Các chiêu lừa từ những hội, nhóm trên mạng xã hội

25-05-2018 11:23 | Thời sự
google news

SKĐS - Mạng xã hội đang trở thành một phần tất yếu của cuộc sống. Trên mạng xã hội đang xuất hiện ngày càng nhiều các hội, nhóm để chia sẻ. Nhưng đằng sau đó là các cuộc lừa tình tiền đẫm nước mắt.

Việc tham gia hội, nhóm (group) trên mạng xã hội từ lâu đã được nhiều người ưa thích vì đây là nơi thuận tiện để giao lưu, kết bạn và chia sẻ. Dạo một vòng trên mạng xã hội facebook, thật không khó để tìm ra những hội, group có đông đảo người tham gia như: hội đồng hương, hội buôn bán, hội lớp, hội cư dân… Đây thực sự là diễn đàn để những người cùng quê hương, cùng sinh sống, cùng sở thích trao đổi và giao lưu, bày tỏ quan điểm. Bên cạnh những group hoạt động nghiêm túc, thì cũng có những hội lập ra mới chỉ nghe tên đã thấy đầy ảo diệu như:  hội máy bay…, hội phi công…, hội quý bà…, hội ăn chơi… Ở mỗi hội này đều có những thể thức hoạt động được giới cộng đồng mạng đánh giá là nhảm nhí, tục tĩu dễ khiến cho những người tham gia sẽ dễ đánh mất mình và thậm chí là bị lừa.

Dịch vụ biến tướng nở rộ trên các group

Cùng với sự phát triển của mạng xã hội facebook trong cộng đồng trẻ, nhiều loại hình dịch vụ đã ra đời. Bên cạnh những fanpage lành mạnh, những group có ích, thì nhiều dịch vụ biến tướng cũng len lỏi gây nhiều phản cảm cho người dùng.

Những năm gần đây, dịch vụ học hộ, thi thuê đang trở nên phổ biến. Chỉ cần tìm kiếm trên mạng sẽ dễ dàng tìm ra vô số lời rao cho dịch vụ này. Có những nhóm người đã sử dụng các fanpage, các group để mở thành một “cổng thông tin” giới thiệu về dịch vụ này đến với nhiều người hơn. Họ lập rất nhiều nick và group, hội nào cũng tham gia rồi buông lời quảng bá dịch vụ của mình bất kể khi nào. Không chút úp mở, một trang học hộ đăng tải thông tin sẵn sàng “đáp ứng nhu cầu của các bạn, chúng tôi tiếp nhận học thuê, học hộ các trường (học thuê hệ chính quy, học thuê tại chức, học thuê văn bằng 2, học thuê cao học, các khóa học đào tào bồi dưỡng kiến thức...”.

Những thông tin làm bằng cấp, chứng chỉ giả cũng được rao công khai: “Nhận làm bằng tốt nghiệp THPT giá siêu rẻ. các loại chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Bao công chứng…”.

Chưa kể có những dịch vụ kỳ quặc cũng len lỏi khắp mạng xã hội. Đó là dịch vụ cho thuê người yêu. Họ lập thành hẳn nhóm với số lượng thành viên trên dưới 5.000 người. Lý do được các trang này đưa ra khiến các chàng trai, cô gái nào độc thân cảm thấy hợp lý như “Do ảnh hưởng bởi kinh tế thị trường, con người ngày càng bị cuốn vào công việc và các hoạt động xã hội mà thời gian dành cho gia đình bạn bè và tình yêu càng bị bó hẹp”. Và từ đó khẳng định về loại hình dịch vụ cho thuê người yêu để  “mong muốn đáp ứng nhu cầu của khách hàng về: giao tiếp xã giao với gia đình, đối tác, làm vừa lòng mọi người xung quanh” hay đơn giản như “cung cấp cho khách hàng 1 người bạn có thể vào vai 1 đồng nghiệp, 1 bạn gái, người yêu hay vợ để có thể giúp đỡ khách hàng”. Thế nhưng trên trang chủ của những fanpage này, hình ảnh đều là những cô gái ăn mặc hở hang, mát mẻ, thậm chí là khiêu dâm. Nhìn những bức hình cùng các lời lẽ mang nội dung lệch lạc như vậy, khó có thể khẳng định về mục đích “trong sáng” của người đã lập hội.

Nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội hoạt động với nội dung không lành mạnh. (ảnh minh họa)

Muôn kiểu lừa tiền…

Việc lừa tiền khi mua bán qua các group trên facebook không phải là chuyện mới, nhưng đây đó vẫn có người dính bẫy. Đó là những chiêu trò mua chung để hưởng giá tốt, lập hẳn hội mua chung. Sẽ có người đứng ra gom tiền, sau đó họ trả lời việc mua chung không thành công và việc trả lại tiền cho từng người là chuyện hy hữu. Chưa kể trong các hội canh vé máy bay giá rẻ, rất nhiều người than vãn vì bị “ôm con bỏ chợ”, bỏ tiền ra mua, nhưng khi cần trợ giúp thì người bán đã thoái thác từ lâu. Thành ra không ít người dở khóc dở cười khi đứng giữa sân bay mà vé của mình lại mang tên người khác và đành bỏ thêm lượt tiền nữa mua vé để trở về nhà. Những tưởng sau đó những người bán hàng online thế này bị cạch mặt. Nhưng không, họ lại đổi nick, đổi số điện thoại và lại tiếp tục diễn lại trò cũ, để lại trong lòng người tiêu dùng bao ấm ức, nhiều khi mất tiền mà không đòi lại được.

Một quy tắc bất thành văn đó là đã lập ra hội thì phải có kinh phí hoạt động. Các admin và quản trị viên là những người đứng đầu của hội đó. Có những hội phát triển rất lớn, quy mô tới cả hơn 100.000 người như: hội học sinh…, hội đồng hương xa quê… Những người đứng đầu thường hô hào thành viên đóng quỹ để lo việc hiếu hỷ của các thành viên hoặc tham gia từ thiện… Tuy nhiên, khi đã cầm trong tay một số tiền lớn thì họ sẵn sàng chiếm dụng số tiền đó qua việc vẽ vời ra các hoạt động ba lăng nhăng và không có thật, để hợp lý hóa việc tiêu tiền. Một cách thức kiếm tiền thường thấy của các quản trị viên và người đứng đầu các hội, group đó là tổ chức các buổi gặp mặt hội viên, rồi thu tiền tham gia, sau đó họ khai khống số tiền đã tiêu. Thành ra dù có lập thành bảng chi tiêu, nhìn thoáng có vẻ chi tiết, nhưng thực chất đó là những con số ảo, chỉ có số tiền đã thu gom được đút túi cá nhân là thật. Cũng vì sự nở rộ của các hội, nhóm trên mạng xã hội, nên đã hình thành một nghề gọi là nghề quản trị viên. Một mình họ lập ra vài hội, kêu gọi lòng hảo tâm của mọi người và sống trên những đồng tiền chiếm dụng được đó. Hơn nữa, trong vai trò quản trị viên, họ tạo ra cái mẽ bề ngoài có vẻ đàng hoàng, làm quen và thân thiết hết người này đến người nọ, rồi gạ gẫm vay tiền và sau đó là lặn một hơi không trả.

...Và lừa tình

Xét về góc độ tâm lý, mọi người đều có nhu cầu bày tỏ tâm tư tình cảm cá nhân mình mục đích là để người khác hiểu, đồng cảm và chia sẻ. Với một số người thì mỗi khi đăng tải một vấn đề lên mạng xã hội là cách để họ tìm được một tiếng lòng chung từ đám đông, đó là sự thông cảm, mặc dù chính bản thân họ sẽ phải là người vượt qua, giải quyết vấn đề của bản thân. Bên cạnh người sử dụng mạng xã hội thông minh, biết cách chia sẻ đăng tải thông tin cá nhân thì cũng rất nhiều người lại bị cuốn vào việc chia sẻ những thông tin cá nhân một cách khờ khạo, khiến cho hình ảnh bản thân ngày một xấu đi. Gây tranh cãi vì khoe của, công kích sỉ vả nhau, biến cộng đồng thành “chợ tình” hoặc thậm chí “khoe” chuyện phản bội chồng,… Đó là những nội dung mà một số người dùng mạng xã hội đã chia sẻ khi tham gia vào những hội, nhóm có tính chất nhố nhăng.

Ai đó đã từng thốt lên là mạng xã hội chả khác gì chợ tình online quả cũng có lý. Khi tham gia những hội: hội máy bay…, hội cô đơn…, hội quý bà, người dùng mạng xã hội  sẽ choáng ngợp với những hình ảnh mát mẻ kèm thông tin tục tĩu như: “gái xa chồng tìm em trai”, “máy bay tìm phi công” hay như “em trai tìm chị gái nuôi…”. Dưới góc độ tâm lý, việc khoe thân thể cho thấy nhu cầu thể hiện và khẳng định bản thân là điều tất yếu ở giới trẻ từ xưa đến nay. Tuy nhiên, ở một bộ phận giới trẻ bị lỗ hổng trong định hướng giá trị, nên dẫn đến việc tìm cách khẳng định về hình thức bên ngoài thay vì những khả năng, phẩm chất bên trong. Ngoài ra, việc khoe thân trên mạng sẽ giúp các bạn trẻ nổi tiếng nhanh hơn, được mọi người chú ý hơn. Ban đầu chỉ là khoe vẻ đẹp đơn thuần nhưng sau đó để khỏi nhàm chán trong mắt người khác, các bạn sẽ tăng mức độ “khoe” lên. Các bạn có đâu ngờ rằng, trên mạng xã hội có những gã chỉ chuyên đi “săn mồi”. Thấy các em khoe thân thì buông lời tán tỉnh, gạ gẫm “qua đêm”. Không ít chuyện tình tiền “một đêm” diễn ra chỉ sau vài dòng tin nhắn mùi mẫn. Sau đó là những màn ăn quỵt, thậm chí lấy cắp tiền bạc, điện thoại, đồ của phụ nữ xảy ra ngay sau màn mây mưa kết thúc.

Không ít gã đàn ông tham gia hết hội nọ đến hội kia, buông lời tán tỉnh biết bao người đẹp. Cũng chỉ vì nhẹ dạ tin theo những lời mật ngọt mà không ít chị em mắc bẫy lừa tình. Cứ tưởng mạng là ảo, tình là thật, thế nhưng không ít người gặp phải những màn ghen tuông ra trò, những tin nhắn hăm dọa cấm quan hệ đến những lời xỉ vả từ những cuộc tình hoa bướm này. Đến khi tỉnh lại thì mới ngộ ra mình đã trao thân cho kẻ lừa tình chính hiệu, giờ hắn đã cao chạy xa bay, lời mật ngọt cũng tan biến, chỉ còn nỗi ấm ức trong lòng là còn mãi.

Người dùng mạng xã hội cần thông thái hơn

Việc thành lập các nhóm, group trên mạng xã hội đang trở nên rất dễ dàng, một tài khoản facebook có thể thành lập diễn đàn mời mọi người tham gia, khiến nhiều người quan ngại việc lập các trang nhóm đang bị thả nổi. Thực chất việc quản lý dịch vụ internet và hoạt động các trang mạng xã hội không phải là đang bị thả nổi, những trang thông tin này vẫn hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và việc thành lập các diễn đàn, các nhóm trên mạng xã hội cũng tuân theo khuôn khổ này. Mỗi diễn đàn, mỗi group đều do một người/ nhóm người hoặc một tổ chức thành lập, quản lý. Những người này sẽ quản lý, kiểm soát comment, bình luận. Tuy nhiên, họ chỉ phải chịu trách nhiệm nếu nội dung, hoạt động mà họ đưa ra vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc có nội dung kích động. Còn những bình luận, comment của các tổ chức, cá nhân khác tại các diễn đàn này sẽ do các tổ chức cá nhân đó tự chịu trách nhiệm. Như vậy, mặc dù là mạng xã hội, mang tính chất “ảo” khó kiểm soát nhưng nó cũng tương tự như đời sống thực, mỗi một chủ sử dụng sẽ phải chịu trách nhiệm với phát ngôn, hành vi của mình trên mạng xã hội.

Vấn đề đặt ra là người sử dụng mạng xã hội nên chắt lọc thông tin để biết mình nên làm gì, tránh các bẫy lừa, bởi thực chất mạng là ảo, nên thông tin rất khó kiểm chứng. Đừng tự dấn thân vào những cuộc chơi vô bổ để rồi tự rước bực.


NGUYỄN HÀ THANH
Ý kiến của bạn