Các triệu chứng có thể xuất hiện một cách tự nhiên hoặc sau khi có một số yếu tố như: sau khi uống quá nhiều rượu, lạm dụng thuốc hoặc nhiễm virus viêm gan….
Các triệu chứng thường gặp của bệnh gan
Biểu hiện ngứa, nổi mề đay, mụn nhọt
Đây là các biểu hiện thường gặp khi mắc bệnh lý về gan. Khi gan bị bệnh, chức năng lọc độc tố của gan bị suy giảm. Điều này dẫn đến sự tích tụ của các chất cặn trong máu, bao gồm bilirubin – một phụ phẩm có màu vàng sẫm được sản sinh từ quá trình chết đi của tế bào hồng cầu khi đi qua gan. Thông thường, lượng bilirubin tích tụ trong máu càng nhiều thì da càng dễ mẩn đỏ (nổi mề đay) và càng ngứa.
Bên cạnh đó, một số bệnh gan như viêm gan siêu vi C cũng có thể gây ra các vấn đề về da như nổi mề đay do có sự kích ứng của hệ thống miễn dịch.
Xuất hiện nước tiểu sẫm màuNước tiểu sẫm màu cũng có thể là biểu hiện của bệnh gan. Khi gan bị bệnh, chức năng xử lý và loại bỏ bilirubin (sắc tố có màu vàng sẫm được hình thành sau quá trình phá vỡ hồng cầu) bị ảnh hưởng. Thay vì được loại bỏ khỏi cơ thể thông qua phân, bilirubin có thể lọt vào dòng máu, sau đó được thận lọc ra và loại bỏ qua đường nước tiểu. Điều này khiến nước tiểu có màu vàng tươi hoặc vàng sẫm.
Người mệt mỏi chán ăn
Gan là cơ quan giúp cơ thể chuyển hóa dinh dưỡng, lưu trữ năng lượng, loại bỏ độc tố, sản xuất và lưu trữ mật tiêu hóa, protein cùng các loại vitamin khác nhau. Vì thế, bệnh gan khởi phát chắc chắn làm cho hàng loạt các chức năng gan bị suy giảm, khiến việc tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng cũng bị ảnh hưởng, dẫn đến cảm giác mệt mỏi và chán ăn.
Vàng da, vàng mắt
Vàng da, vàng mắt là biểu hiện bệnh gan dễ nhận biết nhất. Đối với người mắc bệnh gan, cơ thể sẽ đào thải bilirubin (một sắc tố có màu vàng sẫm được tạo nên sau quá trình phá vỡ hồng cầu ở gan) kém hơn người bình thường. Do đó, khi nồng độ bilirubin trong máu quá cao, người bệnh gan có thể bị vàng da và vàng mắt – một triệu chứng phổ biến của các bệnh gan.
Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh gan
Bất kỳ ai cũng có nguy cơ cao mắc bệnh gan nếu không chú ý ăn uống khoa học, sinh hoạt lành mạnh, tránh xa các nguồn ô nhiễm và nâng cao nhận thức của bản thân về các con đường có thể lây truyền mầm bệnh liên quan đến sức khỏe của gan.
Tuy nhiên, những người có nguy cơ cao mắc bệnh gan bao gồm:
- Người lạm dụng rượu bia nhiều và thường xuyên: Rượu được chuyển hóa trong gan dẫn đến tổn thương gan, viêm gan, xơ gan hoặc ung thư gan.
- Người béo phì hoặc tiểu đường: Cả hai tình trạng này đều có thể gây ra bệnh gan mỡ, dẫn đến viêm gan và xơ gan.
- Người tiếp xúc với các hóa chất độc hại: Một số hóa chất độc hại có thể gây ra tổn thương gan khi hít phải hoặc nuốt vào do bám trên thực phẩm mà chưa được rửa sạch.
- Người có tiền sử bệnh gan trong gia đình: Các tình trạng di truyền hiếm gặp có thể gây ra bệnh về gan, bao gồm bệnh thiếu men alpha-1 antitrypsin, bệnh hemochromatosis (gan dư sắt) và bệnh wilson (gan dư đồng).
- Người có hệ thống miễn dịch yếu hoặc mắc bệnh tự miễn dịch: Hệ miễn dịch yếu khiến vi khuẩn, vi rút và ký sinh trùng dễ tấn công gan. Trong khi đó, bệnh tự miễn là tình trạng xảy ra khi hệ miễn dịch "hiểu nhầm" gan là "vật thể lạ" và tấn công vào gan để bảo vệ cơ thể.
- Người sử dụng thuốc không an toàn hoặc không đúng cách: Một số loại thuốc có thể gây tổn thương gan nếu dùng quá liều hoặc dùng lâu dài, chẳng hạn như các loại thuốc chứa retinoids, corticoids và steroids.
Quan hệ tình dục bừa bãi.
Sử dụng chung bơm tiêm.
- Người tiếp xúc với máu và dịch nhầy của người bệnh như: máu và dịch nhầy của động vật hoặc người khác là con đường lây nhiễm lý tưởng của các loại virus gây viêm gan siêu vi A, B, C, D.
Lời khuyên để gan khỏe mạnh
Để gan khỏe mạnh chúng ta cần thay đổi lối sống, hạn chế sử dụng rượu bia là cách tốt nhất để bảo vệ gan.
Xây dựng một chế độ ăn uống cân bằng hàng ngày bằng cách ăn nhiều trái cây cùng chất xơ từ rau, quả hạch, hạt và ngũ cốc nguyên hạt. Tránh các đồ ăn nhanh chứa nhiều dầu mỡ, hàm lượng carbohydrate cao, dễ dẫn tới thừa cân, béo phì và các bệnh lý chuyển hóa như đái tháo đường.
Tập thể dục thường xuyên, ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần. Trường hợp có bệnh lý tim mạch, hô hấp, cần tập luyện theo chế độ chuyên khoa hướng dẫn để đảm bảo an toàn. Tránh tập luyện quá sức làm nặng thêm tình trạng bệnh.
Ngoài ra, cần tiêm vaccin phòng bệnh viêm gan, không quan hệ tình dục bừa bãi, không dùng chung đồ vệ sinh cá nhân như bàn chải đánh răng, dao cạo râu… Không sử dụng chung bơm tiêm. Tránh ăn đồ ăn chưa được nấu chín để phòng các bệnh viêm gan virus lây qua đường tiêu hoá.
Những bệnh nhân viêm gan B, C mạn tính, bệnh gan do rượu, xơ gan cần đi khám định kỳ nhằm tầm soát ung thư gan. Nếu ung thư gan được phát hiện và điều trị từ giai đoạn sớm sẽ mang lại hiệu quả tốt.