Các câu hỏi thường gặp liên quan đến rối loạn tăng động giảm chú ý

18-05-2024 12:19 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Rối loạn tăng động giảm chú ý thường được chẩn đoán ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, các triệu chứng bệnh có thể tiếp tục kéo dài đến tuổi thiếu niên và tuổi trưởng thành. Căn bệnh này gây ra nhiều khó khăn đến công việc, học tập, sinh hoạt và việc xây dựng các mối quan hệ xã hội của người bệnh.

Rối loạn tăng động giảm chú ý: Nguyên nhân, chẩn đoán, điều trị và phòng bệnhRối loạn tăng động giảm chú ý: Nguyên nhân, chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh

SKĐS - Rối loạn tăng động giảm chú ý là một rối loạn phát triển thần kinh thường gặp ở trẻ, biểu hiện bằng những hành vi tăng hoạt động và giảm chú ý của trẻ nhiều hơn rõ rệt so với trẻ cùng tuổi, cùng giới. Nếu không được phát hiện sớm để điều trị sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và đời sống của trẻ sau này.

1. Đông y có chữa được rối loạn tăng động giảm chú ý không?

Rối loạn tăng động giảm chú ý một hội chứng rối loạn chức năng hoạt động có đặc trưng là sự vội vàng, hiếu động một cách thái quá và giảm chú ý. Vì vậy, đông y không thể chữa được.

2. Cách xử trí khi rối loạn tăng động giảm chú ý

Khi thấy con mình có triệu chứng của rối loạn tăng động giảm chú ý, cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để khám ngay. Nếu được điều trị từ sớm thì tiên lượng với hội chứng này sẽ cao hơn khi điều trị muộn. Khi thăm khám cho các trường hợp này, trước tiên bác sĩ sẽ phải khám tổng thể để loại trừ nguyên nhân thực thể gây ra triệu chứng rối loạn tăng động giảm chú ý.

Khi đã loại trừ được yếu tố trên, nếu thấy cần thiết bác sĩ sẽ yêu cầu cho trẻ đến khám khoa tâm thần - tâm lý. Ở đây các bác sĩ sẽ hỏi về các hành vi, hoạt động và sức khỏe của trẻ sau đó trò chuyện với trẻ để đánh giá về những gì cha mẹ miêu tả. Một bảng đánh giá hành vi của trẻ sẽ được bác sĩ đưa ra và yêu cầu cha mẹ thực hiện, thậm chí còn phải gửi bảng này cho giáo viên của trẻ.

Với những trường hợp trẻ có triệu chứng của rối loạn tăng động giảm chú ý và được chẩn đoán đúng là mắc hội chứng này, cha mẹ cần:

  • Hợp tác với bác sĩ trong suốt quá trình điều trị cho trẻ đồng thời tuân thủ nghiêm túc chỉ định điều trị cũng như lịch tái khám do bác sĩ đưa ra.
  • Cho trẻ dùng thuốc đúng thời gian và liều lượng mà bác sĩ chỉ định.
  • Phối hợp với giáo viên dạy trẻ để tìm hiểu về hoạt động thường ngày của con mình ở trường để có sự kết hợp đôi bên cùng giúp trẻ.
  • Tìm hiểu kỹ, đúng nguồn thông tin về rối loạn tăng động giảm chú ý để biết cách tiếp cận và giúp cho hội chứng này ở trẻ không trở nên tồi tệ hơn.
  • Tham gia với những tổ chức, những nhóm hoạt động về hội chứng tăng động giảm chú ý để được chia sẻ, lắng nghe, cập nhật các thông tin bổ ích.

3. Cách giúp bệnh nhân bị rối loạn tăng động giảm chú ý

Hiện nay, điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý bằng thuốc và kết hợp với một số liệu pháp tâm lý có thể mang lại những hiệu quả rất tích cực. Cụ thể như sau:

Điều trị bằng thuốc

Thuốc điều trị cần được kê đơn bởi các bác sĩ chuyên môn, cha mẹ tuyệt đối không tự ý mua thuốc cho trẻ khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Các loại thuốc thường được sử dụng với mục đích kích thích sản xuất và cân bằng một số chất dẫn truyền thần kinh trong não để kiểm soát hiệu quả hành vi bốc đồng và giúp trẻ có thể tập trung tốt hơn.

Liệu pháp tâm lý

  • Liệu pháp tâm lý được đánh giá là một biện pháp quan trọng, mang tính cốt lõi trong điều trị bệnh tăng động giảm chú ý ở trẻ. Gia đình cần phối hợp với nhà trường để hỗ trợ và đẩy nhanh quá trình điều trị của trẻ, giúp trẻ sớm hòa nhập với cuộc sống.
  • Liệu pháp hành vi nhận thức: Cha mẹ và thầy cô cần kiên nhẫn và rõ ràng trong việc giải thích với trẻ về những việc trẻ cần làm và những mong đợi đối với trẻ. Hướng dẫn cụ thể cho trẻ và chia nhỏ các nhiệm vụ để trẻ dễ dàng thực hiện. Khi trẻ tiến bộ hay có hành vi tốt, cần khen thưởng để khích lệ trẻ.
  • Huấn luyện trẻ thực hiện nếp sống và các kỹ năng xã hội, từ đó trẻ có thể dễ dàng và nhanh chóng hòa nhập vào môi trường học tập và cuộc sống.
  • Một số bài tập tăng cường vận động cũng giúp trẻ có thể tăng cường khả năng chú ý.
  • Một số trò chơi trị liệu cũng có thể được áp dụng để giúp trẻ học cách tổ chức, rèn luyện tính kiên trì, giao tiếp và ứng xử với bạn khi chơi. Lưu ý: Không cho trẻ chơi một số trò chơi kích thích, bạo lực.
Các câu hỏi thường gặp liên quan đến rối loạn tăng động giảm chú ý- Ảnh 2.

Rối loạn tăng động giảm chú ý thường được chẩn đoán ở trẻ nhỏ.

Một số biện pháp hữu ích khác

  • Nên cho trẻ bổ sung đầy đủ các dưỡng chất, cho trẻ ăn đa dạng thực phẩm, ưu tiên bổ sung các loại vitamin, axit béo và các vi chất. Cần tránh cho trẻ ăn quá nhiều đường, dầu mỡ và các thực phẩm có thể gây dị ứng.
  • Tập thể dục: Đây không chỉ là thói quen tốt để rèn luyện sức khỏe mà còn có thể mang đến những tác động rất tích cực đến hành vi của trẻ. Có thể cho trẻ đi bộ hay tập yoga, thiền để trẻ thư giãn và rèn luyện tính kỷ luật.

4. Rối loạn tăng động giảm chú ý có chữa khỏi được không?

Dù không thể điều trị khỏi bệnh hoàn toàn nhưng một số phương pháp có thể giúp kiểm soát căn bệnh này khá hiệu quả và có thể giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực đến cuộc sống sinh hoạt, học tập của trẻ.

5. Lưu ý với trẻ em, nam thanh niên khi rối loạn tăng động giảm chú ý

Nguy cơ và đối tượng rủi ro mắc rối loạn tăng động giảm chú ý bao gồm:

  • Người thân trong gia đình mắc rối loạn tăng động giảm chú ý hoặc các rối loạn sức khỏe tâm thần khác.
  • Chấn thương sọ não.
  • Tiếp xúc với chất độc khi mang thai, chẳng hạn như chì, chủ yếu được tìm thấy trong nước sơn và đường ống trong các tòa nhà cũ.
  • Sử dụng rượu và thuốc lá khi mang thai.
  • Sinh non.
  • Cân nặng khi sinh thấp.

Trẻ chỉ nên được chẩn đoán mắc bệnh tăng động giảm chú ý khi các triệu chứng biểu hiện trước 12 tuổi và liên tục gây ra những vấn đề nghiêm trọng trong gia đình, trường học.

Không có xét nghiệm nào dùng trong chẩn đoán rối loạn tăng động giảm chú ý. Bác sĩ tâm thần hoặc chuyên gia tâm lý sẽ chẩn đoán bệnh bằng các biện pháp sau:

  • Thăm khám lâm sàng nhằm loại trừ các nguyên nhân gây bệnh khác.
  • Thu thập thông tin về tình trạng sức khỏe hiện tại, tiền sử bệnh của cá nhân và gia đình.
  • Đặt câu hỏi cho các thành viên trong gia đình, giáo viên hoặc người biết rõ về trẻ nhằm củng cố cho việc chẩn đoán.

Theo thống kê với khoảng 7,2% trẻ em trên toàn thế giới được chẩn đoán mắc bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý. Tỷ lệ trẻ em mắc rối loạn tăng động giảm chú ý thay đổi tùy theo các nghiên cứu, ước tính từ 3 - 8%, lứa tuổi thường đi khám là 6 - 7 tuổi. Trong đó tỷ lệ các bé trai mắc rối loạn tăng động giảm chú ý cao gấp đôi so với bé gái.

Mỗi năm khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận khoảng 3000 lượt trẻ khám rối loạn tăng động giảm chú ý, chiếm gần 20% tổng lượt khám. Các biểu hiện đặc trưng của trẻ là khó khăn trong duy trì chú ý, chọn lọc chú ý, dẫn tới khó khăn trong hoàn thành trọn vẹn các nhiệm vụ, bài vở. Đồng thời trẻ hoạt động quá nhiều, thiếu kiềm chế, có tính xung động, bốc đồng nên dễ gây ra những căng thẳng trong quan hệ xã hội, hành vi không phù hợp, gây nguy hiểm cho bản thân và cho người khác.

6. Chi phí khám chữa bệnh

Tùy từng cá nhân, dựa trên kết quả đánh giá mức độ nặng nhẹ của từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ có chỉ định dùng thuốc phù hợp.

Chi phí khám có thể dao động từ 150.000 đến 300.000đ; Một số xét nghiệm loại trừ bệnh lý khác: Kiểm tra công thức máu, khám thính giác, thị giác… có giá khoảng 500.000đ hoặc hơn, tùy vào cơ sở y tế công lập hay quốc tế.

Chi phí đánh giá, trị liệu rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ không hề rẻ và có thể chênh lệch tùy thuộc vào nơi bạn sống và cơ sở y tế lựa chọn.

Theo số liệu của Bộ Y tế, tại Việt Nam tỷ lệ trẻ tăng động giảm chú ý dao động từ 3,2 đến 9,3% và đang có dấu hiệu tăng dần qua các năm. Tuy nhiên, có hơn 35% trường hợp trẻ tăng động giảm chú ý nhưng phụ huynh không nhận ra. Điều này khiến việc can thiệp điều trị bị chậm trễ, hiệu quả không cao, thậm chí trẻ phải gánh chịu những hệ quả nặng nề suốt cuộc đời.

Có trường hợp cha mẹ dù thấy con có các dấu hiệu bất thường nhưng lại chủ quan hoặc nảy sinh tâm lý mặc cảm, xấu hổ nếu phải đưa trẻ đến phòng khám tâm lý.

Can thiệp sớm đối với trẻ tăng động giảm chú ý là vô cùng quan trọng. Giai đoạn 0 - 3 tuổi là "thời điểm vàng" để điều trị tâm lý, tăng tỉ lệ thành công. Từ thời điểm mới sinh ra đến khi các dấu hiệu vừa mới bộc phát, trẻ cần được tầm soát, chẩn đoán kịp thời. Cha mẹ không nên giữ tâm lý chờ đợi trẻ "lớn lên sẽ khác" làm mất đi khoảng thời gian vàng, giảm cơ hội trẻ sớm hồi phục.

Thuốc điều trị tăng động giảm chú ýThuốc điều trị tăng động giảm chú ý

SKĐS - Hội chứng tăng động giảm chú ý (ADHD) là chứng rối loạn phát triển thần kinh phổ biến nhất ở trẻ em. Các phương pháp điều trị hiệu quả bao gồm sự kết hợp giữa điều chỉnh hành vi, thay đổi lối sống và dùng thuốc.


BS Nguyễn Thị Bích
Ý kiến của bạn