Các chất bổ sung hỗ trợ điều trị mụn trứng cá

11-04-2023 06:49 | Khỏe - Đẹp

SKĐS - Mụn trứng cá là một bệnh ngoài da do nhiều yếu tố gây ra, bao gồm thay đổi nội tiết tố, vi khuẩn, viêm nhiễm, tăng sừng hóa và chế độ ăn uống. Mụn trứng cá gây ra những tổn thương mụn đầu đen, mụn đầu trắng, viêm, đỏ trên da.

1. Nguyên nhân gây ra mụn trứng cá

Các yếu tố dẫn đến mụn trứng cá rất phức tạp và đa yếu tố, bao gồm:

- Propionibacterium acnes (P. acnes) là một loại vi khuẩn thường phát triển trên da. Ở những người bị mụn trứng cá, vi khuẩn này phát triển bất thường, dẫn đến viêm da, tổn thương da, tăng sừng hóa nang lông và thay đổi bã nhờn.

Vitamin nào hỗ trợ điều trị mụn trứng cá? - Ảnh 1.

Mụn trứng cá do nhiều nguyên nhân gây ra.

- Nội tiết tố cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của mụn trứng cá. Loại mụn này thường xảy ra ở tuổi vị thành niên do sự gia tăng nồng độ hormone sinh dục trong tuổi dậy thì, bất kể giới tính.

- Phụ nữ cũng gặp phải mụn trứng cá ở giai đoạn trưởng thành liên quan đến sự biến động nội tiết tố khi mang thai, do tiền mãn kinh hoặc khi sử dụng biện pháp tránh thai bằng nội tiết tố.

- Tình trạng viêm và chế độ ăn uống cũng đóng một vai trò nhất định trong việc gây ra mụn trứng cá. Thay đổi trong chế độ ăn uống tạo ra sự khác biệt đáng kể trong việc điều trị mụn trứng cá.

- Mụn cũng có thể do sử dụng một số loại thuốc hoặc tiếp xúc với hóa chất. Tuy nhiên, những loại mụn này khác với mụn trứng cá.

2. Phân loại mụn trứng cá

Mụn trứng cá được phân loại theo mức độ nghiêm trọng:

  • Mụn trứng cá nhẹ: Tổn thương không viêm, ít tổn thương viêm hoặc cả hai.
  • Mụn trứng cá trung bình: Tổn thương viêm nhiều hơn, có thể có nang (tổn thương cứng, đau hoặc cả hai) và sẹo nhẹ.
  • Mụn trứng cá nặng: Tổn thương viêm lan rộng, viêm nang, hoặc cả hai và để lại sẹo.

Mụn trứng cá thường xuất hiện trên các bộ phận của cơ thể có tuyến bã nhờn: Mặt, lưng, ngực, cổ và cánh tay trên. Những trường hợp mụn trứng cá nặng có thể dẫn đến biến dạng, sẹo vĩnh viễn trên da và ảnh hưởng cảm xúc nghiêm trọng của người bệnh, thậm chí có thể dẫn đến trầm cảm và trốn tránh các hoạt động xã hội.

Mặc dù tình trạng mụn trứng cá phổ biến nhất trong độ tuổi thanh thiếu niên, nhưng một số trường hợp có thể tiếp tục đến tuổi trưởng thành, thậm chí có thể ảnh hưởng cả đời.

3. Các chất bổ sung có thể hỗ trợ điều trị mụn trứng cá?

Việc bổ sung một số vitamin, khoáng chất và các hợp chất khác vào chế độ ăn uống có thể cải thiện mụn trứng cá.

Vitamin D: Trước đây, các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng mụn trứng cá có liên quan đến nồng độ vitamin D thấp.

Do đặc tính chống viêm mạnh mẽ của vitamin D, sự thiếu hụt chất dinh dưỡng này có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng mụn trứng cá. Trong các nghiên cứu, người ta đã nhận thấy tình trạng thiếu vitamin D ở 50% người bị mụn trứng cá so với chỉ 23% ở nhóm đối chứng.

Hơn nữa, sự thiếu hụt vitamin D cũng tương quan với mức độ nghiêm trọng của mụn trứng cá. Việc bổ sung 1.000IU vitamin D mỗi ngày trong 2 tháng cũng giúp cải thiện đáng kể các tổn thương do mụn trứng cá ở những người thiếu chất dinh dưỡng này.

Trên thị trường hiện có nhiều loại sản phẩm bổ sung vitamin D có sẵn và bán rộng rãi trong các cửa hàng thuốc, thậm chí là bán online... nhưng không nên tự ý dùng, đề phòng quá liều có thể gây ngộ độc nghiêm trọng. Nếu muốn bổ sung hỗ trợ điều trị mụn trứng cá, nên hỏi ý kiến bác sĩ để xác định tình trạng thiếu vitamin D và đề xuất liều lượng bổ sung thích hợp.

Omega-3: Một số bằng chứng cho thấy việc bổ sung dầu cá giàu omega-3 có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của mụn trứng cá ở một số người. Tuy nhiên, các kết quả khác nhau, với một số người gặp phải các triệu chứng tồi tệ hơn. Vì thế để biết có thích hợp hay không, nên tư vấn bác sĩ chuyên khoa da liễu hoặc có thể dùng thử, nếu thấy tình trạng mụn trứng cá không giảm hoặc có triệu chứng tăng lên cần ngưng sử dụng.

Vitamin nào hỗ trợ điều trị mụn trứng cá? - Ảnh 3.

Thực phẩm giàu vitamin D và omega-3 giúp hỗ trợ điều trị trứng cá.

Vitamin nhóm B: Bổ sung vitamin nhóm B có thể có lợi cho một số người bị mụn trứng cá. Tuy nhiên, riêng với vitamin B12, nếu sử dụng liều cao dạng tiêm có thể gây ra mụn trứng cá ở một số người.

Kẽm: Bổ sung kẽm qua đường uống đã được chứng minh là cải thiện mức độ nghiêm trọng của mụn trứng cá trong một số nghiên cứu. Kẽm còn đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe làn da.

Ngoài các chất bổ sung nêu trên thì trà xanh cũng có thể làm giảm các tổn thương do mụn trứng cá. Trong trà xanh có chứa chất chống oxy hóa mạnh và đã được chứng minh là có tác dụng chống viêm mạnh mẽ. Trên thị trường, các sản phẩm chiết suất trà xanh cũng được bán rộng rãi. Để an toàn, hãy trao đổi với bác sĩ trước khi thử một loại thực phẩm bổ sung mới để điều trị mụn trứng cá.

Mời độc giả xem thêm video:

Kỹ thuật sinh học phân tử

BS.Cao Như Đạt
Ý kiến của bạn