Hà Nội

Các dạng rối loạn tâm thần hay gặp ở học sinh, sinh viên

31-12-2013 00:17 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Hiện nay, tỷ lệ nghiện ma túy kích thần nhóm amphetamin không còn là hiếm ở học sinh, sinh viên. Ma túy phổ biến nhất của nhóm này là ecstasy (hay còn gọi là MDMA).

Tiếp theo số 208

Nghiện ma túy

Hiện nay, tỷ lệ nghiện ma túy kích thần nhóm amphetamin không còn là hiếm ở học sinh, sinh viên. Ma túy phổ biến nhất của nhóm này là ecstasy (hay còn gọi là MDMA). Do chúng có tinh thể màu trắng như nước đá nên có tiếng lóng là “ICE”, ở Việt Nam, chúng được gọi là ma túy đá.


	Các tiết mục đồng diễn tại trường giúp các em thoải mái hơn sau giờ học căng thẳng.

Các tiết mục đồng diễn tại trường giúp các em thoải mái hơn sau giờ học căng thẳng.

Khi sử dụng (theo đường uống, hít, hút, tiêm tĩnh mạch), bệnh nhân có các triệu chứng sau: phấn chấn, vui vẻ quá mức, quên hết mọi phiền muộn; tăng tự tin, tự cao, phản ứng nhanh nhạy với ánh sáng, âm thanh nên hay được dùng ở vũ trường, đua xe; hoạt động quá nhiều mà không biết mệt mỏi; tăng nhu cầu tình dục cả ở nam và nữ; không cần ngủ, không muốn ăn mà vẫn không thấy mệt mỏi, không thấy đói; độ dài của các triệu chứng trên tùy thuộc liều sử dụng, thường kéo dài 4-8 giờ với 1 liều 50mg ecstasy; nếu dùng liều cao trên 100mg/lần hoặc dùng liều không cao nhưng kéo dài trên 3 tháng, bệnh nhân sẽ có hoang tưởng và ảo giác như bệnh tâm thần phân liệt.

Ma túy đá được coi nguy hiểm gấp nhiều lần heroin vì tỷ lệ tử vong rất cao. Nếu bệnh nhân bắt đầu sử dụng đường tiêm tĩnh mạch thì thường tử vong trong vòng 1 năm. Nguyên nhân tử vong là trụy tim mạch, tai biến mạch máu não và sốc phản vệ.

Khi ngừng sử dụng ma túy đá, bệnh nhân sẽ có hội chứng cai với các triệu chứng sau: mệt mỏi, uể oải; tự ti, bi quan, chán nản, muốn chết; thèm ma túy mãnh liệt; ăn nhiều, ngủ nhiều.

Điều trị ma túy đá khó hơn so với heroin vì không có thuốc điều trị chống tái nghiện đặc hiệu. Sau khi nhập viện vào bệnh khoa tâm thần, bệnh nhân cần được quản lý chặt, điều trị bằng thuốc an thần và thuốc chống trầm cảm hoặc sốc điện để cắt cơn. Sau 2 tuần điều trị cắt cơn, bệnh nhân cần được điều trị củng cố ít nhất 6 năm bằng thuốc an thần và chống trầm cảm. Thuốc được đánh giá có hiệu quả chống tái nghiện cao hơn cả là seroquel. Tuy nhiên, do chưa có thuốc đối kháng đặc hiệu nên tỷ lệ tái nghiện ma túy đá rất cao.

Nghiện game online

Khoảng 10% số thanh niên bị bệnh nghiện game online. Điều kiện để nghiện game online rất đơn giản, gồm hai yếu tố: chơi game online mỗi ngày trên 2 giờ; ngày nào cũng chơi game trong vòng 1 tháng trở lên. Bệnh nhân được cho là nghiện game online khi có các triệu chứng sau:

Nếu không được chơi game sẽ thấy rất thèm và tìm mọi cách để được chơi game (ăn cắp tiền, cướp của, giết người…); mất ngủ, cảm xúc thất thường, chủ yếu là hay nổi cáu; ăn ít, sút cân; mất gần hết mọi quan tâm thích thú hoặc các sở thích cũ; có ý nghĩ về cái chết hoặc tự sát; sao nhãng chuyện học hành…

Điều trị cai nghiện game online rất khó, bệnh nhân cần phải vào viện để đảm bảo cách ly tuyệt đối với máy tính hoặc máy điện thoại cấu hình mạnh. Tuân thủ theo y lệnh của bác sĩ điều trị bằng thuốc an thần và chống trầm cảm trong thời gian ít nhất 1 tháng để cắt cơn. Sau khi ra viện, bệnh nhân điều trị củng cố bằng thuốc an thần và chống trầm cảm trong nhiều năm (ra ngoài tuổi 30), không sử dụng máy tính, điện thoại cấu hình mạnh. Điều này thật khó thực hiện trong xã hội hiện đại hôm nay. Do không có thuốc chống tái nghiện đặc hiệu, nếu bệnh nhân không có ý thức tuân thủ tỷ lệ tái nghiện game online rất cao.        

TS. Bùi Quang Huy (Chủ nhiệm Khoa Tâm thần, Bệnh viện 103)

 


Ý kiến của bạn