Mới đây, Đội Quản lý thị trường (QLTT) quận Bình Thạnh - TP.HCM phối hợp cơ quan chức năng P.6, quận Bình Thạnh đã bất ngờ kiểm tra căn hộ chung cư 2.07, số 243A Nguyễn Thượng Hiền và phát hiện hàng trăm thùng hàng chứa thực phẩm chức năng (TPCN), mỹ phẩm như: bột collagen, thuốc, dầu gội, sữa tắm, kem chống nắng... không có hóa đơn chứng từ. Tất cả các phòng trong căn hộ được dùng làm nơi cất giữ hàng hóa, nhưng không có đăng ký. Từ đây cho thấy một hình thức lách luật để kinh doanh của các công ty là dùng chính nhà ở hoặc nhà thuê để làm kho chứa sản phẩm tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng.

Kiểm soát khó khăn...
Thực tế, trong thời gian qua, trên địa bàn cả nước, các lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện và bắt giữ số lượng lớn lượng TPCN và mỹ phẩm không nguồn gốc xuất xứ, số lượng lên đến hàng chục tấn. Hầu hết số hàng hóa bị bắt giữ này đều được các công ty sản xuất TPCN và mỹ phẩm thuê kho, xưởng, thậm chí là các chung cư cao tầng để lưu giữ. Trong khi cơ quan chức năng chỉ nắm được những cơ sở lớn, không thể kiểm soát hết các cơ sở nhỏ lẻ, tự sản xuất. Thậm chí tại nhiều địa phương như Bắc Ninh, Hải Phòng và TP.HCM..., nhiều vụ việc bị các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ tại các kho lớn chứa hàng hóa nhưng không có người đứng ra nhận chịu trách nhiệm, làm khó cho cơ quan chức năng trong việc xử lý.
Mới đây, Đội QLTT số 1, Chi cục QLTT Hà Nội phối hợp cùng Công an TP. Hà Nội đang tạm giữ một xe container chứa hơn 10 tấn hàng hóa có dấu hiệu gian lận thương mại trong đó có cả mỹ phẩm và TPCN... Vụ việc được phát hiện tại kho hàng Nhà máy xe lửa Gia Lâm, quận Long Biên. Tại thời điểm kiểm tra, lái xe không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc số hàng này. Sau hơn 1 tuần từ khi bị phát hiện, vẫn chưa có chủ hàng nào đến làm việc với cơ quan chức năng.
Lợi dụng kẽ hở này nhiều công ty đã thuê kho, xưởng, chung cư... để làm nơi trung chuyển tập kết và sản xuất đóng gói các sản phẩm, các mặt hàng TPCN và mỹ phẩm, để tránh sự tầm soát của các lực lượng chức năng. Và khi bị kiểm tra phát hiện nhiều cơ sở đã bỏ của chạy lấy người, không nhận sản phẩm là của đơn vị mình.
Theo số liệu của Cục ATTP (Bộ Y tế), hiện trên thị trường đã xuất hiện khoảng 10.000 sản phẩm, trong đó khoảng 40% là hàng nhập khẩu. Đến nay, nhận thấy TPCN là mảnh đất màu mỡ, nên nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng tham gia hoạt động sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh TPCN. Chính điều này đã khiến tình trạng sản xuất, nhập khẩu TPCN trở nên hỗn độn. Nhiều công ty thành lập cả hệ thống bán hàng đa cấp lôi kéo nhiều người tham gia, tạo nên những kênh phân phối bát nháo. Hậu quả là trên thị trường xuất hiện đầy rẫy những sản phẩm TPCN, mỹ phẩm kém chất lượng, sản phẩm giả, nhái... ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Tất cả các gian phòng trong căn hộ 2.07 đều được dùng để chứa hàng hóa.
... Vì lắm chiêu trò
Liên quan đến vấn đề này, theo luật sư Phạm Thành Tài, Văn phòng Luật sư Phạm Danh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội: Việc mở kho chứa hàng là một dạng mở rộng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp giống như việc mở chi nhánh hay văn phòng đại diện. Do đó, tùy thuộc vào nhu cầu và mục đích quản lý, công ty có thể lựa chọn hình thức để đăng ký cho phù hợp.
Trao đổi với phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống, ông Trần Ngọc Nam, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết: Theo quy định của Luật Quản lý thuế thì kho hàng không thuộc đối tượng phải đăng ký thuế. Trừ khi kho hàng có phát sinh hoạt động kinh doanh thì phải đăng ký, kê khai nộp thuế. Nghĩa là phải được cấp mã số thuế hay còn gọi là mã số kinh doanh. Trong khi đó, bên đăng ký kinh doanh thì không có căn cứ để cấp mã số kinh doanh cho kho được. Mà chỉ có thể là cấp mã số của chi nhánh hoặc địa điểm kinh doanh (có chức năng là kho chứa hàng) thôi.
Tại điểm 1.3, Công văn số 3397/TCT-KK ngày 1/9/2010 của Tổng Cục thuế có hướng dẫn: “Theo quy định tại Điều 21 Luật Quản lý thuế thì kho hàng không thuộc đối tượng phải đăng ký thuế”. Kho chứa hàng của công ty không có hoạt động kinh doanh, không phát sinh doanh thu thì không phải nộp thuế môn bài theo quy định tại Điểm 1, Thông tư số 42/2003/TT-BTC ngày 7/5/2003 của Bộ Tài chính. Nghĩa là các công ty chỉ mất tiền thuê đất, thuê nhà xưởng và đảm bảo các quy định về phòng chống cháy nổ là được. Còn việc thuê để làm gì thì chủ cho thuê cũng hoàn toàn không biết. Mặt khác, do lợi nhuận thu được từ sản xuất kinh doanh TPCN và mỹ phẩm rất cao, nên các công ty sản xuất kinh doanh TPCN, mỹ phẩm đã bỏ tiền ra thuê kho, xưởng, thậm chí nhiều nhà chung cư cũng được sử dụng làm kho... để chứa hàng hóa sản phẩm nhái, kém chất lượng và khi bị phát hiện, các công ty sẵn sàng từ chối, bỏ hàng hóa không nhận để tránh bị quy kết tội cho đơn vị mình, đó cũng là một kiểu lách luật mà hiện rất nhiều cơ sở làm ăn “chộp giật” đang sử dụng để đối phó với lực lượng chức năng.
Trần Lâm