I. Viêm thanh quản cấp ở trẻ em
Viêm thanh quản cấp thường gặp ở trẻ từ 1 - 6 tuổi. Ở trẻ em, niêm mạc thanh quản và tổ chức dưới niêm mạc dễ bị viêm nhiễm, phù nề dẫn đến khó thở ở trẻ nhỏ.
- Nguyên nhân
Các nguyên nhân hay gặp gây viêm thanh quản cấp ở trẻ em thường do: lạnh, do trẻ khóc nhiều hoặc nói nhiều kết hợp với các yếu tố môi trường, virus hoặc vi khuẩn gây bệnh.
- Triệu chứng
Thông thường, trẻ bị viêm thanh quản cấp thường có triệu chứng:
- Sốt cao hoặc sốt nhẹ, khóc khàn hoặc khàn tiếng, ho, thở rít. Các triệu chứng thường nặng hơn khi về ban đêm.
- Khám nội soi ống mềm thường cho thấy hình ảnh viêm phù nề thượng thanh môn, thanh thiệt hoặc dây thanh sung huyết phù nề.
- Chẩn đoán xác định viêm thanh quản cấp ở trẻ em là nói khàn hoặc khóc khàn, soi thanh quản ống mềm có hình ảnh viêm phù nề thượng thanh môn, thanh thiệt, dây thanh 2 bên.
- Các thể bệnh lâm sàng
1. Thể cấp tính ngạt thở
- Các thể lâm sàng trong đó lưu ý thể cấp tính ngạt thở. Nguyên nhân do moxyvirut, virus cúm, virus á cúm, vi khuẩn liên cầu, phế cầu…
Viêm thanh quản trẻ em thể cấp tính ngạt thở hay gặp ở trẻ từ 1 - 3 tuổi. Gặp ở những bệnh cảnh lâm sàng khác nhau. Tuy nhiên hay gặp ở thể viêm thanh quản hạ thanh môn.
Đây là một cấp cứu trong tai mũi họng vì có thể gây khó thở thanh quản và khó thở đường hô hấp dưới, gây nguy hiểm cho trẻ.
- Triệu chứng: Thường sốt nhẹ, khó thở thanh quản, ngạt thở.
- Cách xử trí: Để xử trí những trường hợp nặng này cần có phải nhanh chóng, kịp thời để tránh nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân.
Biện pháp xử trí như sau:
- Dùng liệu pháp corticoid solumedrol 0,5 mg/kg/12h ngay lập tức theo đường tĩnh mạch.
- Cho thở không khí ấm và ẩm.
- Khí dung đường thở bằng các thuốc chống viêm, giãn khí phế quản.
- Cho trẻ nằm nghỉ ngơi, tránh vận động mạnh. Hạn chế khám để tránh gây kích thích gây khó thở cho trẻ.
- Hạ sốt cho trẻ nếu sốt cao trên 38,5 độ C.
- Không dùng các thuốc an thần, giảm đau để đánh giá chính xác mức độ khó thở của trẻ để có biện pháp cấp cứu kịp thời.
- Nếu trong trường hợp nghĩ đến viêm thanh quản do vi khuẩn hoặc có bội nhiễm vi khuẩn thì có thể sử dụng kháng sinh.
- Nếu tình trạng trẻ nặng hơn thì có thể phải tiến hành đặt nội khí quản hoặc mở khí quản cấp cứu.
- Theo dõi chặt chẽ diễn biến của trẻ, tình trạng khó thở của trẻ.
Lưu ý: Đây là những xử trí ở cơ sở y tế nên nếu trẻ có tình trạng sốt, ngạt thở, khó thở thanh quản, khóc khàn, cần đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế để có các biện pháp điều trị tích cực phù hợp.
2. Viêm thanh quản co thắt
Viêm thanh quản co thắt là tình trạng viêm co thắt vùng hạ họng thanh quản.
- Triệu chứng: Bệnh nhân thường có cơn khó thở, ngạt thở kèm những cơn co thắt các cơ vùng cổ, hõm ức, cơ liên sườn. Có hiện tượng khó thở tái diễn thành từng cơn. Tuy nhiên toàn thân ít có triệu chứng. Thường bệnh nhân không sốt.
- Cách xử trí: Tùy từng mức độ mà có biện pháp xử trí thích hợp:
- Cho trẻ nằm nghỉ ngơi, tránh vận động mạnh, đặc biệt là những cơn khóc kéo dài làm tăng nguy cơ co thắt thanh quản.
- Dùng thuốc chống trào ngược trong trường hợp bệnh nhân có trào ngược dạ dày gây co thắt thanh quản.
- Sử dụng máy áp lực dương liên tục để đưa không khí trực tiếp vào đường thở.
- Trong trường hợp nặng có thể phải đặt ống nội khí quản.
3. Viêm thanh thiệt
Viêm thanh thiệt là tình trạng viêm cấp tính vùng nắp thanh môn (thanh thiệt) và thượng thanh môn có thể dẫn đến tắc nghẽn khí quản, ngạt thở, gây nguy hiểm đến tính mạnh bệnh nhân nếu không được cấp cứu kịp thời. Đây được xem là tình trạng cấp cứu trong tai mũi họng.
- Triệu chứng: Khi bị viêm thanh thiệt, trẻ thường có biểu hiện: khó thở, nuốt đau, nuốt vướng, xuất tiết nhiều nước bọt, khó thở tăng khi nằm ngửa.
- Cách xử trí: Các tình trạng trên thường phải xử lý tại các cơ sở y tế bằng cách:
- Khí dung các thuốc giảm phù nề giãn khí phế quản.
- Nếu không đỡ thì phải sử dụng liệu pháp corticoid đường tiêm tĩnh mạch.
Vì vậy, nếu trẻ có biểu hiện viêm thanh nhiệt, cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.
4. Viêm thanh quản bạch hầu
Viêm thanh quản bạch hầu là một trong những bệnh lý nặng nề nhất trong các bệnh viêm thanh quản ở trẻ. Bệnh diễn biến nhanh, có thể gây các biến chứng hết sức nguy hiểm như: biến chứng tim mạch, thần kinh và thận. Đặc biệt có nguy cơ gây tắc nghẽn đường hô hấp dẫn đến hôn mê và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
- Triệu chứng: Trẻ bị viêm thanh quản bạch hầu thường: sốt nhẹ, đau họng, khó nuốt. Soi họng thấy có ít giả mạc dai khó gỡ. Xét nghiệm có vi khuẩn bạch hầu.
- Giai đoạn đầu của viêm thanh quản bạch hầu: trẻ ho nhẹ, khàn tiếng, khó thở nhẹ khi gắng sức.
- Giai đoạn 2: trẻ khó thở tăng, ho ông ổng, khàn tiếng, khó thở tăng.
- Giai đoạn 3: trẻ khó thở nặng nề, kèm các triệu chứng của nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân, trụy tim mạch. Nếu không cấp cứu kịp thời có thể dẫn tới tử vong.
- Cách xử trí: Cần điều trị ngay lập tức và tích cực.
- Sử dụng thuốc kháng độc tố bạch hầu được tiêm bắp hoặc tiêm theo đường tĩnh mạch nhằm trung hòa độc tố bạch hầu lưu hành trong cơ thể. Trong trường hợp dị ứng với thuốc giải độc tố cần giải mẫn cảm bằng những liều nhỏ tăng dần.
- Kháng sinh được dùng trong bệnh bạch hầu.
- Cần điều trị trong phòng cách ly do bạch hầu có khả năng lây cho những người chưa tiêm vaccine phòng bạch hầu.
- Trong trường hợp giả mạc bạch hầu bít tắc thanh quản cần tiến hành bóc tách giả mạc giúp giải phóng đường thở.
II. Viêm thanh quản ở người lớn
1. Viêm thanh quản cấp
Viêm thanh quản cấp tính ở người lớn là tình trạng viêm xuất tiết niêm mạc thanh quản. Bệnh thường gặp vào mùa lạnh hoặc lúc thay đổi thời tiết thất thường. Nguyên nhân gây bệnh thường do virus.
- Đối tượng dễ mắc: Hay gặp ở nam nhiều hơn nữ. Đặc biệt ở những người hay uống bia rượu, hút thuốc, những người làm việc môi trường lạnh, ô nhiễm.
- Triệu chứng: Người bệnh thường có biểu hiện: mệt mỏi, gai rét hoặc ớn lạnh, có thể sốt nhẹ. Tiếng nói khàn hoặc mất tiếng hoàn toàn. Có thể có một số các triệu chứng khác như ho, đau họng, nuốt vướng.
Khám nội soi thanh quản thấy thanh quản sung huyết thanh thiệt, băng thanh thất, dây thanh 2 bên đỏ rực, sung huyết, phù nề, có thể thấy dịch ứ đọng.
- Cách xử trí:
- Điều trị viêm thanh quản cấp ở người lớn thường chỉ khí dung tại chỗ bằng các dung dịch thuốc chống viêm hoặc đơn giản dùng tinh dầu như bạc hà…
- Giảm nói, tránh lạnh, giữ ấm cổ.
- Có thể sử dụng phương pháp bơm thuốc thanh quản bằng các thuốc giảm viêm, giảm phù nề.
- Ăn nhiều hoa quả, bổ sung vitamin và vi chất để tăng cường thể trạng.
2. Viêm thanh quản mạn tính
Viêm thanh quản mạn tính là tình trạng viêm niêm mạc thanh quản tái đi tái lại nhiều lần hoặc quá trình viêm thanh quản kéo dài gây nên. Quá trình này dẫn đến quá sản, loạn sản hoặc teo niêm mạc thanh quản.
- Nguyên nhân: Nguyên nhân gây viêm thanh quản mạn tính do nhiều yếu tố như: Cách phát âm, sử dụng giọng không hợp lý, nói quá to, quá nhiều hoặc kéo dài, liên tục.
Nguyên nhân do trào ngược dạ dày thực quản. Do các bệnh lý đường hô hấp, đặc biệt là viêm mũi xoang mạn tính, viêm họng mạn tính. Do các bệnh lý toàn thân như đái tháo đường, gout…
Do các yếu tố khác như: bụi, khói than, ô nhiễm môi trường. Các triệu chứng toàn thân ít có.
- Triệu chứng: Người bệnh lúc đầu thường có biểu hiện: nuốt vướng nhẹ, nói khó, khó cất giọng cao hoặc khó hát. Sau đó, bệnh nhân thấy tiếng khàn dần rồi dần dần mất tiếng.
Có thể kèm theo ho có ít đờm vào buổi sáng. Có cảm giác ngứa, cay hoặc rát nhẹ vùng thanh quản.
Khám nội soi thanh quản thấy dây thanh dày ở mức độ nhẹ. Trường hợp nặng hơn có thể quan sát thấy dây thanh dày 2 bên như dây thừng. Nặng hơn nữa có thể thấy những tổn thương thoái hóa niêm mạc như nang dây thanh, polyp dây thanh hoặc hạt xơ dây thanh 2 bên.
- Cách xử trí:
- Điều trị viêm thanh quản mạn tính bằng các thuốc giảm viêm toàn thân. Kết hợp với chế độ luyện giọng, giảm nói, làm sạch giọng nói.
- Có thể bơm thuốc thanh quản tại chỗ bằng corticoid.
- Tăng cường nâng cao thể trạng.
- Điều trị kết hợp các ổ viêm nhiễm mũi họng, viêm mũi xoang mạn tính, các bệnh lý trào ngược, bệnh lý toàn thân.
- Giữ ấm cơ thể, giữ ấm cổ.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng.
- Giữ vệ sinh môi trường, nơi ở, vệ sinh mũi họng thường xuyên.
- Hạn chế uống rượu, bia. Không hút thuốc lá.
- Không nói quá to, nói quá nhiều kéo dài, liên tục.
- Tránh tiếp xúc với người có biểu hiện mắc bệnh đường hô hấp.
- Cần điều trị triệt để các đợt viêm thanh quản cấp tính, các ổ viêm mũi họng, viêm mũi xoang…
Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết của TS.BS Phạm Thị Bích Thủy
Xem thêm video đang được quan tâm:
Hướng dẫn sử dụng thuốc điều trị COVID-19 tại nhà