Kiểm soát chi tiêu khám, chữa bệnh BHYT
UBND TP.HCM vừa có văn bản yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan và các địa phương tăng cường kiểm soát chi tiêu khám, chữa bệnh BHYT trên địa bàn thành phố.
Theo đó, BHXH TP. Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, đặc biệt là đối tượng tham gia BHXH tự nguyện; đánh giá tình hình thực hiện dự toán chi BHYT của từng cơ sở khám, chữa bệnh, phân tích rõ nguyên nhân gia tăng chi phí bất hợp lý so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ cơ cấu chi phí so với cơ sở khác cùng địa bàn có chi phí hợp lý, các cơ sở khám, chữa bệnh có giải pháp quản lý, kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả Quỹ BHYT, không để vượt theo dự toán được giao năm 2018; kịp thời phát hiện bất thường, giảm các chi phí khám, chữa bệnh không cần thiết; xây dựng các giải pháp ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT...
Sở Y tế cần tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm; ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT; chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị và các quy trình chuyên môn trong khám, chữa bệnh BHYT, không kéo dài ngày điều trị nội trú không cần thiết; sau khi tiếp nhận và điều trị bệnh nhân đa khoa tuyến tỉnh ổn định, cần hướng dẫn bệnh nhân về nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu để giảm tải cho tuyến trên và giảm chi phí điều trị.
Khám chữa bệnh BHYT.
Các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí khám chữa bệnh BHYT, đảm bảo quyền lợi của người bệnh; nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân và nêu cao tinh thần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chỉ định thuốc, xét nghiệm, điều trị nội trú và sử dụng dịch vụ, nhất là các dịch vụ kỹ thuật và thuốc đắt tiền; xây dựng quy trình, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận, các phòng ban để thực hiện chuyển dữ liệu lên cổng điện tử đầy đủ, chính xác ngay sau khi kết thúc đợt điều trị để có thể chủ động kiểm soát, cân đối chi phí khám, chữa bệnh; kiểm soát tình trạng lạm dụng từ phía bệnh nhân...
Đà Nẵng xử lý nghiêm các vi phạm về BHXH
UBND TP. Đà Nẵng vừa có văn bản đề nghị Sở LĐ-TB&XH, BHXH thành phố và các sở, ban, ngành chức năng tăng cường thực hiện chính sách lao động, tiền lương, BHXH trên địa bàn.
Theo đó, giao Sở LĐ-TB&XH tăng cường công tác tuyên truyền về pháp luật lao động, tiền lương, BHXH nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật lao động, tiền lương, BHXH của người lao động, người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp (DN), đơn vị trên địa bàn. Đồng thời, tổ chức tốt việc triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHXH trên địa bàn TP. Đà Nẵng giai đoạn 2019 - 2020; tăng cường thanh tra, kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật lao động, tiền lương, không để xảy ra tình trạng nợ lương của các DN trên địa bàn; phối hợp thanh tra liên ngành và kiên quyết xử lý các vi phạm về BHXH.
Giao BHXH thành phố chủ trì, phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, đơn vị liên quan thanh tra, kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật về BHXH của các DN trên địa bàn, đặc biệt là thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH; tập trung thanh tra, kiểm tra các DN chây ỳ, nợ đọng, trốn đóng BHXH, không để xảy ra tình trạng nợ BHXH kéo dài ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động.
Đối với các đơn vị chây ỳ, nợ đọng, trốn đóng BHXH, UBND TP. Đà Nẵng đề nghị BHXH thành phố phải có giải pháp xử lý mạnh; trường hợp đủ cơ sở pháp lý, lập hồ sơ chuyển cho Công an thành phố để điều tra xử lý theo quy định pháp luật.
UBND thành phố đề nghị Công an thành phố phối hợp, tiếp nhận hồ sơ do cơ quan BHXH thành phố chuyển đến, khẩn trương xử lý theo quy định pháp luật. Đồng thời, phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, BHXH thành phố, Liên đoàn Lao động thành phố, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng theo dõi, nắm tình hình và có giải pháp xử lý đối với các DN, đơn vị nợ lương, nợ đọng BHXH, đặc biệt các DN, đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài nhằm tránh tình trạng chủ sử dụng lao động bỏ trốn...