Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, hiện vẫn chưa phát hiện có sự biến đổi về gen và các týp vi rút sởi lưu hành tại Việt Nam, không có thay đổi về độc lực của các chủng vi rút sởi.
Chiều 8/4, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp trực tuyến với Viện Vệ sinh dịch tễ và Pasteur 5 khu vực trong cả nước về các biện pháp phòng chống dịch bệnh sởi đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương. Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm đến nay trên địa bàn cả nước đã ghi nhận 6.611 trường hợp sốt phát ban trong đó có 2.492 trường hợp được chẩn đoán xác định mắc bệnh sởi (bao gồm các trường hợp xét nghiệm dương tính và xác định dịch tễ học).
Đến cuối tháng 3/2014 có 25 trường hợp tử vong do sởi, biến chứng của sởi được báo cáo. Các trường hợp tử vong do viêm phổi liên quan đến sởi hoặc biến chứng viêm phổi sau mắc sởi. Trong số đó có khoảng 28% là trẻ dưới 9 tháng tuổi (tức là chưa đủ tuổi tiêm vắc xin sởi theo quy định của Bộ Y tế).
Đa số bệnh nhân mắc sởi đều không được tiêm chủng hoặc không rõ về tình trạng tiêm chủng (87,6%). Chỉ có rất ít trẻ đã tiêm vắc xin đủ mũi bị mắc bệnh (chiếm khoảng 4,2%).
Tiêm sởi bổ sung cho trẻ tại Yên Bái. Ảnh: CTV
Tại nhiều tỉnh, thành phố thuộc khu vực đồng bằng nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao dịch xảy ra rải rác, điều này cho thấy việc tiêm vắc xin phòng bệnh sởi đã đạt được hiệu quả tốt tạo được nền miễn dịch cao trong cộng đồng.
Các trường hợp tử vong ở trẻ nhỏ mắc sởi phần lớn là do đồng nhiễm các vi rút khác hoặc có bệnh lý khác nhưng mắc thêm sởi, trong đó nguyên nhân tử vong chủ yếu là viêm phổi sau sởi liên quan đến giai đoạn chuyển mùa đông - xuân, khí hậu ở phía Bắc lạnh và ẩm các bệnh đường hô hấp phát triển mạnh trong khi đó nhiều bệnh viêm đường hô hấp cấp tính hoặc viêm phổi do vi rút, vi khuẩn hiện nay cũng không xác định được nguyên nhân. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy bệnh viêm phổi là nguyên nhân cao nhất gây tử vong cho trẻ em dưới 5 tuổi với khoảng 1,1 triệu trẻ tử vong hàng năm.
Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây ra. Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp do hít phải các dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bắn ra được khuếch tán trong không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân. Bệnh sởi có khả năng lây nhiễm rất cao, đặc biệt đối với trẻ chưa có miễn dịch với vi rút sởi. Việc phòng bệnh sởi theo biện pháp thông thường là rất khó khăn, tiêm vắc xin sởi là biện pháp hiệu quả nhất phòng bệnh sởi.
Để ứng phó với dịch bệnh sởi, ngay từ đầu năm Bộ Y tế đã quyết liệt chỉ đạo, kịp thời tham mưu Thủ tướng Chính phủ tổ chức Hội nghị tăng cường công tác phòng chống dịch sởi ngày 23/2/2014 với sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, đại diện các Bộ, ngành liên quan và UBND 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Ngay sau Hội nghị, Bộ Y tế đã thành lập 5 đoàn công tác kiểm tra việc triển khai kế hoạch tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi và tiêm vét vắc xin sởi do Bộ Y tế ban hành tại các địa phương.
Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành y tế triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch trong đó tập trung vào việc tăng cường giám sát để phát hiện, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch và tổ chức tiêm chủng phòng dịch. Đặc biệt trong công tác điều trị làm tốt việc phân tuyến hạn chế chuyển bệnh nhân lên tuyến trên tránh việc quá tải và lây lan bệnh dịch. Tổ chức tập huấn cho cán bộ nâng cao năng lực về điều trị. Tổ chức tuyên truyền cho người dân đưa trẻ có biểu hiện bệnh đến các cơ sở y tế để được khám, điều trị.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã có văn bản gửi Chính phủ đề nghị xuất máy thở từ nguồn dự trữ quốc gia cho bệnh viện, đồng thời cấp bổ sung kinh phí phòng chống dịch bệnh sởi.
Tại các địa phương cũng đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch sởi, đặc biệt ở các tỉnh có ổ dịch đã tổ chức tiêm vắc xin cho các đối tượng có nguy cơ cao theo chỉ định của cơ quan y tế với 92,7% số trẻ được tiêm phòng.
Tính chung cả nước có khoảng 710.000 trẻ (trong đó bao gồm 300.000 trẻ 9 tháng tuổi tiêm chủng thường xuyên tháng 3-4/2014, riêng thành phố Hồ Chí Minh thực hiện tiêm vét cho trẻ 9 tháng đến 3 tuổi) được tiêm phòng chống dịch và tiêm vét vắc xin sởi. 53 tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm vét trong tháng 3, trong đó có 41 tỉnh đã có báo cáo ban đầu với 222.000/504.000 trẻ được tiêm vét vắc xin sởi đạt tỷ lệ 44%. Các tỉnh sẽ tiếp tục triển khai và hoàn thành tiêm vét trong tháng 4/2014.
Theo nhận định của Bộ Y tế, dịch bệnh sởi hiện nay có số mắc thấp hơn so với vụ dịch năm 2009-2010 và đang có dấu hiệu giảm dần so với đầu năm 2014, đặc biệt sau khi các tỉnh, thành phố triển khai tiêm vét vắc xin sởi và triển khai các biện pháp phòng chống. Các chuyêngia cũng nhận định, bệnh sởi sẽ được kiểm soát trong một vài tháng tới.
Nhằm tăng cường triển khai các hoạt động phòng chống dịch sởi, quyết tâm kiểm soát tốt dịch bệnh sởi trong thời gian sớm nhất trên phạm vi cả nước, Bộ Y tế yêu cầu các Viện, Bệnh viện, các đơn vị thuộc Bộ Y tế phối hợp với các địa phương đẩy mạnh các hoạt động phòng chống dịch sởi trong thời gian tới. Tập trung vào việc triển khai tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi và tiêm vét vắc xin sởi. Rà soát, đôn đốc các đối tượng tiêm, tránh bỏ sót đối tượng tiêm chủng, đảm bảo an toàn tiêm chủng theo các quy định.
Tăng cường đưa các thông điệp phòng chống bệnh sởi và các dịch bệnh khác trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đẩy mạnh công tác truyền thông trực tiếp tại cộng đồng thông qua hệ thống các tổ chức chính trị, xã hội và các đoàn thể. Tăng cường tuyên truyền tới các bậc phụ huynh hiểu rõ tầm quan trọng của việc triển khai tiêm chủng các loại vắc xin phòng bệnh và đưa con em mình đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch đặc biệt là tiêm vắc xin phòng bệnh sởi. Bổ sung kinh phí, nhân lực, trang thiết bị, vật tư bằng các nguồn kinh phí dự phòng, nguồn của các địa phương để tiếp tục triển khai mạnh mẽ các hoạt động phòng chống dịch, đặc biệt là kế hoạch tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi và tiêm vét vắc xin sởi an toàn, hiệu quả.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, trang thiết bị, bảo đảm đủ cơ số thuốc phục vụ công tác điều trị bệnh nhân, đặc biệt là Bệnh viện sản, nhi và Khoa nhi bệnh viện đa khoa, hạn chế việc chuyển viện các trường hợp nằm trong khả năng xử lý về chuyên môn để tránh lây lan dịch bệnh, thực hiện tốt việc phòng chống lây nhiễm tại các cơ sở điều trị.
Theo báo cáo của Tổ chức y tế thế giới, trong giai đoạn 2000-2012, nhờ có vắc xin đã cứu sống cho 13,8 triệu trẻ em trên thế giới. Tuy nhiên, sởi vẫn là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em, mỗi một giờ trôi qua trên toàn cầu có 14 trẻ tử vong do sởi.
Từ cuối năm 2013 và đầu năm 2014, trên thế giới đã ghi nhận 181.813 trường hợp mắc sởi, tập trung tại các khu vực Châu Phi (78.922 trường hợp), Tây Thái Bình Dương (37.989 trường hợp), Châu Âu (31.726 trường hợp). Riêng năm 2013, khu vực Tây Thái Bình Dương ghi nhận số mắc sởi cao gấp 3 lần so với năm 2012, đặc biệt tăng cao tại Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines và Myanmar.
Hạ Hiền