Các câu hỏi thường gặp liên quan đến Sốt ve mò

03-08-2024 12:07 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Bệnh sốt ve mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính do Rickettsia tsutsugamushi gây nên. Bệnh có đặc điểm lâm sàng là sốt kéo dài 2-3 tuần, kèm theo có loét ở da, nổi hạch toàn thân và nổi ban.

Sốt ve mò là một căn bệnh truyền nhiễm cấp tính khó chẩn đoán, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới biến chứng viêm phổi, sốc nhiễm khuẩn… đe dọa tính mạng. Vì vậy, người bệnh cần biết những thông tin cơ bản về căn bệnh nguy hiểm này để phòng tránh và áp dụng các phương pháp điều trị kịp thời.

1. Bệnh Sốt ve mò có nguy hiểm không?

Đối với căn bệnh nhiễm trùng cấp tình này, nếu không được phát hiện sớm và điều trị tích cực sẽ càng nghiêm trọng, kéo theo các biến chứng nguy hiểm như tổn thương đa tạng, bao gồm:

Các câu hỏi thường gặp liên quan đến Sốt ve mò- Ảnh 1.

Nếu không điều trị đúng, sốt mò biến chứng khá nguy hiểm, có thể gây nhiễm độc gan hoặc tổn thương đa tạng, thậm chí là tử vong.

  • Viêm cơ tim, trụy tim mạch
  • Đông máu nội mạc rải rác
  • Viêm phổi nặng, viêm phổi có ARDS và suy hô hấp
  • Viêm não và màng não
  • Suy gan cấp, gan lách to, chỉ số men gan tăng cao
  • Viêm thận
  • Sốc nhiễm khuẩn
  • Xuất huyết trong phân, nôn và ho ra máu.
  • Cần lưu ý là không được chủ quan chữa bệnh tại nhà, sốt mò biến chứng nặng sẽ gây suy đa tạng với các biến chứng năng có thể dẫn đến tử vong.

2. Sốt ve mò có lây không?

2.1 Đường truyền bệnh

Sốt mò là bệnh lây truyền sang người từ côn trùng trung gian - ấu trùng mò. Như vậy, con mò không chỉ là vật chủ mà còn là trung gian truyền bệnh. Tuy nhiên người bị nhiễm bệnh khi bị ấu trùng mò đốt thì không có khả năng truyền bệnh sang người khác.

Các câu hỏi thường gặp liên quan đến Sốt ve mò- Ảnh 2.

Ấu trùng mò là nguyên nhân chính gây bệnh sốt mò.

2.2 Điều kiện lây truyền sang người

Mò và ấu trùng ưa sống ở vùng đất xốp, ẩm mát nơi các khe hang, ven bờ sông suối, nơi râm mát có bụi cây và cây thấp có quả hạt để chờ thú nhỏ hoặc những loài gặm nhấm lui tới. Người có thể bị đốt trong các trường hợp sau:

Sinh hoạt lao động trong ổ dịch. Phát rẫy làm nương. Bộ đội đi dã ngoại. Ngồi, nằm nghỉ, trên bãi cỏ, để mũ nón buộc võng vào gốc cây.

3. Ai có nguy cơ bị sốt ve mò?

Trên thế giới, bệnh này hay gặp ở các nước châu Á nhiệt đới, nhất là những khu vực rừng núi có cây cối rậm rạp, đất mùn ẩm ướt, hang hốc trong núi đá hay những nơi như hai bên bờ suối, dọc bờ biển. Nơi đây vừa có khí hậu nóng ẩm, thích hợp cho con mò - trung gian truyền bệnh - phát triển, vừa có những con thú mang mầm bệnh là các loài gặm nhấm. Thời điểm trong năm thích hợp cho bệnh bộc phát là khoảng tháng 6 đến tháng 9.

Trong điều kiện như vậy, những người vào rừng lấy gỗ, làm rẫy, làm đường sá, khai hoang, săn bắn, các đơn vị bộ đội đi hành quân bị mò đốt và nhiễm vi khuẩn. Thậm chí, ấu trùng mò cũng có cơ hội tấn công khách tham quan, du lịch, khám phá nơi rừng núi, sông suối.

Mò sống bằng cách hút máu trên cơ thể động vật máu nóng, đặc biệt là các loài gặm nhấm, đại diện là chuột - ký chủ chính của bệnh. Nếu mò hút máu con vật có mầm bệnh Rickettsia thì cũng sẽ sinh ra một thế hệ ấu trùng bị lây nhiễm tiếp tục. Sau đó, nếu gặp cơ thể người, mò sẽ bám lên, chèn ống hút ở miệng vào nang lông hay lỗ chân lông ở vùng da mềm, có nếp nhăn như nách, khuỷu, đầu gối... và lây nhiễm vi trùng cho người.

4. Bệnh sốt ve mò có thể nhầm lẫn với bệnh gì?

Dấu hiệu ban đầu là sốt cao và một số triệu chứng khác có thể nhầm với các bệnh sốt thông thường, sốt xuất huyết Dengue, sốt phát ban (sởi), bệnh sốt rét. Hoặc do mệt mỏi, khó chịu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, có cơn vã mồ hôi, đau cơ nhiều như trong bệnh sốt vàng da chảy máu (bệnh Leptospirosis). Có những trường hợp biểu hiện li bì, thờ thẫn, u ám như bệnh thương hàn (do vi khuẩn Salmonella). Thậm chí bệnh dễ nhầm lẫn với viêm cầu thận cấp, xuất huyết giảm tiểu cầu...

Các câu hỏi thường gặp liên quan đến Sốt ve mò- Ảnh 3.

Người bệnh bị sốt nếu không được bác sĩ thăm khám dễ nhầm lẫn với bệnh khác.

Chẩn đoán cần dựa vào nốt loét điển hình và triệu chứng lâm sàng. Ngoài ra chẩn đoán xác định cần phải làm kháng thể đặc hiệu trong máu. Và dựa trên các biểu hiện điển hình như các nốt đốt đóng vảy đen, mọc ở chỗ kín, nách, bẹn cổ...

Tuy nhiên, có những lúc bệnh biểu hiện không rõ ràng, khó khăn cho việc chẩn đoán, bệnh cảnh giống như bệnh nhiễm trùng huyết khác, các bác sĩ phải có các xét nghiệm và hội chẩn đúng để phát hiện bệnh sớm, điều trị phù hợp và kịp thời. Nếu không được điều trị kháng sinh sớm và thích hợp, bệnh sốt mò có thể tiến triển nặng dẫn tới biến chứng suy đa tạng trong đó có suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu và tử vong.

Hiện chưa có vaccine phòng sốt mò, do đó, để phòng bệnh, người sống trong vùng có bệnh sốt mò lưu hành cần áp dụng những biện pháp phòng chống ấu trùng mò đốt như tránh đi vào khu vực có lùm cây cỏ, mặc quần áo kín, mặc quần áo có ngâm tẩm các hóa chất chống côn trùng như benzyl benzoat, bôi các hóa chất xua côn trùng như diethyltoluamide lên các vùng da hở...

5. Đông y có chữa được sốt ve mò không?

Cho đến nay chưa có bằng chứng hay nghiên cứu nào cho thấy Đông y có thể chữa được căn bệnh này.

6. Chi phí khám và điều trị sốt ve mò

Hiện nay, mức chi phí khám sốt ve mò phụ thuộc vào vào mức độ bảo hiểm được hưởng.

Bạn có thể đến các bệnh viện, phòng khám để khám và được hướng dẫn theo dõi điều trị.

Sốt ve mò: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trịSốt ve mò: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị

SKĐS - Sốt ve mò là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Rickettsia rickettsii gây ra. Bệnh thường được truyền qua các loài ve mò và có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.


BSCKI Phạm Thị Hồng Lam
Phó Giám đốc TTYT Nghi Xuân
Ý kiến của bạn