Các chính sách cơ bản trong Dự án Luật Dân số là những vấn đề trọng tâm của công tác dân số trong tình hình mới

25-08-2024 06:32 | Y tế
google news

SKĐS - TS. Phạm Minh Sơn, Trưởng phòng Pháp chế - Thanh tra, Cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết, các chính sách cơ bản trong Dự án Luật Dân số là những vấn đề trọng tâm của công tác dân số trong tình hình mới.

Chia sẻ tại hội thảo “Góp ý, hoàn thiện chính sách trong Luật Dân số và gợi ý chính sách chuyển đổi nhân khẩu học của các nền kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương” do Cục Dân số - Bộ Y tế phối hợp với Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - Asean tổ chức, TS. Phạm Minh Sơn, Trưởng phòng Pháp chế - Thanh tra, Cục Dân số (Bộ Y tế) nhấn mạnh: Mục đích xây dựng Luật Dân số nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ; góp phần thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về công tác dân số; khắc phục các hạn chế, tồn tại; đáp ứng yêu cầu công tác dân số trong tình hình mới.

Quan điểm của Luật Dân số, một là, góp phần thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về công tác dân số trong tình hình mới, đặc biệt là quan điểm chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển.

Hai là, các quy định của Hiến pháp; tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành; sự tương thích với các điều ước quốc tế liên quan đến dân số mà Việt Nam là thành viên là các nguyên tắc, căn cứ quan trọng khi xây dựng Luật.

Ba là, bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền cơ bản của công dân; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực dân số và phát triển; bảo đảm bình đẳng giới.

Bốn là, bảo đảm nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý công tác dân số; cân bằng, hài hòa giữa quyền và nghĩa vụ của cá nhân, gia đình với lợi ích của cộng đồng, xã hội và quốc gia.

Năm là, khắc phục các hạn chế, bất cập; kế thừa các quy định còn hiệu quả của Pháp lệnh Dân số; bảo đảm tính khả thi.

Các chính sách cơ bản trong Dự án Luật Dân số là những vấn đề trọng tâm của công tác dân số trong tình hình mới- Ảnh 1.

Hội thảo “Góp ý, hoàn thiện chính sách trong Luật Dân số và gợi ý chính sách chuyển đổi nhân khẩu học của các nền kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương” tháng 8/2024. Ảnh: N.Mai

6 chính sách nổi bật được đề xuất trong xây dựng Luật Dân số

Theo TS Phạm Minh Sơn, các chính sách cơ bản trong Dự án Luật Dân số là những vấn đề trọng tâm của công tác dân số trong tình hình mới, bao gồm: 

  1. Chính sách "Duy trì mức sinh thay thế"; 
  2. Chính sách "Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên";
  3. Chính sách "Thích ứng với già hóa dân số, dân số già"; 
  4. Chính sách "Phân bố dân số hợp lý"; 
  5. Chính sách "Nâng cao sức khỏe dân số";
  6. Chính sách "Lồng ghép các yếu tố dân số trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội".

(1) Chính sách 1: Duy trì mức sinh thay thế

* Mục tiêu của chính sách

Xây dựng các biện pháp duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con) trên phạm vi cả nước; quy định quyền, nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con, bảo đảm quyền con người trong thực hiện chính sách dân số; khắc phục tình trạng chênh lệch đáng kể mức sinh giữa các vùng, đối tượng; góp phần thích ứng với già hoá dân số, dân số già; đáp ứng nguồn nhân lực để phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển đất nước bền vững.

* Nội dung chính sách

- Quy định các biện pháp để duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước thông qua việc điều chỉnh mức sinh phù hợp với từng vùng, đối tượng, điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của cả nước, từng tỉnh, thành phố.

- Quy định quyền của cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con, thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh; đồng thời quy định nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con.

(2) Chính sách 2: Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên

* Mục tiêu của chính sách

Xây dựng các giải pháp khống chế, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, tiến tới đưa tỉ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên, góp phần khắc phục những hệ luỵ về xã hội và nhân khẩu học do tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh gây ra, thúc đẩy bình đẳng giới.

* Nội dung chính sách

Tuyên truyền vận động, truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, không lựa chọn giới tính thai nhi; quy định các biện pháp can thiệp vào nguyên nhân gốc rễ là sự ưa thích sinh con trai, quan niệm về việc mong muốn có con trai để nối dõi tông đường; hỗ trợ nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái; sửa đổi, tăng các chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm; thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; thực hiện có hiệu quả các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới.

(3) Chính sách 3: Thích ứng với già hóa dân số, dân số già

* Mục tiêu của chính sách

Xây dựng các giải pháp thích ứng quá trình già hoá dân số, dân số già; đáp ứng nhu cầu cơ bản về chăm sóc người cao tuổi và một số nhu cầu cơ bản của người cao tuổi ngày càng tăng nhanh.

* Nội dung chính sách

- Tuyên truyền vận động, truyền thông, giáo dục về thích ứng với già hóa dân số, dân số già.

- Nhà nước có chính sách phát triển các loại hình bảo hiểm cho người cao tuổi; tăng cường hệ thống bảo trợ xã hội cùng với tăng tưởng kinh tế; tăng cường dịch vụ y tế và mở rộng các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi; phát triển ngành lão khoa, viện dưỡng lão, cơ sở chăm sóc ban ngày kết hợp chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại gia đình, cộng đồng; khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư, đóng góp nguồn lực xây dựng cơ sở chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi.

- Xây dựng, ban hành quy trình, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về chăm sóc sức khoẻ, chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi; xây dựng hệ thống chăm sóc dài hạn người cao tuổi; xây dựng các chương trình, dự án đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động trước khi là người cao tuổi; ban hành, bổ sung, sửa đổi chính sách khuyến khích sản xuất một số loại sản phẩm, cung ứng dịch vụ xã hội cho người cao tuổi; chính sách khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ người cao tuổi tìm kiếm việc làm và sử dụng người lao động cao tuổi; tổ chức, doanh nghiệp thành lập cơ sở chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi; xây dựng, tạo môi trường làm việc thân thiện với người cao tuổi.

- Lồng ghép các nội dung biện pháp thích ứng với già hóa dân số, dân số già vào kế hoạch của quốc gia, bộ, ngành, cơ quan, tổ chức và địa phương; lồng ghép nội dung thích ứng với già hóa dân số, dân số già khi xây dựng và thực hiện chương trình, dự án về cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội. Tổ chức nghiên cứu phát triển và ứng dụng những thành tựu khoa học để thích ứng với già hóa dân số, dân số già. Thực hiện các chương trình, dự án đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động trước khi là người cao tuổi; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực về chăm sóc dài hạn người cao tuổi.

- Quy định trách nhiệm của Nhà nước; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về dân số, cơ quan, tổ chức có liên quan; trách nhiệm của người lao động.

Các chính sách cơ bản trong Dự án Luật Dân số là những vấn đề trọng tâm của công tác dân số trong tình hình mới- Ảnh 3.

Duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước. Ảnh minh họa.

(4) Chính sách 4: Phân bố dân cư hợp lý

* Mục tiêu của chính sách

Xây dựng các giải pháp phân bố dân cư hợp lý nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững tài nguyên, thiên nhiên gắn với công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường.

Thực hiện quyền tự do đi lại, cư trú theo quy định của pháp luật Việt Nam và cam kết quốc tế của Việt Nam về di cư, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế để bảo đảm phân bố dân số hợp lý, bảo vệ môi trường sinh thái; tạo điều kiện thuận lợi cho người di cư tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, thông tin truyền thông, nước sạch…; thu hút, tạo điều kiện cho người dân sinh sống ổn định, lâu dài ở các khu vực khó khăn, trọng yếu về an ninh, quốc phòng.

* Nội dung chính sách

Nhà nước thực hiện việc phân bố dân số hợp lý giữa khu vực nông thôn, đô thị, vùng địa lý kinh tế, các đơn vị hành chính; thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững tài nguyên, thiên nhiên gắn với công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường.

Quy định các biện pháp điều chỉnh phân bố dân số hợp lý; phân bố dân số nông thôn, đô thị, vùng thiên tai do tác động của biến đổi khí hậu, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo (địa bàn có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh), vùng dân di cư tự do, khu rừng phòng hộ, đặc dụng; di cư trong nước và di cư quốc tế.

(5) Chính sách 5: Nâng cao sức khỏe dân số

* Mục tiêu của chính sách

Xây dựng các giải pháp nâng cao sức khỏe dân số thông qua một số biện pháp chăm sóc sức khoẻ, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, đáp ứng nguồn nhân lực để phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển đất nước bền vững.

* Nội dung chính sách

Quy định các biện pháp thực hiện tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn, sinh con; tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh; ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; chăm sóc người mẹ trong quá trình mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ; xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại cộng đồng.

(6) Chính sách 6: Lồng ghép các yếu tố dân số trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

* Mục tiêu của chính sách

Tạo cơ sở pháp lý để lồng ghép các yếu tố dân số trong xây dựng, thực hiện các chiến lược, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội; huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế, xã hội, phát triển bền vững của đất nước.

* Nội dung chính sách

Quy định nội dung cơ bản để thực hiện lồng ghép các yếu tố dân số trong các chiến lược, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong xây dựng, thực hiện lồng ghép các yếu tố dân số vào các chiến lược, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội. Đối với việc lồng ghép dân số vào quy hoạch thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

Các chuyên gia cho rằng, Luật Dân số sẽ giúp ứng phó với tốc độ già hoá dân số nhanh trong thời gian tới, tận dụng hiệu quả lợi thế của thời kỳ cơ cấu dân số vàng phục vụ sự phát triển bền vững của đất nước, hướng đến năm 2045 Việt Nam là nước có dân số chất lượng tốt, lực lượng lao động đông đảo, thu nhập cao... nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Nhiều ý kiến của các đại biểu trong nước và quốc tế đã chia sẻ những kinh nghiệm, bài học từ những quốc gia khác đã thành công trong việc xây dựng, thực thi các chính sách dân số. Bên cạnh đó, đưa ra những góp ý về các chính sách trong dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Dân số Việt Nam, góp phần hoàn thiện dự án Luật này để trình các cấp có thẩm quyền trong thời gian tới.


M.Đức
Ý kiến của bạn