Một trong những căn bệnh cố hữu của xã hội phát triển là tăng cholesterol máu. Việc sử dụng các thuốc hạ cholesterol là một điều cần thiết. Vậy làm thế nào để tăng hiệu quả khi sử dụng các thuốc này?
Tập thể dục
Tập thể dục là một hoạt động đơn giản nhất mà chúng ta có thể thực hiện được. Tập thể dục sẽ làm cơ thể vận động, giúp cơ thể tiêu thụ năng lượng và tiêu thụ mỡ thừa. Nghiên cứu đã chứng minh mối liên quan giữa tập thể dục và nồng độ cholesterol trong máu, trong đó thể dục giúp làm giảm nồng độ của chất được gắn cho cái tên là nguy cơ của bệnh lý tim mạch.
Quay trở lại vấn đề dùng thuốc hạ cholesterol, mục đích của thuốc này nhằm đưa cholesterol trở về giá trị bình thường. Như vậy, nếu trong quá trình uống thuốc mà kết hợp thêm với tập thể dục thì sẽ làm tăng hiệu quả điều trị của nhóm thuốc này. Không những thế, chúng ta còn có thể tiến tới giảm thuốc và ngừng sử dụng thuốc khi nồng độ cholesterol trở về bình thường.
Ăn giảm mỡ động vật
Ăn giảm mỡ là một công việc tiếp theo nên thực hiện khi uống thuốc hạ cholesterol. Thực tế, đa phần những thực phẩm giàu mỡ thì lại giàu cholesterol. Bổ sung những thực phẩm này vào thì chẳng khác nào trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Một bên là ra sức hạ cholesterol, còn một bên lại táng tống cholesterol vào làm cho chất này tăng lên.
Vì thế, nếu người bệnh đang sử dụng thuốc hạ cholesterol không nên sử dụng những thực phẩm nhiều béo, nhất là béo động vật như thịt mỡ lợn, thịt mỡ gà công nghiệp, lòng đỏ trứng, phủ tạng động vật...
Cholesterol được hấp thụ từ thức ăn, đồng thời cơ thể (gan) cũng sản sinh ra cholesterol. |
Bổ sung dầu cá và thực phẩm giàu axit béo chưa no
Nếu như trên chúng tôi khuyên bạn hạn chế sử dụng những thực phẩm giàu béo động vật thì ở đây chúng tôi lại khuyên bạn nên tăng cường sử dụng những dầu cá và thực phẩm giàu chất béo chưa no.
Dầu cá là một loại thuốc bổ sung vitamin A và D. Các thực phẩm chứa chất béo chưa no đa phần là các chất béo thực vật. Chúng tôi khuyên nên sử dụng những chất này là vì hai lý do: Một là, những thực phẩm này đều không có hoặc có rất ít cholesterol. Vì thế mà khi bổ sung vào chúng không làm tăng nồng độ cholesterol. Hai là, người ta đã chứng minh một hiệu quả hợp đồng phối hợp rõ ràng giữa những thực phẩm này và thuốc hạ cholesterol điển hình là simvastatin.
Nếu như sử dụng thuốc hạ cholesterol đơn thuần thì mức độ cải thiện bệnh không tốt hơn so với khi dùng kết hợp thực phẩm. Trong một số công trình kiểm chứng, người ta thấy lợi ích của dầu cá, những thực phẩm giàu axit béo chưa no và thuốc hạ cholesterol. Cụ thể, nếu dùng dầu cá và thực phẩm kết hợp với thuốc thì chúng ta không những hạ được cholesterol xuống nhiều hơn mà còn làm cải thiện những chỉ số khác được coi là dấu hiệu hồi phục bệnh. Hai chỉ số thay đổi nhiều nhất là hạ triglycerid và nâng cao nồng độ cholesterol tốt (được gọi là HDL). Vì vậy, nên xem xét bổ sung dầu cá, đậu đỗ, vừng, lạc trong bữa ăn.
Tránh rượu
Nếu như nói tới một thứ cần tránh nhất khi dùng thuốc hạ cholesterol thì xin chỉ ra luôn là rượu. Rượu đã không giúp gì được cho việc hạ cholesterol mà còn làm cho tình hình rắc rối thêm.
Người ta đã chỉ ra rượu làm tăng các tác dụng phụ của thuốc. Một số tác dụng phụ hay gặp như đau đầu, buồn nôn, nôn, đau cơ do dùng thuốc kéo dài thì nay đã bị khuếch đại lên bởi rượu. Chỉ cần uống thuốc cùng với rượu 1 tuần thì các triệu chứng đã sớm xuất hiện chứ không cần đợi đến 3-4 tuần như cũ.
Không những thế, rượu còn làm viêm gan, gan nhiễm mỡ, đã không hạ được cholesterol còn làm cho việc chuyển hóa cholesterol bị rối loạn và càng làm cho cholesterol khó bị chuyển hóa hơn. Vì vậy, để tăng tác dụng của thuốc hạ cholesterol thì nên tránh rượu trong thời kỳ uống thuốc.
Tránh thuốc tương kỵ
Chúng ta cứ hay “phạm quy” rằng thuốc hạ cholesterol không phải là thuốc bệnh mà chỉ là thuốc kê thêm. Vì thế, một số bác sĩ và dược sĩ cứ mặc nhiên cho bệnh nhân uống thêm những thuốc này như kiểu bổ sung vitamin.
Thực tế, giữa những thuốc điều trị bệnh chính và thuốc hạ cholesterol có những sự tương tác nhất định. Nếu trong thời kỳ uống thuốc hạ cholesterol mà chúng ta uống thêm một số thuốc tương kỵ thì hoặc là thuốc bị ức chế hoặc là thuốc bị nhanh chuyển hóa và thải trừ dẫn đến hậu quả cuối cùng là thuốc cholesterol bị giảm tác dụng.
Những thuốc điển hình đáng nói là kháng sinh (clarithromycin, erythromycin...), thuốc điều trị kháng HIV, thuốc điều trị nấm (itraconazole, ketoconazole).
BS.Ngô Hồng Phong