Với phương châm, “tiêm đến đâu an toàn đến đó” và đảm bảo an toàn ở mức độ rất cao, thậm chí cao hơn so với yêu cầu, lãnh đạo y tế các địa phương đã vào cuộc khẩn trương, nghiêm túc.
Tại tỉnh Lào Cai, sáng 22/4/2021, đã thực hiện tiêm chủng vắc-xin COVID-19 cho lực lượng tuyến đầu. Chuẩn bị cho chiến dịch tiêm lần này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lào Cai đã tập huấn cho 104 học viên của các đơn vị tuyến tỉnh, cùng 9/9 huyện, thị xã, thành phố với 367 học viên.
Đây là những cán bộ tham gia khám sàng lọc, tư vấn, theo dõi, xử trí sau tiêm của các đơn vị y tế, lực lượng công an, quân đội. Sẽ có khoảng 800 cán bộ y tế được tập huấn để có thể tiêm chủng vắc-xin Covid-19 trên diện rộng vào năm 2022.
Theo đó, các học viên được phổ biến kế hoạch tiêm vắc-xin tại tỉnh Lào Cai; thông tin cơ bản về vắc-xin COVID-19 do Tập đoàn Astra Zeneca sản xuất; xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm chủng của địa phương, đơn vị mình đảm bảo an toàn, hiệu quả, tiết kiệm; phát hiện và phân loại các đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng vắc-xin COVID-19; thực hành tiêm đúng, có khả năng xử trí phản ứng, phản vệ xảy ra sau tiêm chủng tại địa điểm tiêm và bệnh viện; theo dõi, giám sát, hướng dẫn người được tiêm những thông tin có thể xảy ra sau tiêm chủng; ghi chép, báo cáo, tổng hợp kết quả tiêm chủng...
Lãnh đạo Sở Y tế Yên Bái kiểm tra vắc-xin COVID-19 tại CDC Yên Bái.
Đối với tỉnh Yên Bái, ngày 22/4/2021, cũng đã thực hiện tiêm chủng vắc-xin COVID-19 tại BVĐK tỉnh Yên Bái. Để chuẩn bị tốt nhất cho chiến dịch tiêm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái đã tổ chức tập huấn hướng dẫn xây dựng kế hoạch triển khai tiêm chủng vắc-xin COVID-19 cho các bác sĩ của trung tâm sẽ tham gia chiến dịch tiêm tại các bệnh viện và trung tâm y tế tuyến huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn.
Tại lớp tập huấn, các bác sĩ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái đã được phổ biến kế hoạch tiêm; hướng dẫn khám sàng lọc, chỉ định tiêm chủng và tư vấn cho đối tượng tiêm chủng vắc-xin COVID-19; hướng dẫn theo dõi, giám sát, xử trí phản ứng sau tiêm...
Đối với tỉnh Hà Giang, đã có 11/11 huyện, thành phố triển khai tiêm chủng vắc-xin COVID-19 cho cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng; lực lượng công an; quân đội; đội đáp ứng nhanh tuyến tỉnh, huyện. Ghi nhận tại các điểm tiêm của Hà Giang đều diễn ra an toàn, đúng quy trình, không ghi nhận trường hợp nào có phản ứng nặng sau tiêm.
Ngành y tế Hà Giang đã có sự tham gia của các đội cấp cứu lưu động của các bệnh viện, có những điểm tiêm đã bố trí đầy đủ trang thiết bị, sẵn sàng hỗ trợ cấp cứu nếu có sự cố xảy ra, các điểm tiêm đã thực hiện tốt và đúng quy trình tiêm chủng. Bên cạnh đó, tại các huyện đều thực hiện công tác thống kê báo cáo hàng ngày về kết quả tiêm chủng, tình hình sử dụng vắc- xin sinh phẩm cũng như thông tin chia sẻ về các trường hợp có phản ứng sau tiêm.
Với tỉnh Hà Giang, đã cơ bản đã thực hiện đạt mục tiêu đề ra. Trong thời gian tới, vào khoảng cuối tháng 4 đầu tháng 5, theo chỉ đạo của Bộ Y tế tỉnh Hà Giang tiếp tục triển khai tiêm chủng vắc-xin COVID-19 đợt 2 cho các nhóm đối tượng khác theo thứ tự ưu tiên mà Nghị quyết 21 đề ra.
Với Hà Tĩnh, BVĐK tỉnh Hà Tĩnh là cơ sở y tế có số lượng người được tiêm lớn nhất của tỉnh. BVĐK tỉnh Hà Tĩnh đang tiến hành triển khai việc tiêm phòng cho các thành viên BCĐ phòng chống COVID-19 tỉnh và cán bộ, nhân viên các đơn vị như: Bệnh viện Phục hồi chức năng, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Phổi, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, BVĐK TTH, Bệnh viện Mắt Sài Gòn, Sở Y tế tỉnh, Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe tỉnh.
Cùng với BVĐK tỉnh, đến nay, có 10 đơn vị gồm: BVĐK TP Hà Tĩnh, BVĐK TX Kỳ Anh, BVĐK huyện Cẩm Xuyên, BVĐK Lộc Hà, BVĐK huyện Đức Thọ, Trung tâm Y tế huyện Thạch Hà, Trung tâm Y tế huyện Can Lộc, Trung tâm Y tế huyện Vũ Quang, Trung tâm Y tế huyện Nghi Xuân, Trung tâm Y tế TX Hồng Lĩnh cũng đã tiến hành tổ chức tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho các đối tượng ưu tiên.
TS.Nguyễn Lương Tâm, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh thông tin, sau tiêm chỉ có một số trường hợp bị sốt nhẹ, nổi mẫn ngứa nhưng chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn và đây là phản ứng bình thường sau khi tiêm vắc-xin. Đến nay, tại các điểm tiêm chưa có trường hợp phản ứng nặng.
Tại Cần Thơ, sáng 22/4/2021 BVĐK Trung ương Cần Thơ thực hiện tiêm chủng vắc-xin COVID-19 đợt 1 cho 250 nhân viên y tế tuyến đầu phòng, chống dịch tại Khoa Khám bệnh. Tại điểm tiêm, nhằm đảm bảo an toàn khi thực hiện tiêm chủng, bệnh viện đã bố trí đầy đủ các bộ phận, phương tiện từ khám sàng lọc trước tiêm, khu vực tiêm, phòng theo dõi sau tiêm và phương tiện sơ cấp cứu cần thiết.
Các cơ sở tiêm chủng vắc-xin COVID-19 phải bảo đảm tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng và tổ chức buổi tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế; người đi tiêm vắc-xin phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm để theo dõi tình hình sức khỏe; được hướng dẫn theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ tiếp theo và tiếp tục theo dõi đến 3 tuần sau khi tiêm; các bệnh viện luôn sẵn sàng, thường trực công tác cấp cứu đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm. Đồng thời diện đối tượng chống chỉ định tiêm chủng ở Việt Nam cũng mở rộng hơn so với các nước.