Yêu cầu trên được Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đưa ra tại cuộc họp về tiến độ tiếp nhận, phân bổ và sử dụng vaccine phòng COVID-19 diễn ra ngày 23/6 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ TW cho biết, đến nay Việt Nam đã tiếp nhận trên 251 triệu liều vaccine phòng COVID-19 các loại khác nhau. Đã phân bổ 228,8 triệu liều vaccine, còn lại hơn 22,2 triệu liều vaccine Moderna và Pfizer.
Đến nay cả nước đã tiêm 226,7 triệu mũi vaccine phòng COVID-19 các loại. Công tác tiêm chủng đảm bảo an toàn."Kết quả này cho thấy nỗ lực to lớn của cán bộ y tế, chính quyền các cấp trên cả nước đối với chiến dịch quan trọng này. Các tỉnh/thành phố tích cực triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19, kể cả thời điểm trước, trong và sau các dịp lễ Tết. Nhiều tỉnh tổ chức các điểm tiêm chủng lưu động, tiêm xuyên đêm"- đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ TW nói.
Đến thời điểm này, mục tiêu tiêm chủng liều cơ bản và tiêm bổ sung cho người lớn: Hoàn thành với tỷ lệ tiêm mũi 1 và 2 khoảng 100%; Mục tiêu tiêm chủng cho trẻ em 12-17 tuổi cơ bản hoàn thành, tỷ lệ tiêm đủ mũi cơ bản trên 95%.
Mục tiêu tiêm nhắc cho người lớn: Tỷ lệ người đủ điều kiện đã được tiêm mũi 3 mới đạt 64,7%. Tiến độ tiêm nhắc trong những ngày gần đây có chiều hướng chậm.
Về mục tiêu tiêm cho nhóm 5- dưới 12 tuổi với mũi 1 đạt 47,1%, một số địa phương đang triển khai mũi 2 cho nhóm đối tượng này (10,8%).
Tuy nhiên thông tin tại cuộc họp cũng cho thấy có tình trạng tồn đọng nhiều vaccine COVID-19 tại Trung ương và các địa phương, dẫn tới nguy cơ hết hạn phải hủy bỏ nếu không đẩy mạnh tiếp nhận vaccine và triển khai tiêm chủng trong thời gian tới.
Thời gian qua, mặc dù ngành y tế các địa phương đã hết sức nỗ lực trong công tác thực hiện tiêm chủng, tuy nhiên do tâm lý chủ quan của người dân trong bối cảnh số ca mắc giảm, số ca nặng và tử vong ở mức rất thấp, nhiều đối tượng đã mắc COVID-19 không đồng ý tiêm các mũi vaccine tiếp theo do nghĩ đã được miễn dịch bảo vệ, cho rằng việc tiêm mũi 3 và 4 là không cần thiết!
"Ở một địa bàn của một tỉnh khu vực miền Trung, ngành y tế địa phương tổ chức tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại một điểm tiêm, nhưng từ sáng đến trưa chỉ có 63 người đến tiêm, dù trước đó đã phát giấy mời đến 800 người dân đi tiêm mũi bổ sung, nhắc lại"- đại diện Viện Pastuer Nha Trang chia sẻ tại cuộc họp.
Tại cuộc họp sau khi lắng nghe các ý kiến trao đổi, bàn thảo của các đại biểu, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị Cục Y tế dự phòng làm công văn gửi 3 tỉnh, thành hiện tiêm liều cơ bản dưới 95%; 6 tỉnh, thành tiêm liều thứ 2 cho trẻ từ 12-17 tỷ lệ tiêm thấp.
"Đề nghị Cục nêu rõ chi tiết từng tỉnh trên và đề nghị các tỉnh báo cáo tình hình tiếp nhận sử dụng vaccine có hạn đến tháng 6/2022; thống kê báo cáo tiến độ tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên; tiến độ tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi; Số vaccine đã sử dụng, số vaccine còn tồn để căn cứ đến 30/6 nếu địa phương chưa tiêm hết cho các đối tượng ttheo hướng dẫn trong khi vaccine vẫn dư thừa thì địa phương đó hoàn toàn chịu trách nhiệm"- Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh.
Về công tác truyền thông tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, trước một số ý kiến cho rằnh "thông tin tiêu cực về tác dụng phụ, biến chứng khi tiêm mũi 3 gây ảnh hưởng đến tâm lý, e ngại của người dân không đồng ý tiêm mũi nhắc lại", Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng tiếp tục có chuỗi truyền thông về các nội dung như lợi ích của việc tiêm chủng, đặc biệt là truyền thông nhóm tuổi trẻ em về hiệu lực, hiệu quả của tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.
Đối với các Viện Vệ sinh dịch tễ/ Viện Pastuer, Thứ trưởng yêu cầu phải tiếp tục quyết liệt đôn đốc, nhắc lại địa phương thuộc khu vực địa bàn phân công quản lý tiếp tục đẩy nhanh việc tiếp nhận, sử dụng vaccine đảm bảo hiệu quả…
Các Viện phải cử các đoàn công tác đến các địa phương tiêm mũi 3, mũi 4 chậm, tiêm cho trẻ tử 5 - dưới 12 tuổi chậm để cùng các tỉnh triển khai các hoạt động tăng cường tiêm chủng vaccine phòng COVID-19...