Các chuyên gia y tế Việt Nam và quốc tế tìm giải pháp hiệu quả phòng chống sốt xuất huyết

28-09-2023 21:01 | Y tế
google news

SKĐS - Các chuyên gia y tế trong nước và quốc tế đã cùng thảo luận về các sáng kiến và phương pháp nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống sốt xuất huyết tại Việt Nam. PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì Hội thảo.

Tại hội thảo "Các định hướng và giải pháp nâng cao hiệu quả phòng chống sốt xuất huyết Dengue tại Việt Nam" diễn ra chiều 28/9 tại TP.HCM, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, theo Tổ chức Y tế thế giới, sốt xuất huyết hiện lưu hành ở trên 100 quốc gia với khoảng 2,5 tỷ người sống trong vùng lưu hành bệnh. Hàng năm có khoảng 50 triệu trường hợp mắc bệnh và 500.000 trường hợp phải nhập viện, trong đó 90% trường hợp dưới 15 tuổi. Tỷ lệ tử vong trung bình khoảng 1%, có một số quốc gia tỷ lệ tử vong từ 3-5%. Trong những năm gần đây, số trường hợp mắc và tử vong do sốt xuất huyết ngày càng gia tăng, là gánh nặng về sức khoẻ cộng đồng.

Các chuyên gia y tế họp bàn giải pháp tăng cường phòng chống sốt xuất huyết  - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, sốt xuất huyết diễn biến rất phức tạp và lưu hành ở hầu hết các tỉnh thành phố ở Việt Nam.

Tại Việt Nam, sốt xuất huyết diễn biến rất phức tạp và lưu hành ở hầu hết các tỉnh thành phố, dịch xuất hiện rải rác trong năm và thường đạt đỉnh vào các tháng 7, 8, 9, 10. Trong đó, bệnh lưu hành nặng tại các tỉnh khu vực miền Nam và một số tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên với số trường hợp mắc hàng năm khoảng 100.000 trường hợp và 100 trường hợp tử vong.

Từ đầu năm 2023 đến nay Việt Nam đã ghi nhận 87.719 trường hợp mắc, 24 trường hợp tử vong. Riêng năm 2022, số mắc sốt xuất huyết ghi nhận tại Việt Nam là 372.696 trường hợp mắc, 151 trường hợp tử vong, đây là số mắc sốt xuất huyết ghi nhận cao nhất tại Việt Nam trong lịch sử 36 năm qua.

Để chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết, giảm nhẹ tác động của bệnh đối với sức khoẻ con người, Bộ Y tế luôn đưa nội dung phòng chống sốt xuất huyết là một trong các nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên trong phòng chống dịch bệnh.

 Trong thời gian qua, với sự chủ động, quyết liệt của ngành y tế và sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp, công tác phòng chống sốt xuất huyết đã đạt được hiệu quả nhất định, tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết đã giảm rõ rệt.

Các chuyên gia y tế họp bàn giải pháp tăng cường phòng chống sốt xuất huyết  - Ảnh 2.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, việc nghiên cứu, đưa các biện pháp mới vào công tác phòng chống sốt xuất huyết rất cần được quan tâm.

Tuy nhiên, theo nhận định của Tổ chức Y tế Thế giới, hiện tượng biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino, tốc độ đô thị hóa gia tăng cùng với sự giao thương đi lại giữa các quốc gia nên xu hướng sốt xuất huyết trên thế giới dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng, đặc biệt tại khu vực lưu hành nặng như Châu Mỹ La Tinh và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, hiện nay tại Việt Nam bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu; trong khi đó do sự biến đổi khí hậu, sự đô thị hoá nhanh của các địa phương, tập quán trữ nước trong các lu, khạp của người dân, cùng với việc loại bỏ các vật dụng chứa nước phế thải chưa được thực hiện triệt để nên tạo điều kiện cho muỗi phát triển và truyền bệnh, nguy cơ bùng phát số trường hợp mắc và tử vong là rất lớn.

"Đến nay, trên thế giới vẫn chưa có một mô hình thực sự hiệu quả nào để dự báo chính xác dịch bệnh sốt xuất huyết nhằm tập trung nguồn lực, tiết kiệm và tăng cường hiệu quả phòng chống dịch. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu hiện nay vẫn là diệt bọ gậy/lăng quăng, diệt muỗi. Do vậy việc nghiên cứu, đưa các biện pháp mới vào công tác phòng chống sốt xuất như thả muỗi mang Wolbachia, nghiên cứu và sử dụng hiệu quả vaccine phòng chống sốt xuất huyết rất cần được quan tâm", Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh.

Các chuyên gia y tế họp bàn giải pháp tăng cường phòng chống sốt xuất huyết  - Ảnh 3.

Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia y tế hàng đầu Việt Nam.

Tại hội thảo, các chuyên gia y tế trong nước và quốc tế đã cùng thảo luận về các sáng kiến và phương pháp nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống sốt xuất huyết tại Việt Nam. Đồng thời, các chuyên gia cũng trao đổi để tìm ra những biện pháp can thiệp mới có thể tăng cường quản lý việc lây truyền sốt xuất huyết.

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng - Giám Đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) cho hay, sốt xuất huyết Dengue là mối đe dọa lớn ở Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới do những hậu quả sức khỏe nghiêm trọng mà nó có thể gây ra. Bệnh không chỉ được đặc trưng bởi cơn sốt cao kéo dài trong vài ngày, mà còn có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như sốc giảm thể tích do thất thoát huyết tương, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, tổn thương nặng suy đa tạng... Những biến chứng nặng này diễn tiến rất nhanh có thể dẫn đến tử vong nếu không được chẩn đoán kịp thời và điều trị tích cực.

"Điều quan trọng là cần sự phối hợp chặt chẽ giữa hệ thống điều trị và dự phòng, kết hợp với việc tuyên truyền tư vấn cho người dân về bệnh sốt xuất huyết Dengue để triển khai hiệu quả việc phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết Dengue, giúp giảm số bệnh nhân sốt xuất huyết bằng cách diệt muỗi, diệt lăng quăng; tiêm phòng vaccine phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết Dengue khi có vaccine hiệu quả ngừa sốt xuất huyết Dengue", PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng nói.

Các chuyên gia y tế họp bàn giải pháp tăng cường phòng chống sốt xuất huyết  - Ảnh 4.

Các chuyên gia y tế trong nước và quốc tế cùng thảo luận về các sáng kiến và phương pháp nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống sốt xuất huyết tại Việt Nam.

Bà S.Algela Pratt - Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam khẳng định, việc phòng chống sốt xuất huyết là hết sức quan trọng với Việt Nam và trên thế giới. Bởi lẽ, với 400 triệu ca nhiễm được xác định mỗi năm, số ca sốt xuất huyết mới ngày càng gia tăng trong thập kỷ qua và nhiều khả năng tiếp tục tăng trong tương lai.

Số mắc sốt xuất huyết ghi nhận tại Việt Nam là hơn 360.000 ca và có đến hơn 100 ca tử vong, năm 2022 cao hơn nhiều năm 2021. Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, Việt Nam đã có 24 ca tử vong. Trong khi đó, số ca sốt xuất huyết đang tăng mạnh ở Hà Nội. "Chúng ta cần làm mọi thứ để tăng cường năng lực phòng chống sốt xuất huyết, cần sẵn sàng để đáp ứng hiệu quả khi có dịch bùng phát. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc của cả cộng đồng. Khi dịch xảy ra phải có năng lực y tế tốt, đảm bảo đầy đủ nhân lực, thuốc, sản phẩm y tế điều trị cho bệnh nhân", Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam chia sẻ.

"Do biến đổi khí hậu và quá trình đô thị hóa, dịch sốt xuất huyết bùng phát phức tạp ở Việt Nam đang khiến các chuyên gia gặp khó khăn trong việc dự đoán và lên kế hoạch cũng như áp dụng các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát một cách hiệu quả nhất. Vì vậy, thông qua hội thảo này, các chuyên gia y tế đã có dịp ngồi lại và thảo luận nhằm xác định các chiến lược quản lý tối ưu nhất, trong đó có thêm công cụ mới như một phần của chương trình phòng ngừa và quản lý sốt xuất huyết toàn diện", bà Katharina Geppert - Giám đốc Quốc gia của Takeda tại Việt Nam nói.

Tương tự, ThS.BS Lương Chấn Quang - Phó Trưởng Khoa Kiểm soát Phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur TP HCM cho biết, sốt xuất huyết khác biệt hoàn toàn so với các bệnh truyền nhiễm khác, đe dọa toàn bộ dân số, không phân biệt độ tuổi.

"Chỉ khi cộng đồng y tế và xã hội chung tay hành động, chúng ta mới có thể xây dựng được mô hình kiểm soát dịch mạnh mẽ, toàn diện và có tính bền vững hơn", ThS.BS Lương Chấn Quang nhấn mạnh.

Ngày 28/9, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Công ty TNHH Takeda Pharmaceuticals (Asia Pacific) tổ chức Hội thảo "Các định hướng và giải pháp nâng cao hiệu quả phòng chống Sốt xuất huyết Dengue tại Việt Nam".

Hội thảo đã thu hút sự tham dự của hơn 100 chuyên gia y tế đến từ Bộ Y tế, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), Viện Pasteur TP HCM, Bệnh viện Nhi đồng 1, các bệnh viện và trung tâm tiêm chủng trên toàn quốc.

Các chuyên gia tham dự hội thảo đã cùng nhau chỉ ra sự cần thiết phải có một giải pháp bền vững và lâu dài để phòng ngừa và kiểm soát sốt xuất huyết ở Việt Nam. Điều này đòi hỏi không chỉ các biện pháp lâm sàng và phòng ngừa mà còn cả những nỗ lực và hợp tác công - tư trong việc chống dịch sốt xuất huyết, một vấn đề sức khỏe cộng đồng đang diễn ra trên toàn cầu. Hội thảo này nằm trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Cả nước có hơn 87.000 ca sốt xuất huyết, nhiều trường hợp đến viện đã nặngCả nước có hơn 87.000 ca sốt xuất huyết, nhiều trường hợp đến viện đã nặng

SKĐS - Tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 87.719 trường hợp mắc, 24 trường hợp tử vong. Tại Hà Nội, số ca mắc vẫn trên đà tiếp tục tăng. Tại nhiều bệnh viện, số lượng bệnh nhân nhập viện ở thể nặng, có dấu hiệu cảnh báo cũng tăng theo.


Kim Vân
Ý kiến của bạn