Tại tâm dịch Đà Nẵng, Sở Công Thương thành phố có Văn bản số 1355/SCT-KTATMT. Theo đó, thông báo dừng việc kinh doanh tại các cửa hàng ăn uống, giải khát kể cả bán hàng qua mạng, bán hàng mang về; thời gian thực hiện bắt đầu từ 13 giờ ngày 30/7. Đồng thời, khuyến cáo người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không nên mua tích trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm với số lượng lớn vì các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hoá, các đơn vị cung cấp suất ăn, cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm vẫn hoạt động bình thường, đã có kế hoạch chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, hàng hoá thiết yếu để phục vụ nhu cầu người dân chủ động, thường xuyên, liên tục với nguồn dự trữ dồi dào, phong phú, được quản lý theo chuỗi cung ứng trên toàn quốc với các tổng kho ở khu vực miền Trung, miền Bắc và miền Nam, bảo đảm phục vụ phòng chống dịch COVID-19.
Các địa phương đều chuẩn bị sẵn sàng lượng hàng hóa thiết yếu cho mùa dịch.
Một địa bàn “nóng” khác là Quảng Nam. Để đảm bảo đủ nguồn lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm thiết yếu cho sinh hoạt hàng ngày của người dân trong thời gian phòng chống dịch COVID-19, hiện nay, các tiểu thương tại chợ đầu mối Tam Kỳ, thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) đã dự trữ đầy đủ lượng lương thực, thực phẩm; ký kết với các nhà vườn trên địa bàn tỉnh cung ứng đủ nguồn hàng phục vụ cho người dân. Được biết, chợ Tam Kỳ và siêu thị Co.opmart Tam Kỳ sẽ mở cửa liên tục các ngày trong tuần để phục vụ nhu cầu của người dân. Nhờ sự chuẩn bị đủ nguồn lương thực, thực phẩm thiết yếu của các tiểu thương tại các chợ đầu mối cũng như nguồn hàng tại siêu thị, địa bàn tỉnh Quảng Nam đã không xảy ra tình trạng người dân đồng loạt đi mua lương thực, thực phẩm về dự trữ trong nhà.
Tại Quảng Ngãi, trước diễn biến khó lường của dịch COVID-19, Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai kế hoạch cung ứng hàng hóa thiết yếu theo các cấp độ dịch bệnh tại các khu vực cách ly nhân dân trên địa bàn tỉnh nhằm bảo đảm cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu, ổn định thị trường hàng hóa. Theo đó, Sở Công Thương tỉnh chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại, hệ thống cửa hàng tiện lợi đẩy mạnh nguồn hàng, tăng lượng dự trữ, đảm bảo số lượng, ổn định giá bán, tổ chức cung ứng kịp thời tại các điểm bán hàng phục vụ nhu cầu nhân dân. Tại các siêu thị lớn ở Quảng Ngãi, lượng hàng hóa nhập vào khá dồi dào, đa dạng các chủng loại. Còn tại chợ Quảng Ngãi, mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường, thậm chí nhộn nhịp. Đang trong thời điểm dịch, dù kinh doanh, buôn bán có phần ế ẩm hơn ngày thường nhưng các tiểu thương vẫn đảm bảo cung ứng đầy đủ các nhu yếu phẩm thiết yếu. Hiện, Sở Công Thương tỉnh đã phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, găm hàng, tích trữ đẩy giá hàng lên cao đối với các mặt hàng phòng chống dịch và các mặt hàng thiết yếu. Sở Công Thương cũng đã xây dựng kịch bản ứng phó cụ thể với 5 phương án và cấp độ ứng phó với dịch bệnh dựa trên tình hình thực tế với tổng giá trị dự trữ hàng hóa gần 19 tỉ đồng.
Trên địa bàn tỉnh Cà Mau hiện có 08 siêu thị và trung tâm thương mại, 11 cửa hàng tiện lợi, 72 điểm chợ. Hiện nay, các mặt hàng thiết yếu cơ bản đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân trong tỉnh với giá cả ổn định, không xảy ra hiện tượng khan hiếm, thiếu hàng. Thời điểm này, lượng hàng hóa dự trữ tại Siêu thị Co.opmart Cà Mau ước tính khoảng 30 tỉ đồng, tăng hơn khoảng 30% so với ngày thường. Các nhu yếu phẩm cần thiết như: gạo, mì, dầu ăn, sữa, mì tôm, đồ hộp... vẫn giữ ở mức giá ổn định. Mặt khác, một số mặt hàng như: khẩu trang vải, gel rửa tay... được khuyến mãi với mức giảm giá 15%. Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cà Mau Dương Vũ Nam cho biết: “Sở Công Thương tỉnh thường xuyên theo dõi diễn biến thị trường, sẵn sàng phối hợp, điều phối các đơn vị, doanh nghiệp bình ổn thị trường, hệ thống phân phối đảm bảo cung ứng hàng hóa kịp thời, đầy đủ, liên tục. Hiện nay, các hệ thống phân phối, bán hàng nhu yếu phẩm trên địa bàn tỉnh vẫn đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân, kể cả khi lượng mua sắm tăng cao. Qua đó, nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân trên địa bàn tỉnh an tâm mua sắm trong mùa dịch”.
Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngoài nguồn lúa, gạo đã đủ dự trữ. Về rau, cây màu, cả nước đã gieo trồng được 764.900ha ngô, 87.400ha khoai lang, 28.700ha đậu tương, 146.000ha lạc, 849.700ha rau, đậu...
Bên cạnh đó, sản xuất thủy sản, chăn nuôi lợn tiếp tục phục hồi. Sản lượng thuỷ sản ước đạt 783.300 tấn, tăng 1,5% so với tháng 7/2019. Lũy kế 7 tháng, tổng sản lượng ước đạt gần 4,65 triệu tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Sản xuất chăn nuôi tăng trưởng tương đối tốt, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi, nhiều địa phương đã công bố hết dịch, người dân và doanh nghiệp đang đầu tư tái đàn. Tuy nhiên, việc tái đàn chủ yếu diễn ra ở các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, tại khu vực hộ chăn nuôi còn chậm.