Các chất lạ trong thực phẩm được phát hiện nhờ hệ thống kiểm nghiệm hiện đại

06-10-2018 16:57 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Hệ thống kiểm nghiệm thực phẩm của Việt Nam đã được đầu tư hiện đại, đạt chuẩn quốc tế, cho phép phát hiện các chất lạ, xác định chính xác nguyên nhân các vụ ngộ độc, giúp ngăn ngừa tốt hơn nguy cơ gây ngộ độc

Tại Hội nghị khoa học kiểm nghiệm thực phẩm 2018 vừa diễn ra tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, Chính phủ, Bộ Y tế đã đưa ra nhiều biện pháp tích cực nhằm thắt chặt công tác quản lý, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý các cơ sở vi phạm quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.

Hiện nay, hệ thống kiểm nghiệm thực phẩm của Việt Nam đã được đầu tư hiện đại, chất lượng đạt chuẩn quốc tế, cho phép phát hiện các chất lạ, xác định chính xác nguyên nhân các vụ ngộ độc, giúp ngăn ngừa tốt hơn nguy cơ gây ngộ độc.

“Hoạt động kiểm nghiệm thực phẩm đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc quản lý chất lượng về an toàn thực phẩm”- Thứ trưởng Trương Quốc Cường nói.

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), hoạt động kiểm nghiệm thực phẩm có vai trò hết sức quan trọng trong việc quản lý, xử lý chính xác các vi phạm về chất lượng an toàn thực phẩm. Nếu như trước đây, việc xét nghiệm những mẫu thực phẩm, trong đó có chất lạ, nằm ngoài danh mục kiểm nghiệm, Việt Nam buộc phải gửi các mẫu này ra nước ngoài.

Hệ thống kiểm nghiệm an toàn thực phẩm ở nước ta ngày càng được đầu tư hiện đại và đồng bộ

Hiện nay 55/63 cơ quan kiểm nghiệm của cả nước được công nhận đơn vị đạt tiêu chuẩn ISO 17025 về thực hiện, thực hành phòng kiểm nghiệm tốt.

Bên cạnh đó, cũng chỉ định được các cơ sở của nhà nước và tư nhân đáp ứng được phòng kiểm nghiệm phục vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Thanh Phong cho rằng, theo Nghị định của Chính phủ quy định về hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm, hơn 90% doanh nghiệp tự công bố sản phẩm của mình. Tuy nhiên, dù tự công bố nhưng các doanh nghiệp cũng phải đảm bảo hàm lượng, chỉ tiêu, giới hạn an toàn, dưới hoặc tối đa bằng mức quy định của Bộ Y tế đưa ra.

Để tự công bố, doanh nghiệp vẫn phải kèm một phiếu kiểm nghiệm kết quả sản phẩm. Từ kết quả tự công bố, các cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm sẽ tiến hành hậu kiểm, tức là lấy mẫu các sản phẩm lưu thông trên thị trường để phân tích, kiểm tra bản công bố đó có đảm bảo đúng quy định, an toàn cho người sử dụng hay không.

“Việc hậu kiểm này phụ thuộc yếu tố số 1 là kết quả của các phương pháp kiểm nghiệm. Nếu kết quả kiểm nghiệm chính xác sẽ giúp cho cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra quyết định xử lý vi phạm chính xác và ngược lại. Chính vì vậy, kết quả kiểm nghiệm hết sức quan trọng”- ông Nguyễn Thanh Phong cho hay.

Theo các chuyên gia y tế, kết quả kiểm nghiệm thực phẩm phụ thuộc nhiều yếu tố. Ngoài phương pháp thử, trang thiết bị, con người, vấn đề lấy mẫu, vận chuyển và bảo quản mẫu vô cùng quan trọng và cần thiết

 


Thái Bình
Ý kiến của bạn