Hà Nội

Các dấu hiệu điển hình của ung thư tuyến giáp ai cũng cần biết

24-09-2024 14:33 | Ung thư

SKĐS - Ung thư tuyến giáp ngày càng có xu hướng gia tăng và trẻ hóa. Bệnh có thể được chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách.

Ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu là thời điểm mà tổn thương còn khu trú ở tuyến giáp, chưa xâm lấn đến các cơ quan lân cận, hay di căn đến những cơ quan khác. Nếu ung thư tuyến giáp được phát hiện ở giai đoạn này thì cơ hội chữa khỏi bệnh hoàn toàn rất cao.

Các dấu hiệu cảnh báo ung thư tuyến giáp điển hình

  • Phát hiện u vùng cổ: Khối u này có thể sờ thấy ở vùng cổ trước, thường di động theo nhịp nuốt.
  • Khàn tiếng: Xảy ra khi u xâm lấn vào dây thần kinh thanh gây ảnh hưởng đến giọng nói.
  • Khó nuốt: Khi khối u có kích thước lớn chèn ép vào thực quản gây ra triệu chứng này.
Các dấu hiệu điển hình của ung thư tuyến giáp ai cũng cần biết- Ảnh 1.

Ung thư tuyến giáp có thể được chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách.

Chẩn đoán ung thư tuyến giáp

Để có phác đồ điều trị tối ưu nhất, bệnh nhân sẽ được chỉ định một số xét nghiệm cận lâm sàng để làm rõ chẩn đoán:

Siêu âm tuyến giáp: Siêu âm tuyến giáp thường được chỉ định đầu tiên để kiểm tra, phát hiện sớm bất thường tại tuyến giáp. Siêu âm cho phép đánh giá vị trí, kích thước, đặc điểm u tuyến giáp với các mức độ nguy cơ ác tính.

Xét nghiệm máu: Các xét nghiệm như FT4, TSH,... cho phép đánh giá chức năng tuyến giáp.

Chụp cắt lớp vi tính hay cộng hưởng từ vùng cổ: Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh này giúp đánh giá tổn thương tuyến giáp đầy đủ, chính xác hơn.

Giải phẫu bệnh: Khi xuất hiện nhân giáp hay u giáp nghi ngờ, bác sĩ sẽ chỉ định chọc hút tế bào để làm xét nghiệm, kết quả quan sát dưới kính hiển vi sẽ gợi ý nhiều về tình trạng bệnh lý lành tính hay ác tính. Muốn khẳng định chẩn đoán ung thư tuyến giáp cần phải có mẫu bệnh phẩm để làm mô bệnh học.

Xạ hình tuyến giáp: Xạ hình tuyến giáp giúp đánh giá chức năng tuyến giáp, nhân giáp và tình trạng ung thư.

Lưu ý sau khi điều trị ung thư tuyến giáp

Điều trị ung thư tuyến giáp tùy thuộc vào kích thước khối u, tình trạng di căn hạch cổ, loại mô học,… và có sớm phát hiện ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu hay không mà cách thức phẫu thuật, xạ trị sau mổ trên mỗi bệnh nhân khác nhau.

Sau khi phẫu thuật và điều trị i-ốt phóng xạ, bệnh nhân cần có một chế độ trị liệu nội tiết và được theo dõi chặt chẽ, nhằm giảm tỷ lệ tái phát ở mức thấp nhất.

Bệnh nhân cần xây dựng một chế độ ăn uống cân bằng, tập thể dục thường xuyên, thư giãn tinh thần để hỗ trợ sức khỏe tổng thể trong quá trình điều trị. Nên tham khảo thêm ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng để biết cách lựa chọn thực phẩm có tác dụng hỗ trợ quá trình điều trị và phục hồi bệnh.

Bệnh nhân phải tuân thủ lịch tái khám định kỳ do bác sĩ chỉ định nhằm mục đích theo dõi tiến trình hồi phục và phát hiện sớm khả năng tái phát.

Hiện nay, đa số bệnh nhân phát hiện ra ung thư tuyến giáp khi khám sức khoẻ định kỳ, chưa có triệu chứng. Do vậy, người bệnh nên khám tầm soát định kỳ với một số bước đơn giản như: khám lâm sàng, siêu âm vùng cổ, chọc tế bào... để phát hiện sớm và điều trị khỏi bệnh ung thư tuyến giáp.

9 câu hỏi thường gặp về bệnh ung thư tuyến giáp9 câu hỏi thường gặp về bệnh ung thư tuyến giáp

SKĐS - Ung thư tuyến giáp là bệnh trong đó các tế bào ác tính hình thành trong các mô của tuyến giáp. Có nhiều loại ung thư tuyến giáp khác nhau. Tuổi tác, giới tính và việc tiếp xúc với bức xạ có thể ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư tuyến giáp.

BSCKII Minh Hoàng
Ý kiến của bạn