1. Bệnh gan ảnh hưởng đến dùng thuốc như thế nào?
Chuyển hóa qua gan là đường bài xuất chủ yếu của nhiều loại thuốc. Tuy nhiên, lượng tế bào gan là lớn và bệnh gan phải rất nghiêm trọng thì những thay đổi quan trọng trong quá trình chuyển hóa thuốc mới diễn ra.
Mức độ và hiệu quả cho từng loại thuốc riêng biệt, không thể đoán trước và không tương quan tỷ lệ với loại tổn thương gan, mức độ nặng của tổn thương, hoặc xét nghiệm gan. Vì vậy, không có quy tắc chung về điều chỉnh liều lượng thuốc ở bệnh nhân bị bệnh gan.
Suy giảm chức năng gan có thể ảnh hưởng đến việc dùng thuốc điều trị:
- Giảm chức năng chuyển hóa của gan do thiếu hoặc sai hỏng chức năng của tế bào gan, có thể gây nhiễm độc thuốc.
- Giảm thải trừ qua mật do tắc ống mật hoặc vận chuyển bất thường (ví dụ như rifampicin được thải qua mật ở dạng không chuyển hóa và có thể tích tụ ở bệnh nhân vàng da do tắc ống mật trong và ngoài gan).
- Suy giảm chức năng sản xuất albumin ở người bị bệnh gan nặng có liên quan đến việc giảm gắn kết giữa thuốc và protein huyết tương. Do đó thuốc tồn tại dưới dạng tự do trong máu với tỉ lệ cao và làm tăng nhiễm độc các thuốc liên kết protein như phenytoin, prednisolon...
- Giảm tổng hợp các yếu tố làm đông máu, biểu hiện ở việc kéo dài thời gian prothrombin, làm tăng độ nhạy cảm với các thuốc chống đông máu.
- Tăng sinh khả dụng của thuốc do giảm chuyển hóa lần đầu.
- Giảm sinh khả dụng do hấp thụ mỡ kém ở các người bị bệnh gan do ứ mật.
- Trong bệnh gan nặng, tăng độ nhạy cảm đối với tác dụng của một số thuốc có thể làm tổn thương chức năng của hệ thần kinh và có thể gây hôn mê não gan (ví dụ morphine).- Chứng phù nề và cổ trướng trong bệnh gan mãn tính có thể bị trầm trọng hơn do dùng các thuốc làm tích nước (ví dụ acid acetylsalicylic, ibuprofen, prednisolone, dexamethasone).
Rất nhiều loại thuốc có thể gây ảnh hưởng tới gan cần tránh như:
- Thuốc kháng sinh
- Thuốc giảm đau, chống viêm.
- Thuốc chống lao.
- Thuốc chống ung thư.
- Vitamin A
- Thuốc điều trị đái tháo đường...
Một số dấu hiệu cảnh báo tổn thương gan do thuốc:
- Đau bụng;
- Sốt;
- Tiêu chảy;
- Nước tiểu đậm màu;
- Vàng da;
- Buồn nôn, nôn;
- Mệt mỏi;
- Phát ban…
2. Người bệnh gan khi dùng thuốc cần lưu ý
- Nếu bác sĩ kê đơn dùng thuốc dài hạn, nên xét nghiệm gan trước khi bắt đầu dùng thuốc và sau vài tuần đầu dùng thuốc để xác định xem gan dung nạp thuốc như thế nào. Theo dõi xét nghiệm gan thường xuyên trong suốt quá trình điều trị.
- Luôn đọc và làm theo hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ hoặc nhãn thuốc. Không được tự ý dùng thuốc nhiều hơn liều khuyến cáo.
- Người bệnh không nên tự ý dùng các thuốc không kê đơn, vì các thuốc này cũng có thể gây độc cho gan…
- Không tự ý phối hợp các loại thuốc mà không tham khảo ý kiến của bác sĩ.
- Không bao giờ uống rượu, đặc biệt là khi dùng thuốc vì rượu làm tăng nguy cơ tổn thương gan.
- Hãy cẩn thận khi dùng nhiều loại thuốc khác nhau có chứa paracetamol, vì dùng nhiều loại thuốc giảm đau hoặc thuốc cảm cùng một lúc, có thể vô tình dùng nhiều thuốc giảm đau hơn mức an toàn.
- Hãy trao đổi với bác sĩ về cách dùng thuốc hạ sốt an toàn nếu bạn bị bệnh gan.
- Tránh dùng một số chất bổ sung thảo dược cũng như một số loại vitamin ở liều cao vì chúng có khả năng gây tổn thương gan. Ví dụ, dùng liều cao vitamin E và vitamin A có thể gây hại.
- Tránh dùng bưởi, nước ép bưởi khi dùng thuốc. Các hóa chất trong bưởi (cả vỏ và cùi) có thể cản trở men gan phân hủy nhiều loại thuốc. Nhiều loại thuốc khác nhau - bao gồm một số thuốc chống trầm cảm, thuốc huyết áp, thuốc giảm cholesterol và thuốc an thần - đã được chứng minh là có khả năng tương tác nghiêm trọng với các sản phẩm từ bưởi.
Do đó, tốt nhất nên dùng nước đun sôi để nguội uống thuốc.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Ăn nhiều thức ăn nhanh làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan.