Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Nghệ An, dịch sốt xuất huyết bùng phát ở Diễn Châu từ ngày 7/3, đến nay đã có 386 ca mắc sốt xuất huyết. Trong đó 10/12 xóm của xã Diễn Ngọc có 35 ca mắc sốt xuất huyết đã điều trị khỏi 31 ca; 8/8 xóm của xã Diễn Bích có 346 ca mắc sốt xuất huyết (bệnh nhân dưới 15 tuổi 114 ca), đã điều trị khỏi 346 ca. Sở Y tế, CDC Nghệ An đã cử đoàn công tác ra phối hợp cùng chính quyền địa phương, Trung tâm Y tế huyện Diễn Châu triển khai các biện pháp khoanh vùng, không để dịch lan rộng trên địa bàn.
Cán bộ kiểm soát dịch bệnh kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết ở huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa.
Năm nay, tình hình dịch sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường và xảy ra sớm hơn các năm trước (thường thì từ tháng 7 trở đi), nhưng năm nay là tháng 3. Nguyên nhân chủ yếu do Nghệ An, sốt xuất huyết đã là bệnh nội tại. Thời tiết nắng nóng, mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển. Số lượng người dịch chuyển lớn, nguy cơ đưa mầm bệnh về cao hơn. Từ đầu năm tới nay, ngoài 386 ca sốt xuất huyết nội tại, Nghệ An còn phát hiện thêm 24 ca sốt xuất huyết ngoại lai.
Trước tình hình dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, lây lan nhanh, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của ngành y tế, huyện Diễn Châu cũng đã triển khai nhiều biện pháp chống dịch, hỗ trợ gần 600 triệu đồng cho công tác truyền thông, trang thiết bị y tế. Đồng thời chỉ đạo huyện đoàn, đồn biên phòng, trung tâm y tế phối hợp với các địa phương đồng loạt tổng vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy, thả hơn 3.000 cá con vào các bể chứa nước tại các hộ gia đình. Cung cấp 130 lít hóa chất phun diệt muỗi trưởng thành tại tất các gia đình, cơ quan công sở ở xã Diễn Bích.
Qua điều tra, giám sát của CDC Nghệ An tại xã điểm (xã Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai) trong tháng 6 cho thấy chỉ số BI (chỉ số bọ gậy) và mật độ muỗi cao. Cụ thể chỉ số BI là 100, mật độ muỗi 2,1. Theo quy định ở miền Bắc thì chỉ số BI nhỏ hơn hoặc bằng 20, mật độ muỗi 0,5 con/nhà là ở mức báo động cảnh báo dịch. Có thể nói, xã Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết rất lớn nếu chính quyền địa phương không vào cuộc một cách quyết liệt.
TS. Nguyễn Văn Định, Giám đốc CDC Nghệ An nhận định: Thời điểm này mới chỉ là khởi đầu của dịch, trong thời gian tới dịch có nguy cơ bùng phát mạnh hơn nữa, ngoài sự vào cuộc của ngành y tế thì chính quyền các cấp ở Diễn Châu, đặc biệt là thị xã Hoàng Mai (xã Quỳnh Phương là ổ dịch cũ năm 2019) phải vào cuộc một cách quyết liệt, nâng cao hơn nữa tinh thần chống dịch, sẵn sàng các phương án ứng phó.Cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Công tác vệ sinh môi trường cần phải được duy trì thường xuyên và có sự giám sát dịch một cách chặt chẽ, các bệnh nhân sốt xuất huyết phải được phát hiện sớm, điều trị kịp thời tại trạm y tế xã để hạn chế bệnh nhân chuyển tuyến làm lây lan dịch bệnh. Khoanh vùng dập dịch, không để dịch lan rộng trên địa bàn.
Còn tại Khánh Hòa, từ đầu năm đến hết ngày 4/7/2020, toàn tỉnh đã ghi nhận 2.138 ca mắc sốt xuất huyết. Tuy không có ca tử vong và số lượng ca mắc so với cùng kỳ năm 2019 có giảm nhưng dự báo trong những tháng tới, bệnh dịch sẽ có nhiều diễn biến phức tạp.
Các chiến dịch phun hóa chất sẽ được tiến hành thực hiện trên diện rộng. Hiện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa đã dự trữ 2.000 lít hóa chất diệt muỗi, đảm bảo cung cấp đầy đủ cho các địa phương để thực hiện công tác phòng dịch sốt xuất huyết nên người dân không nên hoang mang, lo lắng.
Nhiều hộ dân ở xã Vĩnh Lương (TP. Nha Trang) cho biết: Người dân trong xã chủ yếu làm nghề đánh bắt, chế biến thủy hải sản nên muỗi rất nhiều. Nhiều ngõ ngách nước đọng thành vũng, lăng quăng xuất hiện liên tục, diệt xong lại có. Ý thức của nhiều hộ chưa cao nên rất dễ xảy ra nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Nhiều thôn, xã chủ quan nên người dân mắc bệnh nặng phải nhập viện, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Điển hình như ở xã Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh) nhiều người ngư dân bị sốt xuất huyết nặng phải chuyển vào Bệnh viện Nhiệt đới Khánh Hòa để điều trị nhiều ngày mới có thể bình phục.
Phun hóa chất diệt muỗi tại Nghệ An.
Trong đợt kiểm tra thực tế tại 20 hộ dân vừa diễn ra tại thôn Xuân Tự 2 (xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh) do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa thực hiện, thực trạng nhiều hộ dân vẫn để các vật dụng chứa nước trong nhà, sân vườn mà không có biện pháp che đậy để phòng muỗi sốt xuất huyết đẻ trứng. Tại một số hộ, có nhiều lăng quăng trong bể chứa nước, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh cao.
Ở các địa bàn khác như: Thị xã Ninh Hòa, huyện Diên Khánh, trong các lần kiểm tra, nhân viên phòng chống dịch đều nhắc nhở, vận động người dân không chủ quan, chủ động phối hợp với ngành y tế trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết cũng như các bệnh truyền nhiễm khác.
Nhiều gia đình nuôi tôm ở xã Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh) cho biết: Ở đây nước ngọt hiếm nên người dân có thói quen tích trữ nước mưa trong rất nhiều chum, vại, bể. Có khi tích trữ triền miên tháng này qua tháng nọ nên lăng quăng có phát sinh đầy trong đó cũng không biết. Không những thế, một số người dân còn cổ hủ nghĩ rằng khi ngành y tế phun hóa chất phòng chống dịch vào quanh nhà sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nên không muốn cho phun, nguy cơ bùng phát dịch rất cao.
BS. Tôn Thất Toàn, Phó Giám đốc CDC Khánh Hòa nói: Phòng chống dịch sốt xuất huyết cần sự chung tay của các cấp chính quyền từ thôn xã đến tỉnh. Phải làm bền bỉ, không lơ là. Như vậy hiệu quả mới cao. Sau mỗi chiến dịch, tuyệt đối không được thờ ơ trong công tác diệt lăng quăng, xử lý các vũng nước trũng, đục có nguy cơ phát sinh bệnh.
Để kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, không để dịch lan rộng và kéo dài; Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm chỉ đạo một số nội dung trọng tâm sau:
Giao UBND các cấp trực tiếp chỉ đạo triển khai mạnh mẽ hơn nữa hoạt động diệt lăng quăng/bọ gậy trên địa bàn ngay trong tháng 7 năm 2020 và duy trì hoạt động 1 tuần/1 lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/1 lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng/bọ gậy cao và 1 tháng/1 lần tại các khu vực còn lại.
Giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp chính quyền có nhiệm vụ chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy, đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt bọ gậy.
Ngành y tế triển khai giám sát chặt chẽ việc xử lý triệt để ổ dịch sốt xuất huyết tại địa phương. Tổ chức phun hóa chất 100% các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch.Đảm bảo phun hóa chất đúng kỹ thuật, đánh giá chỉ số véc tơ trước và sau phun để có chỉ định phun cụ thể. Xác định khu vực có nguy cơ cao để tổ chức phun hóa chất diện rộng…