Hà Nội

Các con đường lây truyền virus gây tay chân miệng, cha mẹ cần biết để phòng bệnh

30-11-2023 14:07 | Bệnh trẻ em

SKĐS - Bệnh tay chân miệng xảy ra quanh năm, thường gặp nhất từ tháng 3 – 5 và từ tháng 9-12. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi, trẻ lớn ít gặp hơn.

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, số ca tay chân miệng có dấu hiệu gia tăng nhanh so với các tuần trước đây. Cụ thể tuần 46, thành phố ghi nhận 1.373 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, nâng tổng số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm 2023 đến tuần 46 là 39.413 ca.

Bệnh tay chân miệng có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm, theo dõi và điều trị kịp thời. Vì vậy, việc nhận biết sớm trẻ mắc bệnh tay chân miệng là vô cùng quan trọng.

Đường lây truyền virus gây bệnh tay chân miệng

Theo các chuyên gia, bệnh tay chân miệng chủ yếu do nhóm virus đường ruột Enterovirus gây nên, thường gặp nhất là Coxsackie A16 và Enterovirus type 71. Trong đó, virus Coxsackie A16 ít gây ra các biến chứng về thần kinh và có thể tự khỏi trong vài ngày. Ngược lại, virus Enterovirus type 71 (EV71) gây nhiều biến chứng nguy hiểm viêm não, viêm màng não, viêm phổi, viêm cơ tim và có thể dẫn đến tử vong.

Ngoài Coxsackie A16 và Enterovirus type 71, một số chủng virus nhóm A khác như Coxsackie A4-A7, A9, A10 hoặc virus Coxsackie nhóm B (B1-B3, và B5) cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh.

Các con đường lây truyền virus gây tay chân miệng, cha mẹ cần biết để phòng bệnh- Ảnh 1.

Nhận biết sớm trẻ mắc bệnh tay chân miệng là vô cùng quan trọng.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi- Bệnh viện Bạch Mai, con đường lây nhiễm virus tay chân miệng như sau:

- Trẻ tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh.

- Trẻ hít, nuốt phải các dịch tiết, nước bọt người bệnh khi ăn uống chung, ho, hắt hơi, nói chuyện.

- Tiếp xúc trực tiếp với dịch của mụn nước, bọng nước, phân của người bệnh.

- Trẻ lành cầm nắm đồ chơi, chạm vào các vật dụng của trẻ bệnh.

- Lây qua bàn tay người chăm sóc trẻ.

- Bệnh tay chân miệng lây lan nhanh khi trẻ lành tiếp xúc với trẻ nhiễm bệnh

‎Vì cách thức lây truyền bệnh khá nhanh nên tay chân miệng rất dễ bùng phát thành dịch lớn. Khi một trẻ bị mắc bệnh, nếu không có những biện pháp phòng tránh kịp thời thì những trẻ xung quanh cũng có thể bị lây nhiễm bất cứ lúc nào.

Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ dưới 10 tuổi, thường dưới 5 tuổi, gặp nhiều nhất là ở trẻ dưới 3 tuổi, tuy nhiên người lớn chưa có miễn dịch với bệnh cũng có thể mắc bệnh.

Các con đường lây truyền virus gây tay chân miệng, cha mẹ cần biết để phòng bệnh- Ảnh 2.

Cần rửa tay thường xuyên để phòng bệnh tay chân miệng .

Ghi nhận thực tế, bệnh lây nhanh từ trẻ này sang trẻ khác qua đường hô hấp từ các chất tiết mũi, miệng, phân, nước bọt trong 1 tuần đầu bị bệnh. Bệnh nhân còn có khả năng đào thải virus qua phân trong vài tuần sau.

Sau khi khỏi bệnh, bệnh nhân có miễn dịch với chủng virus gây bệnh, nhưng một người có thể bị bệnh tay chân miệng nhiều lần nếu lần sau bị nhiễm các chủng virus khác với những lần trước.

Cần cách ly và kiểm soát tình trạng sốt của trẻ

Các chuyên gia khuyến cáo khi trẻ mắc tay chân miệng, gia đình nên cho trẻ cách ly ở nhà trong 10-14 ngày đầu của bệnh. Đồng thời, gia đình cần báo ngay cho trường học, nhà trẻ hoặc cơ quan y tế gần nhất để có phương án vệ sinh các bề mặt, dụng cụ mà trẻ đã từng tiếp xúc, cũng như theo dõi sức khỏe của các bé đã tiếp xúc với trẻ mắc bệnh.

Nơi ở của trẻ cần thông thoáng, sạch sẽ, có ánh nắng mặt trời. Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ, cha mẹ chườm ấm ở cổ, nách, bẹn kết hợp cho trẻ uống thuốc hạ sốt thành phần Paracetamol 10-15mg/kg cách 4-6 giờ/lần, 1 ngày không quá 4 lần. Nếu trẻ vẫn sốt cao liên tục thì cha mẹ dùng Ibuprofen 5-10mg/kg/lần xen kẽ với Paracetamol (Ibuprofen cần uống theo chỉ định của bác sĩ).

Lưu ý: Để tránh trẻ bị nhiễm lạnh dẫn đến viêm phổi, cha mẹ cần chú ý không làm ướt quần áo của trẻ khi chườm ấm. Cho trẻ uống dung dịch Oresol theo nhu cầu để đảm bảo cân bằng nước và điện giải (Oresol cần được pha đúng liều lượng in trên bao bì).

Đắk Lắk bệnh nhi 2 tuổi tử vong vì bệnh tay chân miệngĐắk Lắk bệnh nhi 2 tuổi tử vong vì bệnh tay chân miệng

SKĐS - Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận trường hợp bệnh nhi tử vong vì bệnh tay chân miệng. Đây là trường hợp tử vong thứ 4 do bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh tính từ đầu năm tới nay.

Nguyễn Thanh Hà
Ý kiến của bạn