1. Dị nguyên từ phấn hoa
Phấn hoa có kích thước trung bình từ 0,01mm-0,05mm, thành phần của phấn hoa có nhiều protein, đường, chất béo, một số vitamin… trong đó protein là thành phần chủ yếu. Mùa hoa nở, mỗi khóm hoa tung ra không trung hàng chục triệu đến hàng tỉ hạt phấn hoa. Đó chính là dị nguyên gây nhiều bệnh không chỉ hen mà còn các bệnh khác như: dị ứng, viêm mũi dị ứng, sốt mùa, viêm kết mạc mùa xuân…
Ở nhiều nước trên thế giới, phấn hoa là nỗi ám ảnh của người mắc bệnh hen, những ngày hoa nở hoặc ngày có nhiều phấn hoa, người bệnh hen không ra khỏi nhà, trong nhà có thiết bị lọc phấn hoa. Nếu đã chắc chắn dị ứng với phấn hoa phải giảm mẫn cảm.
Nước ta ảnh hưởng của phấn hoa không rõ, một số trường hợp hen nặng lên do phấn hoa sữa. Những người hen do phấn hoa cần tránh tiếp xúc với hoa, tránh để hoa tươi trong nhà hoặc tránh công việc liên quan nhiều đến hoa.
Những người hen do phấn hoa cần tránh tiếp xúc với hoa.
2. Dị nguyên từ bụi nhà
Bọ nhà là thành phần chủ yếu trong bụi nhà gây bệnh hen và dị ứng, nó có ở khắp nơi, đặc biệt trong các gia đình sử dụng lò sưởi trung tâm, thảm trải sàn. Điều kiện tốt nhất cho bọ nhà phát triển là nhiệt độ 25-30 độ C, độ ẩm 75-80%.
Các biện pháp giảm bọ nhà:
- Loại bỏ các đồ chơi, gối, các vật trang trí mềm làm từ lông, da súc vật.
- Loại bỏ đệm, gối cũ bẩn.
- Không nên dùng thảm trong phòng ngủ.
- Chăn, vải trải giường nên được giặt nước nóng (>55 độ C) hoặc giặt khô và bọc chúng bằng vải chống bụi khi không dùng.
- Hút bụi nhà thường xuyên, nệm nên được hút bụi cả 2 mặt.
- Nên giặt rèm cửa thường xuyên, tốt nhất giặt ở nhiệt độ >55 độ C. Nên thay rèm cửa khi đã cũ hoặc chuyển màu.
- Để cửa sổ mở nhiều, giữ độ ẩm trong phòng < 60%.
- Cần thông khí phòng ngủ thường xuyên.
Người bệnh hen không lại gần hoặc ôm, hôn vuốt ve hay ngủ cùng vật nuôi.
3. Dị nguyên từ vật nuôi
Dị nguyên từ vật nuôi gồm: lông chó, mèo…
Dị nguyên có ở da, lông chó, mèo. Dị nguyên từ vật nuôi tồn tại trong nhà 3 tháng sau khi đã loại bỏ chúng ra khỏi nhà.
Để tránh dị nguyên gây hen từ vật nuôi, người bệnh không cho chó, mèo vào trong nhà, đặc biệt là phòng ngủ. Không lại gần hoặc ôm, hôn vuốt ve hay ngủ cùng vật nuôi.
4. Cần làm gì để kiểm soát hen có hiệu quả?
- Mỗi bệnh nhân hen cần tự biết theo dõi mức độ nặng bệnh hen của mình qua thay đổi triệu chứng hen bằng cảm nhận hoặc bằng đo PEF.
- Bệnh nhân cần phải biết khi nào tăng bước điều trị, khi nào đi cấp cứu.
- Thực hiện đúng y lệnh, chế độ ăn và kỹ thuật hít, xịt thuốc.
- Tránh các yếu tố gây khởi phát cơn hen.