Hà Nội

Các di chứng sau gãy xương

06-03-2018 13:37 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Hiện nay tình trạng gãy xương xảy ra khá phổ biến do tai nạn giao thông và tai nạn lao động bất ngờ gặp phải.

Sau gãy xương, nếu nạn nhân không được chẩn đoán kịp thời và điều trị đúng phương pháp sẽ  để lại các di chứng làm ảnh hưởng chức năng vận động, sinh hoạt, lao động, làm việc và học tập.

Gãy xương được xác định là tổn thương của xương làm cho xương không còn nguyên vẹn. Khi xương bị gãy do lực chấn thương mạnh tác động trên một người có hệ thống xương bình thường được gọi gãy xương do chấn thương. Nếu trường hợp gãy xương do xương bị bệnh được gọi là gãy xương bệnh lý. Khi bị gãy xương do chấn thương vì tai nạn giao thông hay tai nạn lao động, nạn nhân cần được chẩn đoán và xử trí can thiệp điều trị chuyên khoa một cách kịp thời, phù hợp để tránh để lại những di chứng thường gặp sau gãy xương như: viêm xương, can lệch, xương chậm liền, khớp giả, xơ cứng hạn chế khớp.

Viêm xương

Viêm xương có thể xảy ra sau gãy xương hoặc sau mổ để biến ổ gãy xương kín thành ổ gãy xương hở; thực tế đây là một di chứng nặng, dai dẳng và khó chữa trị. Mặc dù hiện hay có nhiều tiến bộ về kỹ thuật được ứng dụng trong điều trị viêm xương nhưng một số nhà khoa học ở Mỹ nói vẫn chưa tìm thấy ánh sáng ở phía chân trời. Trên lâm sàng khó xác định ranh giới chỗ xương bị viêm và chỗ xương còn lành vì ở chỗ viêm xương có rất nhiều ngóc ngách rất phức tạp. Chung quanh ổ viêm là một hàng rào xơ dày do cơ thể phản ứng lại để bao vây ổ viêm nhiễm nhưng hàng rào này lại rất nghèo các mạch máu, do đó không thể đưa thuốc và các chất khác lọt vào trong lòng ổ viêm để diệt vi khuẩn gây bệnh, nhiều vi khuẩn lại có độc tính cao và kháng lại với kháng sinh sử dụng.

Các di chứng sau gãy xương

Nguyên tắc cơ bản để điều trị viêm xương là mở rộng, làm sạch ổ viêm, lấy bỏ xương chết và đưa bó cơ có chân nuôi lấp đầy ổ xương, tạo đường cho mạch máu đi vào ổ viêm và cắt đứt hàng rào xơ bao vây. Theo các nhà khoa học, tốt nhất là nên phẫu thuật dự phòng ban đầu cho tốt để ngăn ngừa viêm xương với phương pháp cắt lọc, rạch rộng da và cân, cắt lọc cơ dập, lấy bỏ dị vật và máu tụ, làm sạch các đầu xương, để hở hoàn toàn và không khâu kín, nếu cần nên rạch đối chiếu cho dễ thoát dịch; cuối cùng nắn, kéo và bó bột rạch dọc. Sau 3 tuần thay bằng bột vòng tròn và để thêm 3 tháng nữa.

Can lệch

Can lệch là hiện tượng các đầu xương bị gãy được liền chắc lại nhưng bị lệch. Vì vậy hoạt động cơ năng chỉ hoàn hảo khi các đầu xương gãy được nắn lại một cách hoàn hảo về hình dáng giải phẫu và không còn bị can lệch. Thực tế can lệch sẽ được cơ thể bù trừ bằng hoạt động của các khớp xương ở xa, trước mắt có thể còn tạm vận động được nhưng về lâu về dài các khớp sẽ bị hư hỏng.

Lời khuyên của thầy thuốc
Khi bị gãy xương, nạn nhân cần phải được chẩn đoán kịp thời và xử trí can thiệp điều trị phù hợp vì xương gãy trong thời gian đầu chỉ là một tổn thương cục bộ, về sau trong quá trình hồi phục liền xương thì các biến chứng, di chứng của chúng mới xảy ra và chịu ảnh hưởng những yếu tố rất phức tạp của toàn thân. Theo các nhà khoa học, hiện nay có những yếu tố vẫn chưa được hiểu rõ và có thể tác động ảnh hưởng đến toàn thân, tâm lý, sinh hoạt, lao động của nạn nhân. Trên thực tế đối với cơ thể của người bị gãy xương, một ổ viêm xương có thể làm ảnh hưởng và tổn thương đến gan, thận...; vì vậy bác sĩ cần chẩn đoán đúng, chỉ định điều trị chính xác và nắm vững kỹ thuật can thiệp để hạn chế những biến chứng cũng như di chứng xảy ra. Việc điều trị gãy xương nhằm mục đích phục hồi hình thái giải phẫu của xương bị gãy được hoàn hảo, từ đó phục hồi chức năng hoàn toàn cho xương gãy, không để lại các di chứng.

Khi xem xét để chữa trị can lệch, cần xem xét cơ năng của chi có liên quan. Có những can lệch ít ảnh hưởng đến cơ năng vận động thì không cần chữa trị như can lệch ở xương đòn gánh, xương cánh tay, xương chậu... Trường hợp can lệch nhiều như gấp góc trên 30 độ hoặc xoay nhiều làm ảnh hưởng nhiều đến cơ năng vận động như khuỷu tay không gấp lại được, chân không đi được... thì cần phải sửa lại can lệch. Khi can lệch còn non, có thể bẻ xương và sửa trục; nếu can lệch đã cứng phải đục xương để sửa trục.

Xương chậm liền

Di chứng này xảy ra khi ổ xương gãy đã quá thời gian từ 3 - 5 tháng nhưng xương không liền. Nếu bất động lâu hơn nữa thì xương có thể liền và chậm nhất phải mất khoảng thời gian 19 tháng. Tuy nhiên khi bất động lâu quá sẽ dẫn đến tình trạng teo cơ, cứng khớp... Trên thực tế nếu quá thời gian 6 tháng mà xương gãy chưa liền thì nên dùng thủ thuật can thiệp giúp cho xương gãy liền nhanh. Các thủ thuật thường được ứng dụng là thủ thuật khoan xương nhiều lỗ qua ổ gãy, thủ thuật ghép xương xốp lấy ở mào chậu đặt vào cạnh ổ gãy dưới màng xương, thủ thuật lấy thêm các mẫu xương xốp nhỏ trám vào chỗ khuyết ở khe gãy sẽ cho kết quả khá chắc chắn.

Khớp giả

Khớp giả là ổ xương gãy quá 6 tháng không liền xương và nếu cứ để mặc như vậy sẽ không bao giờ liền xương, cần phân biệt loại khớp giả khít và loại khớp giả lủng lẳng. Khớp giả khít là khớp giả có một khe hẹp cử động đau, tì lên đau; nếu các đầu xương gãy thẳng trục, việc điều trị khớp giả khít bằng thủ thuật ghép xương xốp ở mào chậu đặt vào cạnh ổ gãy dưới màng xương và thủ thuật lấy thêm các mẫu xương xốp nhỏ trám vào chỗ khuyết ở khe gãy sẽ có kết quả tốt. Khớp giả lủng lẳng là ổ gãy xương bị mất đoạn xương và thường phải ghép xương tự thân vào chỗ khuyết như lấy miếng xương ghép ở xương mác, xương chày... phối hợp với thủ thuật ghép xương xốp ở mào chậu đặt vào cạnh ổ gãy dưới màng xương và thủ thuật lấy thêm các mẫu xương xốp nhỏ trám vào chỗ khuyết ở khe gãy; sau mổ cần bất động thêm một khoảng thời gian ít nhất là 3 tháng.

Xơ cứng hạn chế khớp

Đây là di chứng để lại của tổn thương gãy xương gần khớp hoặc đến tận khớp và cũng là hậu quả của việc bất động các khớp quá lâu. Nếu thực hiện phương pháp điều trị cơ năng có thể làm giảm đi di chứng này. Vào giai đoạn sớm, bác sĩ điều trị cho nạn nhân với phương pháp tập cử động chủ động, cử động có sức cản, cử động thụ động, ngâm tập trong nước muối ấm và dùng vật lý trị liệu. Vào giai đoạn muộn, nếu có sự cản trở cơ năng nhiều thì cần có chỉ định mổ giải thoát khớp, sau mổ cần tập luyện sớm cho khớp được mềm mại.


TTƯT.BS. NGUYỄN TRÂM ANH
Ý kiến của bạn