Protein:
Tạo các tổ chức mới của cơ thể và duy trì các tổ chức đã có. Tạo nội tiết tố, tạo men, tạo hồng cầu, chất co cơ, làm mắt cảm thụ ánh sáng tốt.
Tham gia vận chuyển các chất dinh dưỡng (vitamin A, sắt, đồng, kẽm, chất béo) và kích thích ngon miệng.
Tạo kháng thể và giải độc.
Lưu ý: không nên cho trẻ ăn quá nhiều đạm vì nếu quá nhiều đạm sẽ dẫn tới thiếu canxi. Lượng thực phẩm nên từ 120-150g thịt/cá/trứng... và 50g đậu/đỗ, vừng, lạc.
Chất béo: Ngoài tác dụng cung cấp năng lượng cao và tăng sự ngon miệng, chất béo còn làm hoà tan các vitamin A, D, E, K. Nếu không có chất béo sẽ làm tăng nguy cơ thiếu các vitamin trên và dẫn đến trẻ còi xương, quáng gà, hay viêm đường hô hấp hay chảy máu sơ sinh...
Canxi: Cần thiết cho sự phát triển của xương, răng, điều hoà đông máu, co cơ... Cần cung cấp đủ canxi theo nhu cầu tăng trưởng của trẻ. Nhu cầu này thay đổi tùy lứa tuổi, ở tuổi tiền VTN là 700mg/ngày và VTN là 1.000mg/ngày. Vì vậy cần chú trọng lượng thức ăn có nhiều canxi là cua, ốc, tôm cả vỏ, tép, cá nguyên xương, đậu hũ... và đặc biệt là sữa. Nếu có điều kiện mỗi ngày uống khoảng 500-750ml sữa công thức hoặc khoảng 1 lít sữa tươi.
Vitamin D: Giúp hấp thu canxi tại ruột và tăng khả năng tái hấp thu canxi tại thận. Hơn nữa, vitamin D giúp tổng hợp chất protein chuyên chở canxi trong máu. Cơ thể nhận vitamin D một phần từ thức ăn (bơ, sữa, pho mai, trứng, gan, dầu gan cá thu...) và tiền chất vitamin D nằm dưới da. Tiếp xúc ánh nắng trực tiếp sẽ giúp da tổng hợp vitamin D với thời gian khoảng 5-15 phút mỗi ngày tùy cường độ ánh nắng.
Vitamin A: Đặc biệt cần thiết cho sự tăng trưởng của trẻ. Không những tác dụng lên mắt mà còn nhiều tác dụng đáng chú ý khác của vitamin A như sau: tác động nhiều đến phát triển các xương dài như xương đùi, cẳng chân, cẳng tay cánh tay... Tạo miễn dịch, tạo máu, chống lão hoá, ung thư. Triệu chứng thiếu vitamin A đầu tiên là quáng gà, da khô, tóc rụng, gãy móng tay, bội nhiễm đường hô hấp tăng lên.
Thức ăn nhiều vitamin A là sữa, trứng, cá, gan, thịt... Các loại rau lá xanh đậm, củ quả màu vàng cam, đỏ (bí đỏ, cà rốt, gấc, đu đủ, xoài chín...) chứa nhiều tiền chất vitamin A sẽ chuyển thành vitamin A trong cơ thể.
Sắt: Là nguyên liệu để tạo hồng cầu vận chuyển ôxy nuôi cơ thể, tham gia tạo kháng thể, tăng trưởng chiều cao, kích thích ngon miệng. Thiếu chất sắt sẽ dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt, gây chậm tăng trưởng.
Thức ăn nhiều sắt là gan, tiết, trứng, thịt, cá, đậu đỗ, rau xanh, thực phẩm bổ sung sắt. Có thể tăng hấp thu sắt bằng vitamin C trong rau củ, trái cây trong bữa ăn.
Kẽm: Cần thiết cho hoạt động chuyển hoá của cơ thể, đồng hoá protein, phân chia tế bào, thúc đẩy sự tăng trưởng thông qua việc tạo các nội tiết tố tăng trưởng, sinh sản, tham gia tạo kháng thể.
Thức ăn nhiều kẽm là hàu, sò, gan, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành, lươn, cóc...
Iốt: Là nguyên liệu tạo nên nội tiết tố tuyến giáp, tác động lên hoạt động của nhiều cơ quan bộ phận trong cơ thể để thúc đẩy sự tăng trưởng. Sử dụng muối iốt hàng ngày trong bữa ăn sẽ phòng ngừa thiếu iốt.
TS.BS. Phạm Thúy Hòa (Viện trưởng Viện Dinh dưỡng ứng dụng)