Các chương trình ca nhạc truyền hình thực tế: Ồn ào nhưng thiếu định hướng

02-01-2016 18:55 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Năm 2015 cũng như vài năm trở lại đây, khán giả cả nước đã được theo dõi nhiều cuộc thi ca hát trên sóng truyền hình dành cho mọi lứa tuổi.

Năm 2015 cũng như vài năm trở lại đây, khán giả cả nước đã được theo dõi nhiều cuộc thi ca hát trên sóng truyền hình dành cho mọi lứa tuổi. Cuộc thi này chưa kết thúc thì cuộc thi khác đã khởi động, hoặc nhiều cuộc thi diễn ra cùng lúc. Thế nên công chúng lo ngại có nhiều cuộc thi ca hát như vậy dễ dẫn đến tình trạng “vơ vét” tài năng hoặc không tìm được người có phẩm chất thực thụ để đăng quang xứng đáng và phát triển lên tầm “ngôi sao”.

Không khó để thấy, rất nhiều chương trình, cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc với nhiều tên gọi khác nhau và được khán giả quan tâm theo dõi như: Giọng hát Việt, Nhân tố bí ẩn, Thần tượng âm nhạc Việt Nam, Học viện ngôi sao, Tuổi 20 hát, Song ca cùng Bolero, Tiếng hát mãi xanh, Cặp đôi hoàn hảo, Đố ai hát được, Tôi là người chiến thắng, Tiếng ca học đường, Ngôi nhà âm nhạc, Ngôi sao tiếng hát truyền hình, Chuông vàng vọng cổ truyền hình, Sao Mai,... Những cuộc thi ca nhạc kể trên thường được trình chiếu hoặc phát sóng trực tiếp trên truyền hình vào dịp cuối tuần và vào “khung giờ vàng” nên cũng tạo ra sự khó khăn cho việc theo dõi, chọn kênh của khán giả, hay gọi cách khác là người xem bị “bội thực”.

Mỗi cuộc thi có một quán quân lên ngôi nhưng sau đó rất khó tỏa sáng (ảnh minh họa).

Thực ra, việc có nhiều chương trình, cuộc thi tài năng âm nhạc kể trên cũng là điều tốt. Trước hết, sự đa dạng và phong phú ở các cuộc thi sẽ đáp ứng được nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, âm nhạc của số đông khán giả truyền hình cả nước. Bên cạnh đó, nhiều cuộc thi trở thành sân chơi lành mạnh, tạo ra cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm cũng như bản lĩnh cho những tài năng âm nhạc đang lẩn khuất trong đời sống bước lên một sân khấu lớn để khẳng định bản thân, theo đuổi đến cùng niềm đam mê ca hát. Điều này cũng có nghĩa, nhiều cuộc thi âm nhạc như một bệ phóng cho các bạn trẻ hoặc những ai có niềm đam mê, nếu chứng tỏ được tài năng trước các thành viên ban giám khảo và công chúng sẽ được mài dũa, tôi luyện để trở thành nghệ sĩ đích thực, có những đóng góp cho làng nhạc nước nhà. Tuy nhiên, việc có quá nhiều cuộc thi ca nhạc cũng dẫn tới tình trạng vơ vét người có tài năng, mất dần bản sắc chương trình và thậm chí dù cuộc thi nào cũng đã tìm ra người thắng cuộc, song không phải ai cũng tỏa sáng.

Một số cuộc thi ca hát hiện nay như Giọng hát Việt, Thần tượng âm nhạc Việt Nam, Học viện ngôi sao, Tuổi 20 hát... đôi khi lại có kịch bản tương đồng: các thí sinh phải trải qua nhiều vòng thi, được giới nghệ sĩ có chuyên môn đánh giá lẫn tư vấn về âm nhạc, phong cách biểu diễn. Trong khi đó, người chiến thắng ở một số cuộc thi lại được chấm chọn bởi... số lượng bầu chọn bằng tin nhắn của khán giả thay vì phần quyết định thuộc về người có chuyên môn. Tại Thần tượng âm nhạc Việt Nam, nhiều người đã từng kỳ vọng vào một số tài năng trẻ là thí sinh tham gia cuộc thi như Đăng Khoa, Duyên Anh, Đinh Ứng Phi Trường, Anh Quân, Minh Thùy, ... nhưng chẳng mấy ai thấy các bạn trẻ này xuất hiện trên các sân khấu âm nhạc lớn sau khi rời cuộc chơi. Thậm chí, trường hợp của Ya Suy - Quán quân Thần tượng âm nhạc Việt Nam 2012, từ lúc đăng quang đến nay không để lại bất cứ dấu ấn nào. Có lẽ do tình trạng bão hòa và xuất hiện với mật độ dày đặc của các cuộc thi ca hát trên sóng truyền hình nên đang vơi cạn tài năng thực thụ, bởi lẽ giờ đây những người chiến thắng gần đây như Nhật Thủy, Vũ Thảo My... cũng ngày càng mờ nhạt, ít có hoạt động được công chúng biết tới. Bây giờ, với mỗi khi cuộc thi ca hát, công chúng lại thường ít để ý đến thí sinh là những ai và họ làm được gì, đôi khi khán giả quan tâm đến giám khảo gồm những ca sĩ - nghệ sĩ nào và họ mặc gì, phát ngôn ra sao khi ngồi trên vị trí “ghế nóng”.

Do mở ra nhiều cuộc thi ca hát nên lại dẫn tới câu chuyện “đùa như thật”. Ấy là việc, khán giả đã từng bắt gặp không ít gương mặt đã đi hát nhiều năm nhưng chưa tạo được tên tuổi, chỗ đứng cứ “nhảy” từ cuộc thi này sang cuộc thi khác. Đã rất nhiều lần, khán giả thấy ở giải Sao Mai, Thần tượng âm nhạc đến Giọng hát Việt, những cái tên như Thái Trinh, Trọng Khương, Đinh Hương, Trúc Nhân, Tiêu Châu Như Quỳnh, Bùi Anh Tuấn, Dương Hoàng Yến, Yến Lê... đều tham gia. Điều này phản ánh sự cạn kiệt về nguồn tài năng, nếu không là thế thì các cuộc thi phải có thí sinh mới với giọng hát tốt, chất lượng tham gia chứ chẳng bao giờ để dẫn tới tình trạng người cũ “chạy show” đi thi như đã từng.

Cạn kiệt nguồn tài năng bởi có quá nhiều cuộc thi ca hát trên truyền hình hiện nay là thực tế ai cũng nhận thấy. Còn việc những quán quân, á quân hoặc thí sinh lọt top bước ra khỏi cuộc thi ca hát thường “im hơi lặng tiếng” cũng có nhiều nguyên nhân không phải ai cũng biết. Trong cuộc thi, các thí sinh luôn nhận được sự hỗ trợ đắc lực của cả một ê-kíp sản xuất nhạc, người định hướng phong cách chuyên môn. Trong một cuộc chơi, thí sinh còn “hot” thì luôn được nhà sản xuất bỏ chi phí hỗ trợ, nhưng khi nhận thấy có thể “thải” được rồi thì cũng là lúc nhà sản xuất từ bỏ trách nhiệm nâng đỡ hay hỗ trợ và nhà sản xuất lại đi tìm kiếm những gương mặt mới. Còn với ban giám khảo là những nghệ sĩ, đôi khi họ vẫn có lời hứa hẹn với thí sinh, nhưng sau rồi cũng chẳng biết lời hứa ấy đi về đâu.

Sự nở rộ của các cuộc thi ca hát trên truyền hình sẽ làm phong phú đời sống văn hóa của khán giả và xuất hiện một vài gương mặt mới thật sự có tài năng, nhưng cứ liên tục mở ra các cuộc thi như hiện nay thì rõ ràng bất ổn. “Nhân tài như lá mùa thu” nên có lẽ chúng ta cũng cần phải biết cách tiết chế, tổ chức các cuộc thi ca hát có chọn lọc và khoa học. Nếu chỉ nghiêng về số lượng thì hãy cứ buồn về chất lượng thí sinh tham gia ngày càng ít, giảm sút chuyên môn là điều khó tránh khỏi...


Hoàng Anh
Ý kiến của bạn