Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn đến chức năng vận động của cơ thể, đặc biệt ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ và tâm lý của cha mẹ. Tỷ lệ trẻ dị tật bẩm sinh về xương khớp chiếm khoảng 1/500.
Nguyên nhân và phân loại
Dị tật xương khớp bẩm sinh do nhiều nguyên nhân và yếu tố thuận lợi khác nhau, có thể phân thành 4 nhóm:
Nguyên nhân di truyền: Nếu gia đình có bố hoặc mẹ bị khoèo chân hoặc bị 6 ngón, con sinh ra có thể cũng bị khoèo chân hoặc 6 ngón.
Nguyên nhân cơ học khi mẹ mang thai: Do không tương thích giữa thai nhi với tử cung và khung chậu người mẹ. Nếu thai nhi to, khung chậu hẹp, tử cung nhỏ có thể thai nhi sẽ bị vẹo cổ, vẹo cột sống hoặc bàn chân khoèo.
Nguyên nhân do hóa chất: Những người tiếp xúc và bị nhiễm chất dộc hóa học như thuốc diệt cỏ dioxin, thuốc trừ sâu, thuốc uống… khi sinh con có nguy cơ cao bị dị tật.
Nguyên nhân nhiễm trùng: Người mẹ mang thai trong 3 tháng đầu nếu bị mắc bệnh sởi , cúm hoặc bệnh lậu, giang mai… khi sinh con cũng có nguy cơ cao bị dị tật bẩm sinh xương khớp.
Dị tật thừa ngón tay.
Những dị tật bẩm sinh xương khớp thường gặp
Dị tật cột sống
Dị tật cột sống cổ (vẹo cổ): Do thai ở tư thế hẹp tử cung hoặc bị liệt cơ ức đòn chum do sang chấn. Trẻ khi sinh ra thường nghiêng đầu sang một bên, hạn chế xoay đầu.
Dị tật đốt sống lưng (gù vẹo cột sống): Gù có thể nhiều đốt sống cong gồ ra sau. Lệch vẹo đốt sống thắt lưng sang phải hoặc trái có thể gây ra ngắn chi làm dáng đi lệch người.
Gai đôi đốt sống: Do bẩm sinh có yếu tố di truyền, đau khi hoạt động nhiều gắng sức, thường đau ở lứa tuổi trưởng thành.
Dị tật chi trên
Dị tật chủ yếu ở bàn tay thường gặp là bàn tay 6 ngón và dính ngón tay.
Dị tật chi dưới
Trật khớp háng bẩm sinh: Do cấu tạo ổ khớp không đều, chưa hoàn thiện nên chỏm xương đùi ở phía trên và ngoài ổ khớp, nếp lằn mông cao hơn bên lành. Trước đây phát hiện muộn khi trẻ đã lớn bằng phim Xquang. Có thể phát hiện sớm khi trẻ dưới 3 tháng tuổi bằng kỹ thuật siêu âm.
Trật bánh chè bẩm sinh: Khi co gối xương bánh chè trật sang bên, do dây chằng yếu, xương bánh chè to, khuyết hai lồi cầu xương đùi.
Chân vòng kiềng (chữ O): Hai gối chân cong ra ngoài, thường bị hai bên, có thể do bẩm sinh hoặc mắc phải.
Chân chữ X: Hai gối cong vào trong, nguyên nhân có thể do bẩm sinh hoặc mắc phải.
Bàn chân khoèo: Bàn chân vẹo quay trong, thường đi bằng mép ngoài của bàn chân, sau đó là đi bằng mu bàn chân. Co ngắn gân Achilles, biến dạng xương khớp cổ chân, phì đại xương sên.
Bàn chân thuổng: Bệnh nhân đi nhón ngót bằng ngón chân do liệt gân cơ trước ngoài, gân achillles co rút.
Bàn chân gót: Bệnh nhân đi bằng gót chân.
Bàn chân bẹt: Do phì đại xuống gót, thăng bằng khó, dáng đi không vững.
Dính ngón chân: Có thể dính khít hoặc dính kiểu bàn chân vịt.
Thừa ngón: Thường ở mép ngoài ngón 1 hoặc ngón 5, ngón thừa thường nhỏ hơn các ngón bình thường.
Dị tật thiếu một phần cơ thể: Có thể thiếu toàn bộ một chi hay nhiều chi, có thể thiếu một phần của chi trên hoặc chi dưới.
Có điều trị được không?
Đa phần các dị tật bẩm sinh xương, khớp sẽ điều trị ngay ở thời kỳ sơ sinh bằng kỹ thuật xoa bóp nắn chỉnh. Nếu bệnh nhân được điều trị sớm, liên tục, đúng kỹ thuật kết quả điều trị rất khả quan, xương khớp dần trở lại vị trí giải phẫu sinh lý bình thường. Bệnh nhân không cần phải phẫu thuật chỉnh hình. Tuy nhiên, một số trường hợp phát hiện muộn, điều trị PHCN muộn hoặc không được điều trị phải can thiệp bằng phẫu thuật chỉnh hình mới có kết quả. Thường phẫu thuật ở tuổi trên 15. Những trường hợp dị tật thiếu một phần hoặc toàn bộ chi thì chỉ định lắp chân tay giả.