Theo đó, Bộ LĐTBXH đề nghị UBND các tỉnh thành tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp về pháp luật, chính sách đối với người cao tuổi, người khuyết tật; vận động người dân tham gia BHXH, BHYT.
Chỉ đạo cơ quan chức năng của tỉnh, thành phố rà soát số người cao tuổi, người khuyết tật chưa có thẻ BHYT; có giải pháp nguồn kinh phí bảo đảm đóng BHYT cho người cao tuổi, người khuyết tật theo quy định của pháp luật về BHYT.
Bộ LĐTBXH đề nghị UBND các tỉnh, thành phố quan tâm, triển khai thực hiện; báo cáo kết quả thực hiện về Bộ LĐTBXH để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo thống kê của Bộ LĐTBXH, cả nước hiện có khoảng 13 triệu người cao tuổi, chiếm 12% dân số. Trong đó có 3,2 triệu người cao tuổi đang hưởng bảo hiểm xã hội, hơn 800.000 người cao tuổi hưởng chế độ người có công; gần 1,9 triệu người cao tuổi hưởng bảo trợ xã hội hằng tháng, trong đó hơn 10.000 người cao tuổi được nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội. Người cao tuổi từ 75 đến 80 tuổi thuộc hộ nghèo được trợ cấp hàng tháng.
Luật Người cao tuổi quy định, những người từ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hàng tháng thì được mua thẻ BHYT từ ngân sách nhà nước. Theo thống kê, hiện cả nước đã có khoảng 12,1 triệu người cao tuổi có thẻ BHYT, chiếm 95% tổng số người cao tuổi.
Theo thống kê, hiện cả nước hiện vẫn còn 5% người cao tuổi tương đương với hơn 500 nghìn người chưa có thẻ BHYT. Hiện tại số người cao tuổi chưa có thẻ BHYT hầu hết thuộc nhóm từ 60 đến 79 tuổi, không thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc không thuộc đối tượng chính sách ưu đãi xã hội. Thậm chí có người cao tuổi dù đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ nhưng vẫn không đủ điều kiện, khả năng tài chính để mua thẻ BHYT.
Về việc vẫn còn 5% người cao tuổi chưa có thẻ BHYT, trong buổi làm việc mới đây với Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng, phải vận dụng nhiều cách khác nhau để đảm bảo 100% người cao tuổi có BHYT, trong đó có việc kiến nghị Chính phủ giao HĐND các tỉnh/thành phố đánh giá đầy đủ và dùng ngân sách địa phương để hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người cao tuổi.
Là nhóm đối tượng suy giảm nhiều về sức khỏe sau thời gian dài lao động và cống hiến, người cao tuổi có tần suất khám chữa bệnh cao hơn nhiều so với các nhóm đối tượng khác. Đặt biệt với tốc độ già hóa dân số rất nhanh, người cao tuổi luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chăm lo sức khỏe, bảo đảm ngày càng tốt hơn các điều kiện để người cao tuổi dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT.
Trung bình mỗi người cao tuổi có thể mắc trên 3 bệnh lý như: Đái tháo đường, tăng huyết áp, thoái hóa khớp, Parkinson, Sa sút trí tuệ, đột quỵ…. Điều này đòi hỏi hệ thống an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cần có sự điều chỉnh, thích nghi để đáp ứng với nhu cầu chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi.
Khi sức khỏe người già giảm sút, việc tham gia BHYT là vô cùng cần thiết nhằm đề phòng trước những rủi ro có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Bởi khi đau ốm, bệnh tật không chỉ làm suy giảm chất lượng cuộc sống mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế gia đình.
Những năm qua, Đảng và nhà nước ta đã có nhiều chính sách quan tâm, chăm lo cho người cao tuổi. Một trong những thành tựu to lớn là đã mở rộng độ bao phủ BHYT cho người cao tuổi.
Hiện có trên 3 triệu người khuyết tật trong số 6,2 triệu người khuyết tật đã được cấp thẻ BHYT miễn phí và không phải đồng chi trả khi sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh. Phạm vi chi trả BHYT đối với các dịch vụ y tế, phục hồi chức năng liên tục được mở rộng.