Các dạng đau nửa đầu và biện pháp điều trị

17-06-2024 10:21 | Dược

SKĐS - Đau nửa đầu hay còn gọi là đau đầu Migraine, là bệnh rất thường gặp, dễ chẩn đoán và dễ tái phát. Do đó bệnh cần được theo dõi và điều trị lâu dài.

Về dùng thuốc điều trị đau nửa đầu, mục tiêu là kiểm soát hoàn toàn cơn đau. Trước hết cần phải chẩn đoán, đánh giá mức độ nặng của cơn đau để dùng thuốc điều trị hiệu quả ngay từ lần đầu.

Thuốc điều trị đau nửa đầu cấp tính

Về điều trị, trước tiên cần loại bỏ các kích thích trong cuộc sống có thể dẫn đến bùng phát cơn đau đầu. Về dùng thuốc điều trị cần dựa trên tần số, thời gian đau và mức độ nghiêm trọng của các cơn đau. Các thuốc bao gồm thuốc giảm đau, thuốc chống nôn, triptans, và/hoặc dihydroergotamine.

Các cơn đau từ nhẹ đến trung bình: Dùng acetaminophen hoặc NSAIDs. Các thuốc có chứa opioid, caffeine, hoặc butalbital rất hiệu quả cho các cơn đau nhẹ, thường xuyên. Chính vì thuốc hiệu quả nên bệnh nhân thường hay lạm dụng. Khi lạm dụng thuốc, có thể dẫn đến một loại hội chứng đau đầu hàng ngày được gọi là đau đầu do lạm dụng thuốc.

Thuốc chống nôn đơn thuần có thể được sử dụng để giảm các cơn đau nhẹ hoặc trung bình.

Các cơn đau nặng: Đối với các cơn đau đầu nặng, dùng triptans hoặc dihydroergotamine cùng với thuốc chống nôn đối vận với dopamine.

Các dạng đau nửa đầu và biện pháp điều trị- Ảnh 1.

Cần phải chẩn đoán, đánh giá mức độ nặng của cơn đau nửa đầu để dùng thuốc điều trị hiệu quả ngay từ lần đầu.

- Triptans: Nếu các cơn nhẹ tiến triển thành đau nửa đầu nặng ngay từ khi khởi phát, nên dùng triptans. Triptans là các chất chủ vận thụ thể serotonin 1B, 1D. Mặc dù không phải là thuốc giảm đau nhưng thuốc có tác dụng giúp ngăn chặn việc giải phóng các neuropeptide vận mạch gây kích hoạt cơn đau nửa đầu. Thuốc có hiệu quả nhất khi dùng lúc khởi phát các cơn đau nửa đầu.

Triptans có các dạng bào chế đường uống, xịt mũi, tiêm dưới da và chỉ dùng khi đã được bác sĩ kê đơn.

Dạng tiêm dưới da có hiệu quả hơn so với đường uống và đường xịt mũi, nhưng cũng có nhiều tác dụng phụ hơn. Lạm dụng thuốc triptans là một trong những nguyên nhân dẫn đến đau đầu do lạm dụng thuốc.

Trường hợp đau đầu gây ra buồn nôn, nôn, có thể kết hợp triptan với thuốc chống nôn đơn thuần đặt hậu môn như prochlorperazine để giảm triệu chứng và tăng hiệu quả điều trị đau.

- Truyền dịch: Bệnh nhân có đau nặng, nôn nhiều dẫn đến mất nước có thể được truyền dịch bằng dung dịch muối sinh lý 0,9%. Truyền dịch có thể giúp làm giảm đau đầu và tăng cảm giác thoải mái cho bệnh nhân.

- Dihydroergotamine dùng đường tĩnh mạch kết hợp cùng với thuốc chống nôn đối kháng dopamine đường tiêm tĩnh mạch như metoclopramide hoặc prochlorperazine sẽ giúp loại bỏ các cơn đau rất nghiêm trọng, kéo dài.

Lưu ý: Cả thuốc triptans và dihydroergotamine đều có thể làm co thắt động mạch vành. Do đó thuốc chống chỉ định ở bệnh nhân bị bệnh động mạch vành hoặc tăng huyết áp không kiểm soát. Thuốc phải thận trọng khi sử dụng với bệnh nhân cao tuổi và bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ mạch máu.

Các opioids chỉ nên được sử dụng như là thuốc cứu hộ, cho đau đầu mức độ nặng khi các biện pháp khác không có hiệu quả.

Thuốc điều trị đau nửa đầu mạn tính

Bệnh nhân bị chứng đau nửa đầu cấp tính có thể tiến triển thành đau nửa đầu mạn tính, với biểu hiện đau nửa đầu từ 15 ngày trở lên/1 tháng. Loại đau đầu này thường tiến triển ở những bệnh nhân lạm dụng thuốc điều trị đau đầu cấp tính. Ngoài các loại thuốc dùng để ngăn ngừa chứng đau nửa đầu chu kỳ, để điều trị đau nửa đầu mạn tính kết hợp với một số thuốc điều trị khác khi các cơn đau đầu xảy ra thường xuyên và ảnh hưởng tới sinh hoạt hằng ngày. Sử dụng liệu pháp dự phòng như onabotulinumtoxin A, amitriptyline, thuốc chẹn beta, topiramate, divalproex.

Các dạng đau nửa đầu và biện pháp điều trị- Ảnh 3.

Sử dụng thuốc giảm đau quá mức có thể khiến bệnh đau đầu khó trị hơn.

Đối với bệnh nhân thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau trên 2 ngày mỗi tuần, đặc biệt là những người đau đầu do lạm dụng thuốc nên được phòng ngừa bằng kết hợp các thuốc theo một liệu trình để ngăn chặn sử dụng thuốc giảm đau quá mức. Lựa chọn thuốc cần phải được cân nhắc theo các bệnh lý đồng mắc thường gặp trong đau nửa đầu như:

- Đau nửa đầu kèm theo mất ngủ: Có thể chỉ định một liều thấp amitriptyline dùng đường uống trước khi đi ngủ. Chỉ dùng cho chứng đau nửa đầu và có ích cho bệnh nhân bị mất ngủ.

Thuốc có tác dụng kháng cholinergic, gây tăng cân.

- Bệnh nhân bị lo âu hoặc bệnh động mạch vành: Nên được chỉ định cùng một thuốc chẹn beta như atenolol, metoprolol, nadolol, propranolol, timolol. Chỉ định dùng cho chứng đau nửa đầu. Chỉ nên dùng thuốc ức chế beta không có hoạt tính giống giao cảm.

Tránh dùng ở bệnh nhân có nhịp tim chậm, hạ huyết áp, đái tháo đường, hen suyễn.

- Bệnh nhân có kèm béo phì hoặc cho những bệnh nhân muốn tránh tăng cân: Nên được chỉ định thêm thuốc topiramate.

Các tác dụng bất lợi đối với hệ thần kinh trung ương như lú lẫn, trầm cảm.

- Bệnh nhân bị chứng hưng cảm: Cần dùng divalproex.

Thuốc có tác dụng phụ gây rụng tóc, rối loạn tiêu hóa, rối loạn chức năng gan, giảm tiểu cầu, run và tăng cân.

- OnabotulinumtoxinA là thuốc tiêm được chứng minh có tác dụng trong việc điều trị các cơn đau nửa đầu mạn tính ở người trưởng thành. Liệu trình điều trị là tiêm onabotulinumtoxin A vào vùng cơ ở trán và ở cổ và được lặp lại mỗi 12 tuần khi điều trị có hiệu quả.

Mời độc giả xem thêm video:

Nhận biết nguyên nhân và điều trị đau nửa đầu.

BS.Lê Anh Tiến
Ý kiến của bạn