Mùa hè đến, bơi lội hay được ngâm mình trong nước là một thú vui mà bất kỳ ai cũng có thể tự thỏa mãn. Tuy nhiên, thú vui ấy cũng có những nguy cơ mà không phải ai cũng lường hết được. Mọi người thường chỉ nghĩ đến đuối nước, ít ai biết đến đuối cạn và những nguy cơ khi mải mê ngâm mình ở bể bơi. Những dấu hiệu đuối cạn hoặc đuối nước thứ phát không dễ dàng phát hiện, đặc biệt ở trẻ nhỏ.
Một người đã hít phải nước thì có thể có các dấu hiệu: khó thở, đau ngực, hoặc ho; thay đổi đột ngột hành vi; rất mệt mỏi. Những dấu hiệu này không dễ dàng phát hiện, đặc biệt ở trẻ nhỏ mà bình thường chúng có thể khó chịu hoặc mệt mỏi sau một ngày dài dưới ánh nắng mặt trời và ngâm mình trong nước. Nếu con bạn gắng sức hoặc có những vấn đề khi ở dưới nước, hãy chú ý tới các dấu hiệu trên vì nó có thể xuất hiện vài giờ sau đó.
Đuối cạn và đuối nước thứ phát thường xuất hiện trong khoảng 1-24 giờ sau một gắng sức trong nước.
Vì thế, nếu bạn nhận thấy bất cứ dấu hiệu nào ở trên, hãy tới phòng cấp cứu ngay lập tức. Thời gian là yếu tố quan trọng trong điều trị đuối cạn.
Có thể phòng tránh được không?
An toàn với nước là cách phòng tránh tốt nhất. Nhắm chặt mắt khi bơi không có kính mắt bảo vệ và khi trẻ em ở dưới nước, dạy người bơi thổi nước ra, biết giới hạn của mình và không hoảng loạn trong nước.
Cần nhấn mạnh rằng không có sự thay thế nào cho sự giám sát tốt của cha mẹ khi trẻ em ở xung quanh nước, có thể là bể bơi hoặc một hồ nước tự nhiên. Đuối nước vẫn là một vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt với trẻ em. Để phòng tránh đuối nước, chúng ta phải biết cách hồi sinh tim phổi, dạy trẻ em bơi và biết cách giữ an toàn với nước và đặt một hàng rào kín xung quanh bể bơi để phòng tránh trẻ em bị ngã xuống do tai nạn.
ThS. BS. Lương Quốc Chính (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai)