Các chân trời văn hóa: Từ AQ đến Chí Phèo

24-02-2020 08:18 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Mỗi khi nghĩ đến Chí Phèo là tôi lại liên tưởng đến AQ. Cũng là lẽ tự nhiên!

Chí Phèo của Nam Cao và AQ của Lỗ Tấn là hai nhân vật điển hình cho người nông dân cùng khổ của một chế độ nông nghiệp phong kiến lạc hậu, xuất hiện ở một bước ngoặt cách mạng của dân tộc, cùng là những hình tượng hết sức thành công trong văn học hiện đại của mỗi nước. Có điều, A.Q chính truyện từ lâu đã mang tầm cổ điển thế giới, còn truyện ngắn Chí Phèo chỉ mới được dịch sang tiếng Pháp (Boudarel- Lê Văn Lập) và gần đây sang tiếng Anh. Tác phẩm của Lỗ Tấn có mặt trong chương trình lớp 12 trung học phổ thông của ta.

Chí Phèo, một đứa con hoang bị bỏ rơi trong lò gạch; lớn lên, đi ở cho hết nhà này đến nhà khác. Khi thành lực điền hiền lành, anh ở nhà Bá Kiến, bị vợ ba của hắn gọi lên đấm lưng, xoa bụng. Bá Kiến kiếm cớ tống Chí Phèo đi tù 7, 8 năm. Ở tù về, anh thành một tên lưu manh luôn say khướt, sẵn sàng gây gổ, rạch mặt ăn vạ.

Bá Kiến sử dụng anh làm con quỷ dữ cho hắn trị làng Vũ Đại. Rồi đến một đêm trăng, anh gặp Thị Nở, một người đàn bà xấu xí, bị mọi người ruồng bỏ. Họ ăn nằm với nhau, nửa đêm, anh nôn mửa, Thị Nở nấu cháo, chăm nom anh. Ước mơ sống lương thiện từ thuở nào lóe lên trong anh. Nhưng bà cô Thị Nở không cho anh cưới. Anh khóc rưng rức, uống rượu, cầm dao đến đâm chết Bá Kiến, rồi tự tử.

Chí Phèo của Nam Cao và AQ của Lỗ Tấn là hai nhân vật điển hình cho người nông dân cùng khổ và cùng là hình tượng hết sức thành công trong văn học hiện đại của mỗi nước.

Cũng như Chí Phèo, AQ là một cố nông không nhà cửa vợ con. Anh làm thuê cho địa chủ làng Mùi, tối ngủ nhờ đền Thổ Cốc. Cũng như Chí Phèo, anh rượu nhiều hơn ăn. Anh là điển hình của sự chịu đựng, ai cũng có thể đánh đập, sỉ vả anh. Anh tạo ra một thái độ ứng xử để tự an ủi, thậm chí để tự hào: ai đánh chửi anh thì anh tự đánh chửi mình, thậm tệ hơn; ai khinh mình thì tự mình khinh mình hơn, coi như không thèm chấp.

Một lần tán tỉnh Vú Ngò, anh bị cả làng tẩy chay, phải bỏ làng lên huyện làm cướp. Khấm khá, anh về làng Mùi và được chấp nhận. Cách mạng 1911, AQ lớ ngớ đi theo cách mạng. Anh bị bọn đầu cơ cách mạng làng Mùi đem ra bắn, chết không biết tại sao, làng Mùi vẫn chẳng thay đổi gì.

Lỗ Tấn (1881-1936), cha đẻ của AQ, là nhà tư tưởng, nhà văn cách mạng lớn nhất Trung Quốc của thế kỷ 20. Xuất thân từ một gia đình quan lại sa sút, ông bắt đầu học khoa học tự nhiên (hàng hải, mỏ) ở Nam Kinh, rồi học y ở Nhật. Ông bỏ nghề đi làm nghề văn, vì cho rằng chữa bệnh tinh thần cho đất nước quan trọng hơn chữa thể xác. Ông tham gia cách mạng 1911, nhưng thất vọng vì tình hình đất nước không thay đổi gì. Ông đi tiên phong trong phong trào văn học cách mạng Ngũ tứ (4/5/1919), lãnh đạo tư tưởng thanh niên chống phong kiến và đế quốc. Tiếp thu thuyết tiến hóa của Darwin, chủ trương cái mới diệt cái cũ, chủ trì liên minh nhà văn cánh tả.

Lỗ Tấn xuất bản AQ năm 1921, đúng lúc cao trào của bão táp học sinh, sinh viên chống phong kiến đế quốc. Triều đình Mãn Thanh đầu hàng các nước xâm lăng, để đất nước bị xâu xé, nông dân bị bóc lột tàn tệ bởi phong kiến. Cách mạng tư sản nửa vời, nhân dân vẫn đau khổ. Cũng như truyện ngắn Thuốc, AQ chính truyện là một roi quất bật máu để quốc dân tỉnh dậy mà đấu tranh. Lỗ Tấn chọc đúng ung nhọt tiềm tàng trong tâm lý người dân Trung Quốc, thể hiện qua tính cách AQ ươn hèn mà luôn tự bào chữa.

Theo một nhà phê bình phương tây, AQ Chính truyện là một tác phẩm nội quan (introspection). Lỗ Tấn đã chỉ ra từ bên trong cái mà bên ngoài không biết được, do đó, tác phẩm có giá trị bao quát, Lỗ Tấn đã miêu tả tâm tình của ông, của tất cả chúng ta, nếu sống trong hoàn cảnh tương tự.

AQ trở thành một điển hình nhân loại như: Don Quijote, Sancho Pansa của Cervantes. Cần có những nhà văn mổ xẻ cái xấu của dân tộc để chữa bệnh mà tiến lên. Phải chăng do đó, ngày nay Trung Quốc có những cuốn như Người Trung Quốc xấu xí hay Những khuyết điểm của người Trung Quốc (Trương Bình Trị, Dương Cảnh Long).

Truyện Chí Phèo không phải là tác phẩm chính trị đấu tranh trực diện như AQ chính truyện, nhưng cũng là một tác phẩm hiện thực phê phán mãnh liệt. Nam Cao (1915-1951) viết Chí Phèo vào năm 1941, 20 năm sau AQ chính truyện. Không biết ông có được đọc tác phẩm này? Nhưng Chí Phèo quả là hoàn toàn Việt Nam. Dưới ách đô hộ Pháp - Nhật, với nạn cường hào, dân trí lại thấp, nông dân ta sống một cuộc đời cùng cực tối tăm, nhưng nhịn nhục chẳng kém AQ. Cả Nam Cao và Ngô Tất Tố (Tắt đèn) đều đưa nhân vật đến ngõ cụt, nhưng Chí phèo đã tiến hơn một bước, vùng lên giết kẻ thù. Ngô Tất Tố tô đậm nỗi khổ vật chất, còn Nam Cao thì tập trung và nỗi đau tinh thần, khiến cho sáng tác mang một ý nghĩa bi đát hơn và phổ quát hơn về phận người: một người nông dân hiền lành bị lưu manh hóa, cam chịu phận làm quỷ dữ vậy cho đến khi tính thiện căn bùng lên rồi bị dập tắt.


Nhà văn hóa Hữu Ngọc
Ý kiến của bạn