1. HIV được tìm thấy ở đâu?
HIV có thể được tìm thấy trong dịch cơ thể, chẳng hạn như máu, tinh dịch, dịch âm đạo và sữa mẹ.
2. HIV có thể lây truyền như thế nào?
Theo Chương trình phối hợp của Liên Hợp quốc về HIV/AIDS, HIV có thể lây truyền qua quan hệ tình dục (qua đường hậu môn hoặc âm đạo), truyền máu không an toàn, sử dụng chung kim tiêm bị ô nhiễm tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe và tiêm chích ma túy; giữa mẹ và trẻ sơ sinh trong thời kỳ mang thai, sinh nở và cho con bú.
2.1 Lây truyền qua đường tình dục
HIV có thể lây truyền qua quan hệ tình dục xâm nhập. HIV lây truyền qua quan hệ tình dục qua đường hậu môn được báo cáo là cao hơn 10 lần so với quan hệ tình dục qua đường âm đạo.
Một người mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục không được điều trị, có khả năng lây truyền hoặc nhiễm HIV khi quan hệ tình dục cao hơn từ 6 đến 10 lần.
Cách hạn chế:
- Quan hệ một vợ một chồng giữa các bạn tình chưa nhiễm bệnh. Quan hệ tình dục không xâm nhập. Sử dụng bao cao su nam hoặc nữ phù hợp và đúng cách.
- Quan hệ tình dục giữa hai người khi một trong hai người nhiễm HIV nhưng đang điều trị ARV và có tải lượng virus không phát hiện được.
- Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm đối với người không nhiễm HIV.
- Cắt bao quy đầu cho nam giới do y tế tự nguyện làm giảm khả năng nam giới nhiễm HIV từ phụ nữ.
2.2 Lây truyền do dùng chung bơm kim tiêm
Sử dụng lại hoặc dùng chung bơm kim tiêm là một cách lây truyền HIV rất thường gặp.
Cách hạn chế:
Nguy cơ lây truyền có thể giảm đáng kể ở những người tiêm chích ma túy nếu luôn sử dụng bơm kim tiêm mới dùng một lần hoặc khử trùng đúng cách kim tiêm/ống tiêm trước khi sử dụng lại.
Các nhân viên y tế tuân thủ các biện pháp phòng ngừa chung có thể giảm sự lây truyền trong cơ sở chăm sóc sức khỏe.
2.3 Lây truyền từ mẹ sang con
Có 15–30% nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con trong khi mang thai, chuyển dạ, sinh nở và cho con bú. Một số yếu tố ảnh hưởng đến nguy cơ lây nhiễm, đặc biệt là tải lượng virus của người mẹ khi sinh (tải lượng càng cao thì nguy cơ càng cao). Lây truyền từ mẹ sang con sau khi sinh cũng có thể xảy ra qua việc cho con bú.
Cách hạn chế:
Khả năng lây truyền HIV sang con là rất thấp nếu người mẹ được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trong thời kỳ mang thai và khi cho con bú.
2.4 Lây truyền qua truyền máu
Một người có nguy cơ cao (hơn 90%) nhiễm HIV khi truyền máu và các sản phẩm máu bị nhiễm bệnh.
Cách hạn chế:
Cần thực hiện đúng các tiêu chuẩn an toàn về máu đảm bảo cung cấp máu và các chế phẩm máu an toàn, đầy đủ, chất lượng tốt cho tất cả các bệnh nhân cần truyền máu.
An toàn truyền máu bao gồm sàng lọc tất cả máu được hiến để tìm HIV và các mầm bệnh lây qua đường máu khác, cũng như lựa chọn người hiến máu thích hợp.
Mời bạn xem tiếp video:
Cảnh báo chạm ngưỡi thảm họa khi bão Noru tiếp tục mạnh lên trên đường áp sát đất liền| SKĐS