Các chợ thương mại điện tử: Sân chơi lớn cho hàng giả, hàng nhái

20-02-2019 14:08 | Xã hội
google news

SKĐS - Có một thực tế thật đáng lo ngại là càng ngày, cụm từ “hàng fake 1, fake 2” đã trở thành tên gọi của một thứ “hàng hiệu nhái” một cách hết sức… đàng hoàng.

Buồn thay, kể từ khi các sản phẩm nhái loại 1, nhái loại 2 này tìm ra một tên gọi rất Tây, chúng đã dễ dàng đánh lừa tâm lý khách mua và ngang nhiên được đính vào các mẩu quảng cáo cho những loại hàng nhái thương hiệu nổi tiếng. Điều đáng lo ngại là khi các mặt hàng F1, F2 này càng phổ biến thì chính là lúc chúng đang tiếp tay cho việc phổ biến vi phạm đạo đức kinh doanh và quyền sở hữu trí tuệ...

Hàng hiệu giá bình dân

Theo thống kê chưa đầy đủ, Việt Nam có khoảng hơn 20.000 trang web thương mại điện tử (TMĐT) bán hàng và gần 900 trang web cung cấp dịch vụ thương mại điện tử được ngành chức năng xét duyệt, cho phép hoạt động. Với số lượng lớn như vậy, cùng với ưu điểm nhanh chóng, tiện lợi, thương mại điện tử ngày càng được nhiều người sử dụng. Thời gian gần đây, nạn hàng giả, hàng nhái được giới thiệu, giao dịch trên các sàn thương mại điện tử, các website mua bán trực tuyến hay thậm chí là các diễn đàn online đang gia tăng một cách chóng mặt.

Các mẫu giày dập thương hiệu nổi tiếng được đăng bán công khai với giá chỉ vài trăm ngàn đồng.

Các mẫu giày dập thương hiệu nổi tiếng được đăng bán công khai với giá chỉ vài trăm ngàn đồng.

Tại nhiều chợ online, giày nam nữ được giới thiệu chính hãng Adidas nhưng giá chỉ từ hơn 100.000 - 400.000 đồng/đôi, trong khi giá chính hãng phải cả triệu đồng. Các loại mỹ phẩm, đồ điện tử cũng được bán giá rất rẻ từ 10.000 đồng đến vài trăm ngàn đồng. Ví dụ như đồng hồ nhái kiểu dáng Smart watch của hãng Apple có giá chưa tới 30.000 đồng/chiếc. Có vô vàn sản phẩm balô, túi xách, nước hoa, đồ gia dụng, đồ điện tử nhái na ná kiểu dáng của các hãng lớn được bán với giá rẻ bất ngờ.

Cách đây chưa lâu, hãng mỹ phẩm L’Oréal của Pháp đã phát hiện một số trang web rao bán các sản phẩm mang nhãn hiệu của mình với giá rẻ bất ngờ, chỉ vài trăm ngàn đồng, tức là chưa đến 1/10 so với giá hàng chính hãng. Một số hãng khác như Chanel, Versace, Louis Vuitton... cũng cho biết tình trạng hàng giả, nhái thương hiệu của mình được rao bán với giá chỉ từ vài trăm ngàn đồng đang ngày càng tăng lên. Phổ biến nhất là các thương hiệu may mặc, thời trang như Adidas, Nike, Gucci...

Đáng chú ý, chỉ trong một thời gian ngắn, ngành chức năng đã phát hiện hàng chục nghìn trường hợp nhà cung cấp bán hàng giả, hàng kém chất lượng trên các khu chợ điện tử được cho là lớn nhất Việt Nam.

Ghi nhận của BCĐ 389 Quốc gia về Chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại cho thấy nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng phương thức thương mại điện tử để thực hiện các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, cung cấp thông tin sai lệch để lừa dối người tiêu dùng, lợi dụng phương thức này để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các tổ chức, cá nhân khác.

Hàng giả, hàng nhái không chỉ tràn lan trên các sàn thương mại điện tử lớn, có tiếng mà đặc biệt khó kiểm soát đối với những sàn thương mại điện tử nhỏ hơn hoặc các cá nhân, hộ kinh doanh chuyên bán hàng qua mạng xã hội mà nhiều nhất là trên Facebook.

Sẽ siết chặt quản lý

Theo quy định tại Thông tư 47/2014 của Bộ Công Thương, chủ sàn giao dịch thương mại điện tử phải có trách nhiệm ngăn chặn và loại bỏ khỏi website những thông tin bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật khác khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh.

Phân tích về tình trạng hàng giả, hàng nhái không được kiểm soát trên các trang TMĐT, nhiều chuyên gia cho rằng việc để xuất hiện các sản phẩm kém chất lượng trên các trang TMĐT thuộc trách nhiệm và chính sách các sàn. Các sàn phải có cơ chế kiểm tra, xác thực những người đăng bán hàng hóa trên trang của mình. Chủ quản các trang TMĐT cần có bộ máy, con người đi kiểm tra một cách nghiêm túc, xem những hàng đó có đúng như đăng bán không, có bị hàng giả, nhái hay không. Cơ quan quản lý cần tham gia quản lý những mặt hàng bán trên TMĐT giống như việc bán ở các cửa hàng truyền thống. Hiện nay, các trang TMĐT mới có cơ chế đánh giá phản hồi theo kiểu chất lượng bao nhiêu ngôi sao, càng nhiều sao, giao dịch càng lâu thì được đánh giá là tốt, ranking cao chứ chưa có kiểm soát về chất lượng hàng hóa.

Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, sắp tới, Tổng cục sẽ tham mưu đề xuất sửa đổi Nghị định số 185 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với hướng gia tăng mức hình phạt để đủ sức răn đe.

Nếu nói rằng hàng hiệu nhái/giả tràn lan chợ mạng, giết chết các thương hiệu và nhà sản xuất chân chính, có lẽ cũng chưa đủ mà còn hại cả người tiêu dùng khi tiền mất nhưng món hàng thì kém chất lượng. Đặc biệt, đối với những loại hàng hóa về chăm sóc sức khỏe, có thể còn gây ra hệ lụy khó lường.

Với tổng doanh thu 2,26 tỷ USD, số lượng khách hàng mua sắm trên trang TMĐT đã đạt 49,8 triệu người. Nhờ đó, ngành TMĐT Việt Nam lọt tốp 6 trong 10 thị trường TMĐT lớn nhất thế giới năm 2018. Tiếp đà tăng trưởng mạnh mẽ đó, dự báo năm 2019 sẽ là năm sôi động cho toàn ngành TMĐT Việt Nam. Tuy nhiên, điều này có đạt được hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào những thay đổi trong quản lý, đặc biệt trong việc giám sát chất lượng hàng hóa bán trên các sàn.


Hoàng An
Ý kiến của bạn