cầu.


Thanh Loan
Ý kiến của bạn