Các chấn thương thể thao thường gặp

09-06-2018 08:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Hoạt động thể lực là một phần rất quan trọng góp phần nâng cao thể trạng. Công việc căng thẳng thường khiến chúng ta tập luyện thể lực vào cuối tuần. Tuy nhiên, việc cố gắng bù đắp cho cuộc sống ít vận động trong tuần có thể khiến ta gặp phải chấn thương khi tập thể dục thể thao.

Các chấn thương thể thao thường gặp nhất

Tổn thương gân hoặc cơ, hay còn gọi là “bong gân” hoặc “căng cơ”. Bong gân là tình trạng dây chằng bị giãn quá mức hoặc bị rách. Dây chằng là dải tổ chức liên kết giữ cho khớp xương được vững chắc.

Căng cơ còn được gọi là tình trạng “cơ bị kéo”. Khi bạn làm cơ của mình bị căng quá, bạn có thể làm cơ hoặc gân bị rách.

Bác sĩ Cao Mạnh Liệu là bác sĩ phẫu thuật chấn thương chỉnh hình tại BV Việt Pháp Hà Nội

Bộ phận nào của cơ thể bị tác động?

Với một số hoạt động thể thao “bình thường” như chạy, đạp xe, tennis, squash, gôn, gym, bóng nhóm thì vùng hay bị ảnh hưởng nhất là bàn chân, mắt cá chân, đầu gối, hông, khuỷu tay và bả vai.

Chấn thương thể thao có thể phòng ngừa không?

Nhiều loại chấn thương có thể phòng ngừa được nhưng đôi khi việc phòng ngừa nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Hãy khởi động trước khi bắt đầu tập để làm tăng lưu thông máu tới các cơ và làm cho các cơ linh hoạt hơn. Nghỉ giữa các lần tập giúp cơ thể có thời gian hồi phục. Đồng thời, khi tập hoạt động mới, hãy bắt đầu mới một cách từ từ, tăng dần độ mạnh, sự linh hoạt và sức bền. Quan trọng nhất là lắng nghe cơ thể bạn, hãy dừng lại nếu bạn thấy đau, khó chịu và căng thẳng.

Nhận biết và điều trị chấn thương thể thao như thế nào?

Căng cơ:

Các cơ thường bị ảnh hưởng là cơ đùi sau, cơ háng, cơ tứ đầu (cơ đùi trước), cơ bắp chân, cơ lưng và cơ bả vai. Triệu chứng bao gồm đau nhức, sưng và khó cử động vùng cơ bị ảnh hưởng. Trong trường hợp cơ bị căng ít, bạn sẽ cảm thấy đỡ hơn nếu cơ được nghỉ ngơi vài ngày. Khi có chấn thương, hãy dùng đá chườm và băng ép, cố gắng nâng cao chân bị đau càng nhiều càng tốt. Bạn có thể mua thuốc giảm đau mà không cần đơn của bác sĩ. Tuy nhiên, bạn cũng có thể bố trí thời gian đến khám và tư vấn với bác sĩ để được thăm khám cụ thể.

Bong gân:

Hay gặp nhất là bong gân mắt cá chân, thường xảy ra khi bàn chân quay vào trong làm căng quá mức hoặc rách dây chằng phía ngoài mắt cá. Triệu chứng bao gồm đau sưng, tím, tụ máu, đau khi ấn vùng trên mắt cá và yếu cơ.

Không như tình trạng căng cơ, với bong gân, quan trọng là bạn cần tiếp tục tập để tránh mất đi tính linh hoạt và dẻo dai. Hãy tham vấn ý kiến bác sĩ vật lý trị liệu về bài tập phù hợp phòng bị chấn thương lại. Nếu bị bong gân mắt cá chân, bạn nên đến gặp bác sĩ để đảm bảo rằng dây chằng không bị rách và xương không bị ảnh hưởng.

Chấn thương đầu gối:

Rách dây chằng chéo trước

Dây chằng chéo trước giúp giữ và ổn định khớp gối. Nếu đặt chân xuống sàn sai tư thế, đổi hướng quá nhanh hoặc dừng lại đột ngột (chẳng hạn khi chơi bóng đá), bạn có thể bị rách dây chằng chéo trước. Một số triệu chứng của tình trạng này là sưng đau, hạn chế vận động, đi lại khó khăn. Rách dây chằng chéo trước thường cần phải phẫu thuật nội soi khớp để tái tạo dây chằng và tập vật lý trị liệu. Nếu bạn không có chỉ định phẫu thuật thì vật lý trị liệu và đeo băng ép có thể giúp bạn cảm thấy dễ chịu nhưng sẽ không giải quyết được vấn đề.

Rách dây chằng bên trong gối

Dây chằng bên trong gối liên kết xương đùi và xương chày. Nó nằm ở mặt trong đầu gối. Rách dây chằng bên trong gối thường xảy ra khi gối bị đẩy sang một bên quá mức khi di chuyển hoặc khi tổn thương đầu gối. Khi bị rách dây chằng bên trong gối, bạn sẽ có các triệu chứng như đau nhức, sưng và mất ổn định khớp gối. Rách dây chằng bên trong gối có thể được điều trị bằng chườm đá, băng ép và vật lý trị liệu. Nếu tổn thương đầu gối ảnh hưởng đến cấu trúc khác như dây chằng, sụn chêm, bạn có thể cần phải phẫu thuật.

Hội chứng bánh chè-đùi

Hội chứng bánh chè-đùi có thể do tập thể dục như chạy, chơi bóng rổ, bóng chuyền. Chuyển động lặp đi lặp lại của xương bánh chè-đùi vào xương đùi có thể làm tổn thương sụn bên dưới. Các triệu chứng thường chỉ là đau nhưng bạn cũng mất nhiều thời gian mới cảm nhận được cơn đau. Giống như bong gân, quan trọng là cần tiếp tục tập thể dục, tốt nhất là dưới sự hướng dẫn của chuyên gia về vật lý trị liệu.

Viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay

Viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay là tình trạng đau do vận động quá mức. Chuyển động lặp đi lặp lại như chơi gôn, đánh tennis, bóng quần hoặc cầu lông có thể gây viêm gân các cơ cẳng tay bám bên ngoài khuỷu tay. Triệu chứng thường là đau nhức ở bên ngoài khuỷu tay, đau sẽ đỡ khi nghỉ ngơi. Điều trị thường kết hợp nghỉ ngơi, dùng thuốc giảm đau và vật lý trị liệu.

Khi nào bạn cần đi khám?

Nếu nghi ngờ có các triệu chứng trên hoặc các triệu chứng không đỡ sau vài ngày, bạn cần đến khám bác sĩ.

Hãy đi khám ngay nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào sau đây:

  • Khớp hoặc xương biến dạng hoặc không cử động bình thường được.
  • Bạn không thể chịu được trọng lượng bên chân bị đau hoặc khiến bạn thấy nặng hơn.
  • Vết thương sưng to
  • Vết thương bị sưng tấy và đổi màu da.
Bác sĩ Cao Mạnh Liệu là bác sĩ phẫu thuật chấn thương chỉnh hình tại BV Việt Pháp Hà Nội. Bác sĩ được đào tạo trong và ngoài nước với nhiều năm kinh nghiệm điều trị các chấn thương về xương, khớp và cơ.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào hoặc mong muốn đặt khám với bác sĩ Cao Mạnh Liệu, vui lòng liên hệ theo số: 84 – 24.3577.1100, truy cập www.hfh.com.vn, hoặc qua email: contact@hfh.com.vn, Địa chỉ: 1 Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội.

Thu Hòa
Ý kiến của bạn