Các đại biểu QH lên án mạnh mẽ hành vi hành hung thầy thuốc

10-04-2018 09:14 | Thời sự
google news

SKĐS - Thời gian gần đây, tại các Bệnh viện ở một số địa phương nổi lên tình trạng hành hung bác sĩ, gây bức xúc trong dư luận. Bộ trưởng Bộ Y tế đã phải lên tiếng kêu gọi mọi người hãy chung sức bảo vệ các nhân viên y tế.

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng hành vi hành hung bác sĩ cần phải xử lý nghiêm

Bên lề hành lang quốc hội, PV Báo Sức khỏe&Đời sống đã trao đổi với một số đại biểu xung quanh vấn đề này, đa số các đại biểu cho rằng hành vi hành hung bác sĩ cần phải xử lý nghiêm theo quy định.

Ông Dương Trung Quốc (Đoàn Đồng Nai)

Trước hết tôi rất chia sẻ và hoan nghênh bà Bộ trưởng Bộ Y tế khi bà đã lên tiếng kêu gọi mọi người bảo vệ cán bộ, nhân viên ngành y tế, khi mà trong thời gian gần đây đã có quá nhiều vụ hành hung cán bộ nhân viên y tế. Trong xã hội nào cũng vậy thầy thuốc và thầy giáo là đối tượng được trân trọng nhất, vì họ đảm bảo cho sinh mệnh cũng như là học vấn của con người. Gần đây, không chỉ có bác sĩ, chúng ta thấy nhà giáo cũng vậy, cũng đang đứng trước nhiều áp lực.

Ở nơi này, nơi khác hình ảnh các nhân viên y tế có những hành vi thể hiện sự “phản cảm” đã làm giảm sút ít nhiều hình ảnh của thầy thuốc trong mắt người dân, mặc dù rất nhỏ, rất ít nhưng nó lại mang hiệu ứng xã hội rất lớn và lan rộng. Các yếu tố khách quan làm cho hình ảnh của thầy thuốc không được như mọi người mong muốn.

Tuy vậy, việc các thầy thuốc bị hành hung trong thời gian qua cần phải được kịch liệt lên án. Cần phải hết sức nghiêm khắc, có chế tài đủ mạnh đủ sức răn đe đối với ai xúc phạm hành hung đối với công dân nói chung, chứ không cần phải nói đến thầy thuốc.

Bên cần đó, cũng cần phải chia sẻ với ngành y tế, cần phải có cơ chế đặc thù đối với ngành y, bởi ngành y đang chịu một áp lực rất lớn, đứng về đào tạo cũng là ngành đào tạo công phu nhất, lâu nhất và công việc cũng nặng nề nhất nhưng hưởng thụ lại “hạn chế” nhất. Đương nhiên, cũng có có một bộ phận thầy thuốc thoát ly ra khỏi cơ chế của nhà nước cũng có được những thành quả tương xứng do nỗ lực bản thân mà có được.

Các bác sĩ mà còn gắn với cơ quan nhà nước, nếu như làm đúng với tất cả những gì theo quy định rõ ràng nó sẽ rất hạn chế cả về chuyên môn lẫn nghĩa vụ, quyền lợi. Phải coi ngành y tế cũng như ngành giáo dục là 2 đối tượng đặc thù mà đã là đặc thù thì cần phải có chính sách thích hợp.

Ông Nguyễn Ngọc Phương, (Phó trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Quảng Bình):

Tôi cho rằng, một trong những nguyên nhân cơ bản đó là chưa kiểm soát hết được tình trạng phạm pháp và tình trạng bạo lực của xã hội ngày càng gia tăng. Trong nhiều lần tiếp xúc cử tri, nhiều cử tri đã nêu lên nhiều kiến nghị đề xuất, lo lắng trước tình trạng bạo lực cũng như vi phạm pháp luật của một số đối tượng, bạo lực này không phải chỉ ngoài xã hội mà nó đã lan vào đến tận bệnh viện, nhiều bác sĩ đã bị hành hung nguy hiểm đến tính mạng.

Để hạn chế tình trạng hành hung đe dọa tính mạng của các bác sĩ trong các BV, thứ nhất là làm thế nào có được sự ngăn cách giữa bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trong khi điều trị khám chữa bệnh. Bởi vì người nhà vào thì cũng giải quyết được vấn đề gì.

Hai là, phải có giải pháp tích cực hơn trong vấn đề phòng ngừa, tránh tình trạng để gây bức xúc cho người dân, thái độ của các cán bộ y tế cần phải ân cần, chu đáo hơn, kịp thời hơn đừng lơ là, coi thường tính mạng bệnh nhân.

Bên cạnh đó, đối với các đối tượng có hành vi hành hung các cán bộ ngành y tế cần phải xử lý theo pháp luật thật nghiêm túc, phải răn đe cụ thể để làm gương cho những ai đang có ý định manh nha hành hung những người đã ngày đêm ra sức cứu chữa cho người dân.

Bà Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn Hà Nội)

Thời gian qua, nhiều đối tượng đã có hành vi hành hung các nhân viên y tế, để việc này xảy ra, trước hết là do chủ quan của ngành y tế. Biết rằng ngành y tế trong cơ chế này đã tạo ra một áp lực rất lớn, đây là một ngành rất bức thiết phục vụ nhân dân mà gia đình nào cũng phải sử dụng dịch vụ này khi có người nhà bị đau ốm. Phần lớn người dân khi có người nhà bị đau ốm, họ vào BV với tâm thế hết sức lo lắng, vì vậy đòi hỏi những hành vi cử chỉ của nhân viên ngành cần phải chuyên nghiệp, tránh gây bức xúc, phản cảm đối với họ. Thái độ đón tiếp cần ân cần và chu đáo, cần bày tỏ sự chia sẻ đối với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Hiện nay, hành vi hành hung bác sĩ đang có xu hướng phổ biến, người ta hành động ít khi kiểm soát mà họ theo thói quen hung hãn. Vì vậy, các BV cần phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, để bảo đảm trật tự an ninh khu vực BV, thực tế nếu nơi nào làm tốt thì hiện tượng này sẽ không xảy ra, bởi BV không thể có đaủ lực lượng để giải quyết hiện tượng “côn đồ” nếu xảy ra.

Bên cạnh đó, ngành y tế cũng cần giáo dục tuyên truyền cho cán bộ nhân viên ngành y tế thay đổi hành vi tiến đến sự hài lòng của người bệnh mà Bộ Y tế đang nỗ lực thực hiện đáng ghi nhận trong thời gian qua.


Trần Lâm
Ý kiến của bạn