Đây là cảnh báo của các chuyên gia trong Hội nghị thượng đỉnh sốt xuất huyết châu Á lần 7 (7th Asia Dengue Summit 2024) vừa tổ chức tại Malaysia. Sự kiện thu hút hơn 500 chuyên gia ở 20 quốc gia, 13 chuyên đề báo cáo nêu bật những chiến lược nhằm chinh phục mối đe dọa ngày càng tăng của sốt xuất huyết, hướng tới không còn ca tử vong.
70% gánh nặng bệnh tật sốt xuất huyết ở châu Á
Mới đây Tổ chức Thế giới (WHO) cảnh báo gánh nặng sốt xuất huyết trên toàn cầu đang bị đánh giá thấp. Từ năm 2000 đến năm 2019, số người mắc bệnh sốt xuất huyết trên thế giới tăng 10 lần, từ 500.000 lên 5,2 triệu trường hợp, lan rộng 129 quốc gia. Tính đến ngày 30/4, có hơn 7,6 triệu ca sốt xuất huyết được ghi nhận. Trong 5 năm qua, số ca bệnh gia tăng đáng kể ở Mỹ, vượt quá 7 triệu vào cuối tháng 4 - nơi mà bệnh này trước đây không phổ biến. Chính vì thế, năm 2019, WHO xếp sốt xuất huyết là một trong 10 mối đe dọa hàng đầu với sức khỏe toàn cầu.
Tại hội nghị thượng đỉnh năm nay, một lần nữa chuyên gia y tế trong khu vực nhấn mạnh về mối nguy hiểm của loại "virus đen". Bởi 70% gánh nặng bệnh tật sốt xuất huyết ở châu Á. Sở dĩ sốt xuất huyết hoành hành ở nhiều quốc gia là do thay đổi sự phân bố và gia tăng đa dạng các trung gian truyền bệnh (muỗi vằn). Đây còn là hậu quả của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu dẫn đến nhiệt độ tăng, lượng mưa và độ ẩm cao thuận lợi cho muỗi vằn phát triển. Thay đổi về kiểu huyết thanh lưu hành trong một quốc gia ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch của cộng đồng cũng là nguyên nhân.
Chiến lược "zero death" giảm ca tử vong sốt xuất huyết
Dân số càng tăng và quá trình đô thị hóa nhanh chóng, nguy cơ mắc sốt xuất huyết được dự đoán còn cao hơn nữa. Điều này đòi hỏi nỗ lực kiểm soát bệnh bền vững trên toàn cầu. Trước tình trạng này, WHO đề xuất chiến lược "zero death" để quản lý sốt xuất huyết, hướng đến giảm tỷ lệ tử vong bằng 0 vào năm 2030.
Tại châu Á, hội nghị thượng đỉnh cung cấp một nền tảng để các nhà hoạch định chính sách kết nối và học hỏi chiến lược thành công của các quốc gia nhằm đáp ứng mục tiêu "zero death" của WHO. Những tiến bộ nổi bật trong kiểm soát muỗi vằn, các mô hình hóa, vaccine sốt xuất huyết… cung cấp các phương pháp tiếp cận mới để ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả.
Giáo sư Datuk Dr Zulkifli Ismail, Chủ tịch Nhóm Tiếng nói & Hành động Sốt xuất huyết châu Á (ADVA), cho biết: "Tăng cường phát hiện sớm và quản lý lâm sàng là điều cần thiết để giảm tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết, hoàn thành mục tiêu chính".
Với chủ đề "Hướng tới không có ca tử vong do sốt xuất huyết", hội nghị thượng đỉnh năm nay chia sẻ sôi nổi các vấn đề về dịch tễ học, phát triển vaccine phòng bệnh, thuốc kháng virus mới… Giáo sư Lee-Ching Ng, Tiến sĩ Ami Syed Mohamed và Tiến sĩ Eggi Arguni chia sẻ kinh nghiệm sử dụng muỗi Aedes aegypti bị nhiễm vi khuẩn Wolbachia để kiểm soát sốt xuất huyết ở Singapore, Malaysia và Indonesia. Bộ Y tế Malaysia ra mắt cổng thông tin iDengue, cập nhật hàng tuần ca bệnh sốt xuất huyết, tử vong và các điểm nóng. Trước đó hội nghị lần 6 đã khởi xướng chương trình Young ADVA bằng cách thu hút thanh niên tham gia phòng ngừa sốt xuất huyết…
Chuyên gia của các nước đều nhấn mạnh vai trò của miễn dịch bảo vệ trong phòng ngừa và ngăn chặn loại "virus đen" nguy hiểm. Bởi tiêm chủng là một trong những phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất để đạt được mục tiêu "zero death". Hội nghị cũng chia sẻ thách thức về thay đổi dịch tễ học sốt xuất huyết ảnh hưởng đến phát triển vaccine.
Từ gần một thế kỷ trước, các nhà khoa học bắt đầu nghiên cứu vaccine phòng ngừa sốt xuất huyết. Song, virus dengue có 4 chủng là Den-1, 2, 3 và 4. Về lý thuyết, một người mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời, mỗi lần một chủng virus dengue khác nhau và lần sau có nguy cơ nặng hơn. Sự tiến hóa kháng nguyên của virus này là quá trình rất phức tạp cho phép trốn tránh phản ứng miễn dịch của vật chủ, điều chỉnh nguy cơ mắc bệnh trong tương lai và ảnh hưởng đến hiệu quả vaccine. Đây là những khó khăn để phát triển vaccine sốt xuất huyết hiệu quả.
Sau hành trình dài nghiên cứu, vaccine sốt xuất huyết đầu tiên trên thế giới được cấp phép năm 2015 tại Mexico. Hiện nay có hai vaccine ngừa sốt xuất huyết được WHO phê duyệt gồm Dengvaxia (của nhà sản xuất Sanofi) và Qdenga (của nhà sản xuất Takeda). Mới đây nhất, giữa tháng 5, lần đầu tiên Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt vaccine sốt xuất huyết Qdenga.
Trong bối cảnh thế giới thiệt hại hàng tỷ đô, WHO, nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng (SAGE) của WHO khuyến nghị các quốc gia có gánh nặng về bệnh sốt xuất huyết áp dụng thêm biện pháp vaccine.
Cùng với các biện pháp giám sát và kiểm soát muỗi vằn, vaccine an toàn và hiệu quả đóng vai trò quan trọng trong việc giảm gánh nặng sốt xuất huyết xuống còn 0 ca tử vong vào năm 2030. Thành tựu vaccine sốt xuất huyết được các chuyên gia ví là "vũ khí mới đối phó với dịch bệnh", giúp hàng triệu người được bảo vệ hiệu quả, mang đến kỳ vọng về tương lai không còn ca tử vong do "virus đen".
PV