Các chất dinh dưỡng người viêm loét đại tràng hay thiếu hụt và cách bổ sung

02-02-2023 14:00 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Viêm loét đại tràng có thể khiến bạn khó nhận được các chất dinh dưỡng cần thiết để có sức khỏe tốt. Điều này có thể có nghĩa là, người bệnh không nhận đủ chất dinh dưỡng mà cơ thể cần.

Ruột là nơi hấp thu chất dinh dưỡng bị tổn thương, các triệu chứng của viêm loét đại tràng (mất máu, tiêu chảy...) và thậm chí một số loại thuốc dùng để điều trị viêm ruột (IBD)... đều có thể làm tăng nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng. Có thể duy trì mức độ lành mạnh của các chất dinh dưỡng thiết yếu với các chất bổ sung và thực phẩm hằng ngày.

Dưới đây là 6 loại chất dinh dưỡng bị thiếu hụt phổ biến nhất liên quan đến viêm loét đại tràng:

1. Canxi và vitamin D thường bị thiếu hụt ở người viêm loét đại tràng

Ở người viêm loét đại tràng, ruột bị tổn thương sẽ không hấp thụ các chất dinh dưỡng này một cách bình thường. Bên cạnh đó, nhiều loại thuốc thường được kê đơn để điều trị viêm loét đại tràng, chẳng hạn như prednisone, cũng có thể cản trở quá trình hấp thụ canxi và vitamin D, khi sử dụng trong thời gian dài.

Các chất dinh dưỡng người viêm loét đại tràng hay thiếu hụt và cách bổ sung - Ảnh 1.

Viêm loét đại tràng làm giảm hấp thụ canxi và vitamin D.

Mất canxi và vitamin D sẽ làm suy giảm mật độ xươngtăng nguy cơ loãng xương. Theo Tổ chức Crohn's and Colitis Foundation, có tới 60% những người mắc bệnh viêm ruột có mật độ xương thấp hơn mức trung bình.

Người bệnh có thể không có bất kỳ triệu chứng đáng chú ý nào, nhưng có thể phát hiện sự thiếu hụt canxi và vitamin D thông qua xét nghiệm. Do đó, việc kiểm tra sự thiếu hụt này như một phần của quá trình điều trị viêm loét đại tràng.

Các chất bổ sung không kê đơn có thể giúp khôi phục mức canxi và vitamin D trong cơ thể. Tuy nhiên, thực hiện một số thay đổi trong chế độ ăn uống cũng sẽ rất hữu ích, bằng cách tiêu thụ các các sản phẩm từ sữa (là nguồn giàu canxi và vitamin D). Đối với những người nhạy cảm với sữa có thể dùng sữa đậu nành hoặc sữa gạo được bổ sung canxi và vitamin D.

Ngoài ra, có thể tăng cường các loại rau lá xanh (nấu chín để giảm thiểu kích ứng ruột), cũng rất giàu canxi.

2. Sắt

Thiếu sắt là rất phổ biến ở những người mắc bệnh viêm ruột. Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nutrients, khoảng 20% bệnh nhân bị thiếu sắt, 37% bị thiếu sắt dẫn đến thiếu máu.

Sự thiếu hụt này có thể là do mất máu, do tiêu chảy ra máu hoặc loét bên trong ruột kết, hoặc có thể do một số loại thuốc dùng để điều trị bệnh này, ví dụ như cholestyramine.

Tất cả bệnh nhân mắc viêm ruột (IBD) nên được kiểm tra tình trạng thiếu máu, cứ sau 6 đến 12 tháng đối với bệnh nhân thuyên giảm và ít nhất 3 tháng một lần đối với bệnh nhân bị viêm đang hoạt động, theo hướng dẫn của Tổ chức Viêm đại tràng và Crohn Châu Âu.

Các triệu chứng thiếu sắt bao gồm mệt mỏi, da nhợt nhạt… Bổ sung sắt (theo chỉ định của bác sĩ) là một lựa chọn. Khi lượng sắt dự trữ của cơ thể trở lại bình thường, người bệnh nên ăn một chế độ ăn giàu chất sắt với các loại thực phẩm như thịt nạc và rau lá xanh nấu chín có thể giúp giữ lượng sắt của bạn ở mức lành mạnh.

3. Vitamin B

Các chất dinh dưỡng người viêm loét đại tràng hay thiếu hụt và cách bổ sung - Ảnh 2.

Thực phẩm giàu vitamin B.

Những người bị viêm loét đại tràng có thể gặp vấn đề trong việc hấp thụ folate (còn được gọi là axit folic hay vitamin B9) và các vitamin B khác, đặc biệt là vitamin B12, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển tế bào khỏe mạnh và ngăn ngừa loãng xương.

Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nutrients cho thấy, bệnh nhân mắc viêm ruột (IBD), có xu hướng có mức folate thấp hơn so với bệnh nhân khỏe mạnh.

Vitamin B12 chỉ được hấp thụ ở một phần của ruột non (hồi tràng), ngay trước khi đi vào ruột kết. Một số loại thuốc, chẳng hạn như cholestyramine và sulfasalazine, có thể ngăn không cho vitamin B12 được hấp thụ ở khu vực này và cũng cản trở sự hấp thụ folate.

Các dấu hiệu thiếu vitamin B bao gồm: Thiếu năng lượng, suy nhược, thay đổi tâm trạng, ngứa ran ở ngón tay và ngón chân… Sự thiếu hụt vitamin B12 có thể gây ra các vấn đề về trí nhớ.

Sau khi được chẩn đoán bằng xét nghiệm, sự thiếu hụt folate và vitamin B12 có thể được điều trị bằng các chất bổ sung. Tuy nhiên, nếu người bệnh đang dùng một loại thuốc cản trở sự hấp thụ vitamin B12, có thể cần bổ sung dạng tiêm theo chỉ định.

Cùng với việc điều trị, hãy ăn một chế độ ăn uống giàu nguồn vitamin B và folate, như thịt, thịt gia cầm và trứng…

4. Kali

Kali cũng là một khoáng chất thường bị thiếu hụt ở bệnh nhân viêm loét đại tràng. Nguyên nhân là do giảm hấp thụ (do đại tràng là nơi cuối cùng mà kali được hấp thụ bị tổn thương), do nôn và tiêu chảy mãn tính (trong viêm loét đại tràng) cũng như việc sử dụng thuốc corticosteroid (prednisone)… có thể dẫn đến thiếu hụt kali.

Các triệu chứng của sự thiếu hụt này có thể bao gồm chuột rút cơ, nhịp tim không đều, cảm thấy chóng mặt và ngất xỉu.

Một chế độ ăn nhiều thực phẩm giàu kali, ví dụ như: Chuối, rau lá xanh nấu chín và khoai tây… có thể bổ sung cho tình trạng thiếu hụt này.

Lưu ý, bổ sung quá nhiều kali thông qua thực phẩm bổ sung không kê đơn có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim. Quá nhiều chất dinh dưỡng này trong máu (tăng kali máu), cũng có thể gây ra các triệu chứng như yếu cơ hoặc khó thở.

5. Magiê

Magiê có liên quan đến việc ngăn ngừa mất xương, vì hơn một nửa lượng magiê dự trữ trong cơ thể nằm trong xương.

Sự thiếu hụt khoáng chất này là một vấn đề phổ biến đối với những người bị viêm loét đại tràng, vì phần lớn magiê được hấp thụ ở hồi tràng, nơi thường bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này. Mất magiê cũng liên quan đến tiêu chảy mãn tính do rối lạn tiêu hóa trong bệnh viêm đại tràng gây ra.

Các triệu chứng thiếu magiê bao gồm: Co giật cơ, tê hoặc ngứa ran, cũng như thay đổi tâm trạng.

Để điều trị sự thiếu hụt này, người bệnh có thể cần bổ sung bằng đường uống hoặc ăn nhiều thực phẩm giàu magiê như: Bơ đậu phộng dạng kem, rau bina, cá (cá hồi hoặc cá bơn), sữa chua Hy Lạp (vì các sản phẩm từ sữa là nguồn cung cấp magiê chính trong chế độ ăn uống).

Một số loại thực phẩm giàu magiê phổ biến như các loại hạt và trái cây sấy khô... Tuy nhiên, những loại thực phẩm này có thể không dễ tiêu hóa. Do đó, nên trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng khi bổ sung các thực phẩm giàu magiê, vì quá nhiều magiê có thể gây tiêu chảy.

Mời độc giả xem thêm video:

Nguyên tắc dinh dưỡng để mùa lễ hội vui, khỏe, an toàn


DS. Nguyễn Thu Giang
Ý kiến của bạn