Hà Nội

Các dấu hiệu trầm cảm ở trẻ - Nhận biết sớm để phòng ngừa hậu quả

PGS.TS Bùi Quang Huy

PGS.TS Bùi Quang Huy

Trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện 103

03-04-2022 06:36 | Y học 360
google news

SKĐS - Mới đây liên tiếp có các trường hợp trẻ vị thành niên tự sát. Theo nhận định của PGS.TS. Bùi Quang Huy – Chủ nhiệm khoa Tâm thần Bệnh viện Quân y 103 thì các trường hợp tự sát này phần lớn là do các cháu mắc bệnh trầm cảm.

Để phòng tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra với trẻ, Báo Sức khỏe và Đời sống xin giới thiệu bài viết về các dấu hiệu của bệnh trầm cảm ở trẻ em của PGS.TS. Bùi Quang Huy – Chủ nhiệm khoa Tâm thần Bệnh viện Quân y 103, để các bậc phụ huynh có thể nhận biết và phát hiện những dấu hiệu của bệnh, sớm đưa trẻ đến khám bác sĩ tâm lý.

1. Trầm cảm ở trẻ em

Cũng như người lớn, trẻ em cũng có thể bị trầm cảm. Tuy nhiên, trầm cảm ở trẻ em có nhiều điểm khác biệt với trầm cảm ở người lớn.

Trầm cảm ảnh hưởng đến sự tăng cân và phát triển cơ thể, kết quả học tập ở trường và các mối quan hệ bạn bè hoặc gia đình. Rối loạn trầm cảm chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hành vi tự sát và tự sát ở trẻ em.

Hơn 70% trẻ em bị rối loạn trầm cảm không được chẩn đoán và điều trị thích hợp. Lý do là sự kỳ thị với trầm cảm, biểu hiện triệu chứng không điển hình, thiếu hiểu biết về sức khỏe tâm thần cho trẻ em.
PGS.TS. Bùi Quang Huy - Chủ nhiệm khoa Tâm thần Bệnh viện Quân y 103

Chẩn đoán và điều trị trầm cảm cho trẻ em dưới 7 tuổi còn khó khăn hơn nhiều, một phần do khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ và biểu hiện cảm xúc của các cháu còn hạn chế. Hơn nữa, trẻ nhỏ bị trầm cảm có thể có biểu hiện là đau nhức toàn thân, đau đầu hoặc đau bụng nên dễ nhầm lẫn với bệnh cơ thể.

Khoảng 15% số trẻ em có một vài triệu chứng của trầm cảm. Ở tuổi 17, tỷ lệ trầm cảm ở trẻ em là 3-5%, trong đó nữ nhiều gấp 2 lần nam. Tỷ lệ trầm cảm ở tuổi 15 vào khoảng 3-5%.

Trầm cảm ở trẻ em là một rối loạn hay tái phát. Khoảng 70% số bệnh nhân sẽ tái phát trong vòng 5 năm sau cơn trầm cảm đầu tiên.

Các yếu tố nguy cơ dẫn đến trầm cảm ở trẻ em: Khoảng 2/3 trẻ em bị rối loạn trầm cảm cũng mắc một rối loạn tâm thần khác. Ở học sinh, khoảng 2/3 số bệnh nhân trầm cảm có ít nhất một rối loạn phối hợp và 10% có từ hai rối loạn phối hợp trở lên.

Nhận biết các dấu hiệu trầm cảm ở trẻ em - Ảnh 3.

Rối loạn trầm cảm là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tự sát ở trẻ.

2. Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm ở trẻ em

Trầm cảm ở trẻ em là hậu quả của sự tương tác giữa các yếu tố di truyền, và các thay đổi chất dẫn truyền thần kinh. So với những trẻ em không bị trầm cảm, những trẻ em bị trầm cảm thể hiện sự thiếu hụt kỹ năng xã hội có khả năng dẫn đến ít tương tác hơn và nhiều kết quả tiêu cực hơn.

Giảm tự tin cũng có thể đóng một vai trò trong việc hạn chế sự tham gia của trẻ trầm cảm vào các hoạt động. Ở trẻ trầm cảm, ít tự tin dẫn đến hạn chế các nỗ lực của trẻ đó, làm giảm khả năng tham gia vào các hoạt động của trẻ.

Mặt khác, việc ít tham gia vào các hoạt động, sự thất bại trong các hoạt động mà trẻ đã tham gia sẽ giảm sút sự tự tin. Kết quả là xuất hiện một vòng luẩn quẩn, giảm tự tin dẫn đến giảm hoạt động, giảm hoạt động dẫn đến mất tự tin. Do đó, trầm cảm xuất hiện và được duy trì.

Cũng như ở người lớn, trầm cảm ở trẻ em được coi là có căn nguyên từ gien di truyền.

Các gien gây ra trầm cảm có vai trò làm giảm nồng độ chất dẫn truyền thần kinh serotonin ở não. Các gien này tồn tại ở những người bình thường, nhưng với số lượng ít nên không gây ra trầm cảm. Còn ở người bệnh, do số lượng gien quá nhiều khiến nồng độ serotonin ở khe sinap trong não rất thấp (chỉ bằng 50-70% của người bình thường), dẫn đến rối loạn dẫn truyền thần kinh trung ương, từ đó gây ra trầm cảm.

Nhận biết các dấu hiệu trầm cảm ở trẻ em - Ảnh 4.

Giảm chất dẫn truyền serotonin ở não là một nguyên nhân dẫn đến trầm cảm ở trẻ em

3. Các dấu hiệu của bệnh trầm cảm ở trẻ em

Trầm cảm ở trẻ em có thể biểu hiện dưới nhiều dạng khác nhau. Bệnh nhân phải có ít nhất 5 triệu chứng trong số 9 triệu chứng là:

  • Khí sắc giảm
  • Mất hứng thú và sở thích
  • Mất ngủ
  • Mệt mỏi mất năng lượng
  • Buồn chán bi quan
  • Chán ăn, sút cân
  • Vận động và suy nghĩ chậm chạp
  • Chú ý và trí nhớ kém
  • Có ý định và hành vi tự sát.

Các triệu chứng trên phải kéo dài ít nhất 2 tuần, ảnh hưởng rõ ràng đến khả năng học tập và quan hệ xã hội của trẻ. Các triệu chứng này không phải là hậu quả của dùng ma túy hoặc chấn thương sọ não.

3.1. Triệu chứng chủ yếu

- Khí sắc giảm

Khí sắc giảm (khí sắc trầm cảm) là nét mặt của trẻ rất đơn điệu, luôn buồn bã, các nếp nhăn giảm nhiều, thậm chí mất hết nếp nhăn. Tình trạng khí sắc giảm rất bền vững do trẻ buồn, bi quan, mất hy vọng. Một số trẻ than phiền rằng không còn nhiệt tình, không còn cảm giác gì, các em luôn trong tình trạng lo âu.

Khí sắc trầm cảm có thể được biểu hiện trên nét mặt và trên hành vi của trẻ. Một số trẻ than phiền các biểu hiện cơ thể gần đây (ví dụ khó chịu trong người, đau đầu, đau vùng thượng vị, đau cơ, khớp...) hơn là cảm giác buồn. Nhiều trẻ lại có trạng thái tăng kích thích (trẻ hay cáu gắt, dễ nổi khùng với một lỗi lầm nhỏ).

Khí sắc giảm có thể xuất hiện dưới dạng hành vi liều lĩnh, sự thù địch và giận dữ.

- Mất hứng thú hoặc sở thích cho hầu hết các hoạt động

Mất hứng thú hoặc sở thích gần như luôn biểu hiện trong một mức độ nhất định. Trẻ cho rằng mình đã mất hết các sở thích vốn có (con không thích gì bây giờ cả). Tất cả các sở thích trước đây của trẻ đều bị ảnh hưởng nặng nề. Ví dụ một đứa trẻ trước đây rất yêu bóng đá thì nay không còn quan tâm gì đến môn thể thao này. Trẻ mất hứng thú với các trò chơi cùng bạn hoặc các hoạt động ở trường.

3.2. Triệu chứng phổ biến

- Mất cảm giác ngon miệng, ăn ít hoặc sút cân

Sự ngon miệng thường bị giảm sút, nhiều trẻ có cảm giác rằng bị ép phải ăn. Trẻ ăn rất ít, thậm chí trong các trường hợp nặng trẻ nhịn ăn hoàn toàn. Vì vậy, trẻ bị bệnh thường sút cân nhanh chóng. Khi khám bệnh, trẻ thường than phiền rằng trẻ bị mất cảm giác ngon miệng, rằng trẻ không thấy đói mặc dù không ăn gì.

Một số trẻ em lại ăn quá nhiều và tăng cân.

- Mất ngủ

Mất ngủ ở trẻ trầm cảm khá phổ biến. Trẻ có thể mất ngủ trầm trọng, biểu hiện bằng khó vào giấc ngủ và dễ thức giấc. Vì vậy thời lượng giấc ngủ của trẻ thấp hơn bình thường trên 2 giờ mỗi ngày. Tuy nhiên, một số trẻ em lại ngủ quá nhiều (10-12 giờ hoặc hơn mỗi ngày).

Nhận biết các dấu hiệu trầm cảm ở trẻ em - Ảnh 6.

Mất ngủ là một trong những dấu hiệu trẻ bị trầm cảm (ảnh minh họa).

- Vận động tâm thần chậm chạp

Vận động chậm chạp (ví dụ nói chậm, vận động cơ thể chậm), tăng khoảng nghỉ trước khi trả lời, giọng nói nhỏ, số lượng ít, nội dung nghèo nàn, thậm chí câm. Các triệu chứng ức chế vận động hay gặp trong trầm cảm cổ điển.

Trẻ em bị trầm cảm có thể nằm lỳ trên giường cả ngày mà không hoạt động gì. Vận động tâm thần chậm cần đủ nặng để có thể được quan sát bởi những người xung quanh chứ không chỉ biểu hiện ở cảm giác của trẻ.

- Giảm sút năng lượng

Năng lượng giảm sút, kiệt sức và mệt mỏi là rất hay gặp. Trẻ có thể than phiền mệt mỏi mà không có một nguyên nhân cơ thể nào. Hiệu quả học tập của trẻ có thể bị giảm sút. Ví dụ, trẻ than phiền rằng rửa mặt và mặc quần áo buổi sáng cũng làm trẻ kiệt sức và trẻ cần thời gian nhiều hơn bình thường 2 lần. Triệu chứng của mệt mỏi biểu hiện bằng việc trẻ bỏ chơi cùng bạn, bỏ học hoặc nghỉ học thường xuyên.

- Cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi

Cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi là rất hay gặp trong giai đoạn trầm cảm chủ yếu. Trẻ cho rằng mình là kẻ vô dụng, không làm nên trò trống gì. Trẻ luôn nghĩ mình đã làm hỏng mọi việc, trở thành gánh nặng cho gia đình. Trẻ có thể tự ti về bản thân (ví dụ: "Con ngu ngốc", "Con chậm phát triển").

- Khó suy nghĩ, tập trung hoặc ra quyết định

Đây là triệu chứng rất hay gặp. Nhiều trẻ than phiền khó suy nghĩ, khó tập trung chú ý vào một việc gì đó. Trẻ cũng rất khó khăn khi cần đưa ra quyết định, trẻ thường phải cân nhắc rất nhiều thời gian với những việc thông thường. Các vấn đề về chú ý có thể biểu hiện rõ ràng như khó khăn về học tập hoặc thành tích kém ở trường.

Khó tập trung chú ý của trẻ thể hiện ở những việc đơn giản như không thể đọc xong một bài học, không thể nghe hết một bài hát mà trẻ vốn yêu thích, không thể xem hết một chương trình tivi mà trẻ trước đây vẫn quan tâm.

Rối loạn trí nhớ ở trẻ thường là giảm trí nhớ gần. Trẻ có thể quên mình vừa làm gì (không nhớ mình đã ăn sáng cái gì, không thể nhớ mình đã để đồ dùng học tập học tập ở đâu). Trong khi đó, trí nhớ xa (ngày sinh, quê quán, các sự việc đã xảy ra lâu trong quá khứ...) thì vẫn còn được duy trì tương đối tốt trong một thời gian dài.

- Ý nghĩ muốn chết hoặc có hành vi tự sát

Rất nhiều trẻ em bị trầm cảm chủ yếu có ý nghĩ về cái chết, nặng hơn thì các cháu có thể có ý định tự sát hoặc hành vi tự sát. Lúc đầu các cháu nghĩ rằng bệnh nặng thế này (mất ngủ, chán ăn, sút cân, mệt mỏi) thì chết mất. Dần dần, trẻ cho rằng chết đi cho đỡ đau khổ. Trẻ em có thể có thêm các hành vi báo hiệu có khả năng tự tử, chẳng hạn như tặng một bộ sưu tập yêu thích của mình cho người khác.

Trong lần khám đầu tiên, thầy thuốc nên đánh giá nguy cơ tự tử của bệnh nhân trầm cảm và quyết định địa điểm điều trị thích hợp nhất.

Rối loạn trầm cảm là chẩn đoán phổ biến nhất trong tất cả các vụ tự tử. Khoảng 20% số trẻ em trầm cảm có ý định tự sát và 8% có hành vi tự sát.

Giáo dục về các phát hiện ý định và hành vi tự sát ở trẻ em dưới mọi hình thức phải được coi trọng. Bệnh nhân có nhiều yếu tố nguy cơ cao nên được chuyển đến bệnh viện, điều trị nội trú bởi bác sĩ tâm thần nhi. Còn những bệnh nhân có các yếu tố bảo vệ và nguy cơ thấp (ví dụ, một gia đình gần gũi, ấm áp, hỗ trợ lẫn nhau...) có thể được điều trị ngoại trú.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Động tác đơn giản thực hiện ngay tại nơi làm việc giúp hạn chế cơn đau cổ vai gáy.


PGS. TS. Bùi Quang Huy
Chủ nhiệm khoa Tâm thần Bệnh viện Quân y 103
Ý kiến của bạn