Tuyên Quang ban hành công điện khẩn cấp ứng phó hoàn lưu bão số 3
Để chủ động ứng phó, khắc phục ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 gây ngập lụt trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành công điện khẩn cấp chủ động ứng phó, khắc phục ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3. Theo đó Công điện yêu cầu lực lượng vũ trang, các địa phương triển khai các lực lượng xuống cơ sở kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, ven suối có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, đá, chủ động di dời sơ tán dân đến nơi an toàn; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để chủ động, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, tuyệt đối không để người dân không có chỗ ở và thiếu đói khi phải di dời đến nơi an toàn.
Cùng với đó, tiếp tục tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan.
Ngành Giao thông vận tải thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn công trình cầu, ngầm, tràn, đê, kè … (đặc biệt là các công trình đang có sự cố, đang thi công); đối với các công trình đang thi công xây dựng, yêu cầu các Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, nhà thầu đang thi công công trình nắm thông tin về tình hình mưa, lũ, lụt chủ động có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình, cần thiết cho dừng thi công.
Các địa phương tổ chức lực lượng thường trực 24/24 giờ sẵn sàng ứng phó kịp thời với mọi tình huống xấu nhất có thể xảy ra; tập trung chỉ đạo khắc phục ngay hậu quả, bảo đảm sản xuất; hỗ trợ ổn định đời sống cho nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng do thiên tai; kịp thời thăm hỏi, động viên các hộ gia đình có người bị thiệt mạng do thiên tai. Chủ động sử dụng ngân sách dự phòng của huyện, thành phố và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định để khắc phục hậu quả, hỗ trợ nhân dân sớm ổn định đời sống sản xuất.
Khẩn trương di chuyển người dân khu vực ngoài bãi sông Cầu
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Ninh vừa yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Yên Phong, thị xã Quế Võ và thành phố Bắc Ninh cùng các đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức thực hiện rà soát ngay các trường hợp đang sinh sống ngoài bãi sông Cầu có nguy cơ mất an toàn đến tính mạng; tổ chức di chuyển nhân dân đến khu vực an toàn.
Hiện nay, mực nước các sông trong tỉnh Bắc Ninh đang ở mức cao. Hồi 13 giờ trên sông Cầu, tại trạm Đáp Cầu, mực nước ở mức dưới báo động 2 là 12 cm; tại trạm Phúc Lộc Phương, mực nước ở mức dưới báo động 2 là 0,9 cm. Trên sông Thái Bình, tại trạm Phả Lại, mực nước ở mức trên báo động 1 là 0,6 cm.
Dự báo, mực nước sông Cầu đang lên rất nhanh và có thể lên trên báo động 3 vào đêm 9/9; sông Thái Bình dự báo ở mức trên báo động 2; sông Đuống ở mức báo động 1. Trong những ngày qua, do ảnh hưởng mưa của bão số 3, tại Bắc Ninh đã có mưa to làm đất bão hòa tại các tuyến đê, nguy cơ cao xảy ra sạt lở bãi sông và công trình đê điều.
Do mực nước sông Cầu ở mức cao, việc tiêu thoát nước từ sông Ngũ Huyện Khê ra sông Cầu chậm. Tại khu vực bờ tả, bờ hữu sông Ngũ Huyện Khê, trong thời gian vừa qua đã xảy ra sự cố lún, nứt, sạt trượt mái, gây ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của công trình, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện Yên Phong và Tiên Du đã huy động vật tư, phương tiện để xử lý tạm thời các sự cố để đảm bảo an toàn.
Sạt lở đất đá vào nhà dân khiến 1 người tử vong
Tối 9/9, thông tin từ Đồn Biên phòng Sì Lở Lầu, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Lai Châu cho biết, trên địa bàn xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ xảy ra vụ sạt lở đất đá vào nhà dân khiến 1 người tử vong.
Cụ thể vào lúc 19 giờ cùng ngày tại bản Phố Vây, xã Sì Lở Lầu, đất đá sạt lở vào nhà bà Phàn Nụ Mẩy (sinh năm 1981), khi đó trong nhà chỉ có bà Phàn Nụ Mẩy. Do ảnh hưởng của mưa kéo dài những ngày qua, ngôi nhà lại nằm dưới taluy dương phía sau đồi. Khi taluy dương sạt lở, đất đá rơi xuống làm nửa căn nhà bị sập. Hậu quả, bà Mẩy tử vong tại chỗ, thiệt hại về tài sản khoảng 80 triệu đồng. Gia đình bà Mẩy có 9 thành viên nhưng may mắn vào thời điểm đó chồng bà Mẩy là ông Tẩn Chỉn Niền và các con cháu không ở trong nhà.
Ngay khi nhận được tin báo, Đồn Biên phòng Sì Lở Lầu cử 15 cán bộ chiến sĩ phối hợp với chính quyền địa phương để tìm kiếm nạn nhân và di dời những tài sản có giá trị đến nơi an toàn. Đồn Biên phòng Sì Lở Lầu đã hỗ trợ ban đầu cho gia đình bị nạn 1 triệu đồng và 1 phần quà động viên. Các chiến sĩ của Đồn tiếp tục bám, nắm tình hình địa bàn để kịp thời khắc phục thiên tai, giúp dân trong mùa mưa lũ.
Hiện trên địa bàn Lai Châu đang có mưa lớn kéo dài, lũ lên cao tiềm ẩn nguy cơ nhiều điểm sạt lở trong khu dân cư, đường xá, sông suối. Chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chức năng đã chủ động tuyên truyền, hướng dẫn người dân về các biện pháp bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ.
Lùi thời gian tổ chức phần Hội của Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn để khắc phục hậu siêu bão Yagi
Tối 9/9, UBND quận Đồ Sơn đã phát đi Thông báo số 451/TB-UBND về việc thay đổi thời gian tổ chức Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn năm 2024 để tập trung khắc phục hậu quả nặng nề do bão số 3 gây ra tại thành phố Hải Phòng.
Phần Lễ sẽ tổ chức các nghi lễ theo thời gian và nghi thức truyền thống; phần Hội chuyển từ 7 giờ 30 phút ngày 11/9 sang ngày 21/9. Theo đó, Giấy mời dự Lễ hội ngày 11/9/2024 (tức ngày 9/8 Âm lịch) được sử dụng cho ngày 21/9/2024 (tức ngày 19/8 Âm lịch).
Lễ hội chọi trâu truyền thống quận Đồ Sơn được khôi phục từ năm 1990, được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia tại Quyết định số 5079/QĐ- BVHTTDL ngày 27/12/2012 về việc công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Phó Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn Phạm Hoàng Tuấn cho biết, Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn được tổ chức hàng năm vào tháng 8 Âm lịch với phần Lễ được tổ chức từ ngày mùng 1/8 đến hết ngày 16/8 Âm lịch và phần Hội được tổ chức vào ngày mùng 9/8 Âm lịch. Năm 2024, UBND quận Đồ Sơn đã xây dựng hệ thống các văn bản và chuẩn bị cơ sở vật chất để phục vụ công tác tổ chức Lễ hội (sân bãi, phân bổ, tuyển chọn và chăm sóc trâu; huy động kinh phí, in ấn phát hành giấy mời, các loại thẻ,...). Bên cạnh đó, UBND quận cũng đã triển khai tổ chức các nghi lễ theo truyền thống: Lễ dâng hương thượng cờ Lễ hội (ngày 1/8 Âm lịch), Lễ rước nước (ngày 7/8 Âm lịch).
Bão số 3 đổ bộ vào Hải Phòng làm các cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ tại khu du lịch bị hỏng. Khu vực sân vận động trung tâm quận - địa điểm tổ chức phần Hội bị thiệt hại nặng. Hiện nay, địa phương gặp khó khăn trong khắc phục hệ thống điện lưới, nước, thông tin liên lạc trong toàn quận, không đảm bảo tiến độ hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ nhân dân, du khách về dự Lễ hội.
Triển khai các giải pháp ứng phó với tình hình mưa lũ
Ngày 9/9, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành văn bản số 1788/UBND-NNTNMT về việc thực hiện đảm bảo an toàn hệ thống công trình đê điều ứng phó với tình hình mưa lũ và vận hành xả lũ các hồ thủy điện.
Cụ thể, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Nam, hiện nay, mực nước trên sông Đáy tại Phủ Lý đã vượt mức Báo động II (mực nước thực đo lúc 13 giờ ngày 9/9 là 3,82m, dưới Báo động III: 0,18m), dự báo mực nước sông Đáy tiếp tục lên, đồng thời, hiện nay hồ thủy điện Hòa Bình đang mở 2 cửa xả đáy.
Để đảm bảo an toàn cho hệ thống công trình đê điều, chủ động sẵn sàng ứng phó với mưa, lũ và ảnh hưởng vận hành xả lũ hồ thủy điện Hòa Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam yêu cầu, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo theo dõi chặt chẽ, thông báo kịp thời đến đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông, cơ sở nuôi trồng thủy sản, phương tiện vận tải thủy, các bến đò ngang, đỏ dọc; rà soát, đảm bảo an toàn các công trình đang thi công trên bãi sông; các tổ chức, đơn vị thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh, khai thác cát, sỏi biết thông tin xả lũ các hồ thủy điện để chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn về người, tài sản.
Các địa phương kiểm tra, rà soát và chủ động triển khai phương án sơ tán người dân sinh sống ở các vùng bãi sông có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi lũ, ngập lụt đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản của nhân dân; kịp thời triển khai trên thực tế các phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm, phương án đảm bảo an toàn công trình đã được phê duyệt theo phương châm “4 tại chỗ”, chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện tại các khu vực trọng điểm xung yếu, các công trình đê điều thi công dở dang, cống dưới đê đã thi công hoàn thành chưa qua thử thách để sẵn sàng triển khai xử lý kịp thời các sự cố, đặc biệt là những tình huống có nguy cơ mất an toàn do mưa, lũ và ảnh hưởng của việc vận hành điều tiết xả lũ các hồ thủy điện có thể gây ra.
UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo đúng quy định của Luật Đê điều và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Thông tư số 01/2009/TT-BNN ngày 6/1/2009 để kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố có thể xảy ra ngay từ giờ đầu; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo, để xảy ra sự cố gây mất an toàn đê điều do việc không thực hiện việc tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều theo đúng quy định pháp luật.