Hà Nội

Các địa phương khẩn trương ứng phó với bão số 7

15-10-2020 08:25 | Xã hội
google news

SKĐS - Do ảnh hưởng của bão số 7 kết hợp với không khí lạnh nên từ 14-16/10, khu vực Đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Hòa Bình, Phú Thọ, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa to đến rất to. Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, y tế các địa phương đã có sự chuẩn bị từ sớm.

Tại tỉnh Thái Bình, lãnh đạo Sở Y tế đã có Công điện số 02/CĐ-SYT gửi lãnh đạo các đơn vị trong toàn ngành yêu cầu, chỉ đạo kiểm tra, giám sát các hoạt động đã xây dựng bảo vệ cơ quan trong mùa mưa bão. Sẵn sàng sơ tán người bệnh, vật tư y tế, thuốc men, hồ sơ bệnh án đến địa điểm an toàn. Duy trì các đội cấp cứu lưu động, chuẩn bị thuốc, phương tiện cấp cứu sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Chuẩn bị máy phát điện đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh trong trường hợp điện lưới bị cắt.

Để đảm bảo công tác chăm sóc điều trị cho người bệnh trong mùa mưa bão, đặc biệt là cơn bão số 7, Sở Y tế 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị trong và ngoài công lập triển khai công tác y tế ứng phó với áp thấp nhiệt đới, mưa lũ và cơn bão số 7 trên địa bàn.

Tại 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, lãnh đạo ngành y tế yêu cầu các cơ sở y tế trong và ngoài công lập triển khai thực hiện đầy đủ kế hoạch phòng chống bão lụt - tìm kiếm cứu nạn năm 2020. Tổ chức trực ban, trực cấp cứu 24/24 giờ, sẵn sàng thu dung và cấp cứu miễn phí cho nạn nhân do mưa lũ gây ra. Các đội cấp cứu cơ động luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng cứu cho tuyến dưới khi có lệnh.

Các đơn vị tuyến tỉnh sẵn sàng cơ số thuốc, hóa chất, thiết bị, phương tiện và phân công các đội cơ động trực 24/24 giờ, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. Các đơn vị vùng trũng, thấp có nguy cơ ngập úng, có nguy cơ xảy ra mưa bão có kế hoạch chủ động sơ tán đảm bảo an toàn cho người bệnh và tiếp tục triển khai công tác khám, chữa bệnh và cấp cứu người bệnh. Các trung tâm y tế huyện miền núi chỉ đạo các trạm y tế xã ở địa bàn có nguy cơ sụt lở, lũ quét, lũ ống, tham mưu UBND xã chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, thuốc men, nhân lực để sẵn sàng cơ động phục vụ nhân dân.

Các đơn vị cử cán bộ theo dõi sát diễn biến của bão, tích cực chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị, thuốc men, hóa chất cho phòng chống bão lụt, đồng thời báo cáo kết quả triển khai công tác đối phó với mưa bão trước, trong và sau khi cơn bão đổ bộ; Các đơn vị phải chuẩn bị sẵn sàng máy phát điện để không bị động khi bị mất điện lưới ảnh hưởng đến công tác cấp cứu, bảo quản máu, vắc-xin...

Sau khi mưa bão kết thúc: Các đơn vị nhanh chóng khôi phục, sửa chữa lại các cơ sở y tế bị hư hỏng, kịp thời tiếp nhận, cấp cứu, khám chữa bệnh cho nhân dân. Các bệnh viện tuyến tỉnh sẵn sàng tăng cường cán bộ chuyên môn, thuốc men và TTBYT để hỗ trợ các đơn vị cấp cứu bệnh nhân và nạn nhân.  Kịp thời thống kê các thiệt hại về người và tài sản báo cáo bằng điện thoại hoặc báo cáo nhanh về BCH PCTT&TKCN ngành.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC), Trung tâm Y tế tuyến huyện có biện pháp hỗ trợ các đơn vị trong vùng ảnh hưởng bão lụt để giải quyết hậu quả về người, trang bị, hoá chất đảm bảo khắc phục nhanh nhất hậu quả do áp thấp nhiệt đới và bão gây ra.

TS.BS. Nguyễn Văn Định - Giám đốc CDC Nghệ An cho biết: Hiện nay, trung tâm đã tiến hành rà soát lại các cơ số thuốc phòng chống bão lụt và hóa chất để xử lý môi trường, nước sinh hoạt cho người dân vùng bị ảnh hưởng sau bão lụt. Phân công cán bộ theo dõi, nắm thông tin để triển khai các biện pháp kịp thời. Thành lập đội phản ứng nhanh thường trực tại đơn vị, sẵn sàng hỗ trợ, tăng viện cho tuyến dưới khi xảy ra tình huống khẩn cấp.

Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân ăn uống hợp vệ sinh, giữ gìn vệ sinh cá nhân, thực hiện vệ sinh môi trường, phòng bệnh đường tiêu hoá, bệnh tiêu chảy, bệnh ngoài da, bệnh đau mắt đỏ..., nhất là bệnh sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát. Triển khai các biện pháp quản lý chặt các ổ dịch cũ, kịp thời phát hiện, giám sát và xử lý khi có dịch bệnh xảy ra.


Từ Thành - Ngọc Lan
Ý kiến của bạn