Các địa phương phía Bắc dồn sức chống dịch sau lũ

07-08-2015 07:00 | Thời sự

SKĐS - Ngay sau khi nước lũ rút tại các điểm ngập lụt, đơn vị y tế các địa phương đã nhanh chóng cung cấp cloramin B cho nhân dân nhằm khử khuẩn...

* BS. Ninh Văn Chủ - Giám đốc Trung tâm YTDP Quảng Ninh: Giám sát chặt dịch bệnh.

PV: Thưa ông, hơn 40 năm qua Quảng Ninh phải hứng chịu đợt mưa lớn như vừa rồi, nước hiện đã rút hết nhưng nước sạch cho nhân dân vẫn còn đang rất khó khăn, giải pháp cho nước sạch cho dân của địa phương là gì?

BS. Ninh Văn Chủ: Ngay sau khi nước lũ rút tại các điểm ngập lụt, đơn vị y tế các địa phương đã nhanh chóng cung cấp cloramin B cho nhân dân nhằm khử khuẩn, đảm bảo vệ sinh nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt của người dân. Hiện tại, TP. Hạ Long và TP. Cẩm Phả do đường ống dẫn nước cung cấp nước sinh hoạt cho người dân bị mưa lũ làm vỡ, nhiều hộ dân phải sử dụng nguồn nước đang có của gia đình đã bị ngập nước không đảm bảo an toàn vệ sinh phòng bệnh. Trước tình hình này, ngoài lượng cloramin B dự trữ tại Trung tâm Y tế TP. Hạ Long, TP. Cẩm Phả, chúng tôi tiếp tục cấp thêm cloramin B cho các địa phương này để phân phát cho các hộ dân xử lý nguồn nước. Bên cạnh đó, các địa phương huy động cán bộ, nhân viên của tất cả các trạm y tế trực tiếp xuống từng hộ hướng dẫn người dân khử khuẩn nguồn nước, tích trữ, bảo quản thực phẩm an toàn, đảm bảo không để dịch bệnh xảy ra.

PV: Ngoài nước sạch cho người dân, đối với Quảng Ninh còn vấn đề là ô nhiễm ở các mỏ than, nếu không có giải pháp sớm sẽ để lại hậu quả lớn, ngành y tế sẽ phối hợp với Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam như thế nào?

BS. Ninh Văn Chủ: Đây là vấn đề lớn không thể một sớm một chiều giải quyết được. Tuy nhiên, là cơ quan đầu ngành về YTDP, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị y tế của tập đoàn cũng như của các công ty than. Xử lý môi trường thật tốt, bám sát địa bàn để dập dịch ngay (nếu có).

* BS. Triệu Đình Thành - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Điện Biên: Y tế có mặt ngay trong lũ.

PV: Dù đã có cảnh báo mưa lớn ở khu vực miền núi phía Bắc nhưng dường như Điện Biên vẫn có đôi chút bất ngờ khi mưa to dồn dập trong ít ngày tại địa bàn tỉnh?

BS. Triệu Đình Thành: Chúng tôi hoàn toàn chủ động trong phòng chống mưa bão nhờ có sự chỉ đạo tập trung và làm tốt công tác 4 tại chỗ. Khi mưa lớn gây úng ngập tại một số địa phương thì công tác vệ sinh phòng dịch tại một số điểm chịu ảnh hưởng của mưa lũ vẫn diễn ra kịp thời. Riêng huyện Nậm Pồ là địa phương khó khăn, đường sá đi lại khó khăn, nhưng cán bộ y tế đã tiếp cận được với người dân để hướng dẫn làm nước sạch, vệ sinh môi trường sau lũ. Còn ở huyện Mường Chà, đã tăng cường công tác khám chữa bệnh cho người dân, cử cán bộ y tế, nhân viên y tế các trạm xuống cơ sở bám, nắm địa bàn, theo dõi tình hình sức khỏe, hướng dẫn người dân cách bảo vệ giếng, bể nước, bảo vệ nguồn lương thực, thực phẩm... tăng cường công tác giám sát, phát hiện ca bệnh sớm để bao vây, cách ly và dập dịch kịp thời.

PV: Kinh nghiệm qua đợt mưa, lũ vừa qua ở Điện Biên là gì?

BS. Triệu Đình Thành: Trước mùa mưa bão phải rà soát lại các phương án phòng chống. Đối với các địa phương miền núi cần thêm phương án khi cô lập do tắc đường dài ngày, chính vì thế ưu tiên phải là 4 tại chỗ thật tốt. Dự trữ đầy đủ vật tư, hóa chất cho các huyện tại chỗ nên khi có tình huống xảy ra hoặc đường sá bị chia tách các nhân viên y tế vẫn có đầy đủ thuốc men, vật tư y tế để sẵn sàng khám chữa bệnh ngay cho nhân dân.

* BS. Trương Quang Vinh - Phó giám đốc Sở Y tế Bắc Giang: Đời sống người dân vùng cô lập trở lại bình thường

PV: Mưa lũ đã làm 3 người dân trên địa bàn huyện Lục Ngạn tử vong và 1 trạm y tế xã ngập nước. Thưa ông, đối với trạm y tế thì tình hình ở đó như thế nào và người dân có cần sự chi viện từ y tế?

BS. Trương Quang Vinh: Những ngày qua mưa lớn gây ngập úng cục bộ một số địa phương thuộc khu vực miền núi, vùng cao của tỉnh. Tuy nhiên do chủ động các phương án nên dù bị ngập úng cục bộ nhưng hoạt động của các trạm y tế cơ sở vẫn bảo đảm, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân. Các cán bộ y tế đã có mặt kịp thời cùng bà con thực hiện vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt, trạm y tế xã đang tích cực giám sát, phát hiện mầm bệnh, cán bộ y tế xã đã có mặt tại thôn bị ngập tìm hiểu đời sống của người dân và đến nay cơ bản cuộc sống của nhân dân đã trở lại bình thường.

Tuệ Khanh (thực hiện)

 

 

 


Ý kiến của bạn