Các câu hỏi thường gặp liên quan đến nhau bong non

07-10-2024 12:33 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Nhau bong non là một trong những cấp cứu sản khoa nguy hiểm, thường gặp ở thai phụ trong 3 tháng cuối của thai kỳ. Biến chứng này xảy ra đột ngột, tiến triển nhanh, có thể nguy hiểm đến tính mạng của mẹ và thai nhi nếu không xử lý y tế kịp thời.

Nhau bong non: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừaNhau bong non: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa

SKĐS - Nhau bong non là một trong những tai biến sản khoa nguy hiểm, thường gặp ở thai phụ vào 3 tháng cuối thai kỳ. Tai biến này thường xảy ra đột ngột, tiến triển nhanh, nếu không được xử trí kịp thời có thể đe dọa tính mạng thai phụ lẫn thai nhi do tình trạng sốc mất máu, biến chứng rối loạn đông máu hay vô niệu.

1. Đông y có chữa được nhau bong non?

Khi bánh nhau đã bong khỏi thành tử cung thì không thể có loại thuốc nào hay giải pháp nào giúp nhau thai gắn kết lại được mà phải xử trí theo y học hiện đại. Trong một số trường hợp nhau bong non thể nặng cần xử trí cấp cứu kịp thời để không nguy hiểm tính mạng của mẹ và thai nhi. Đông y không có loại thuốc nào có thể điều trị được nhau bong non.

Các câu hỏi thường gặp liên quan đến nhau bong non- Ảnh 2.

Các tình trạng nhau bong non.

2. Các yếu tố nào có thể khiến nhau bong non?

- Thai phụ bị tiền sản giật.

- Những trường hợp khiến tử cung bị căng giãn quá mức, đột ngột.

- Những bệnh lý gây tổn thương mạch máu tại bánh rau, diện tích rau bám như: bệnh tăng huyết áp, mẹ bị đái tháo đường, rau tiền đạo.

- Khi tử cung bị giảm thể tích đột ngột, có thể gặp sau thủ thuật chọc hút nước ối trong bệnh lý đa ối, hoặc trong song thai thời điểm sau khi đã sổ thai thứ nhất.

- Chiều dài dây rốn ngắn bất thường, hoặc có thể do dây rốn quấn cổ, quấn thân nhiều vòng khiến cho dây rốn bị ngắn thứ phát.

- Do bà mẹ bị các sang chấn, va đập vào bụng mạnh.

- Những thai phụ dinh dưỡng kém, thiếu acid folic cũng là nguyên nhân gây nhau bong non.

- Thai phụ nghiện thuốc lá dễ bị nhau bong non hơn.

- Thai phụ nhiều tuổi (sinh con khi ngoài 35 tuổi).

- Bà mẹ mang thai đã có tiền sử bị nhau bong non ở những lần mang thai trước đó.

- Mang đa thai

3. Nhận diện triệu chứng của nhau bong non theo thể bệnh như thế nào?

Nhau bong non phổ biến nhất vào 3 tháng cuối thai kỳ, đặc biệt là trong vài tuần trước khi sinh. Tùy vào mức độ bong nhau (hoàn toàn hay một phần) và các triệu chứng lâm sàng mà chứng bệnh này được chia thành 4 thể khác nhau, bao gồm:

Nhau bong non thể ẩn: Thai phụ không có biểu hiện bất thường trước khi sinh. Thai nhi vẫn chào đời khỏe mạnh. Phát hiện nhau bong non sau sinh khi thấy có một khối máu tụ nhỏ khi lấy nhau thai ra ngoài.

Nhau bong non thể nhẹ (độ I): có hiện tượng xuất huyết âm đạo mức độ nhẹ, các cơn co thắt tử cung nhẹ, sinh hiệu ổn định và nhịp tim của thai nhi ổn định. Xét nghiệm đông máu bình thường.

Nhau bong non thể trung bình (độ II): có hiện tượng xuất huyết âm đạo lượng vừa, tử cung co thắt bất thường, huyết áp thấp, suy thai, rối loạn đông máu.

Nhau bong non thể nặng (độ III): là thể nặng nhất. Có hiện tượng xuất huyết âm đạo lượng nhiều và co thắt tử cung mạnh, huyết áp rất thấp, thai chết, rối loạn đông máu nặng.

Các câu hỏi thường gặp liên quan đến nhau bong non- Ảnh 3.

Xuất huyết âm đạo do nhau bong non.

4. Rau bong non có nguy hiểm không?

Rau bong non tiến triển nhanh, nếu không xử lý kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như sau:

Với thai phụ:

Sốc mất máu: sốc xảy ra nhanh, nhất là sau khi thai và rau thai được sổ ra ngoài. Điều cần chú ý là lượng máu ứ lại trong lòng tử cung có thể rất nhiều so với lượng máu chảy ra ngoài âm đạo.

Rối loạn đông máu: do thiếu sinh sợi huyết, phát hiện sau khi sổ rau thấy máu loãng không đông vẫn tiếp tục chảy ra ngoài âm đạo. Biến chứng này càng nặng nếu diễn biến rau bong non càng kéo dài. Vì vậy cần phải phát hiện sớm để có ngay hướng xử trí.

Vô niệu: cần theo dõi nước tiểu thai phụ để phát hiện biến chứng này. Người bệnh có biểu hiện tiểu ít, thậm chí là không có nước tiểu, đau vùng hông lưng, ure huyết tăng cao nhưng ure niệu giảm. Vô niệu phần lớn là do tình trạng sốc gây tụt huyết áp, chảy máu nhiều. Một số khác do hoại tử không hồi phục của lớp vỏ thận, tiên lượng nặng, có thể dẫn đến tử vong.

Ngoài ra nhau bong non có thể để lại các di chứng khác hết sức nguy hiểm như: suy gan thận cấp, suy tuyến thượng thận, tăng huyết áp, ...

Với thai nhi:

Sinh non: Nghĩa là thai nhi sẽ được sinh ra trước tuần thứ 37. Thống kê cho thấy, khoảng 10% trẻ sinh non là từ mẹ bị nhau bong non.

Vấn đề phát triển ở trẻ: Trẻ sinh non có thể gặp nhiều vấn đề sức khỏe ngay sau khi sinh hoặc nguy cơ về sau.

Thai chết lưu: Thai nhi tử vong ở trong bụng mẹ khi dưới 20 tuần tuổi thai.

5. Từng bị nhau bong non có bị lần nữa không?

Thống kê cho thấy, khoảng 15% trường hợp bị nhau bong non lần nữa nếu từng bị một lần . Nếu bị bong nhau 2 lần, nguy cơ này tăng lên khoảng 25%. Chính vì vậy, các chuyên gia y tế khuyến cáo, nếu từng bị nhau bong non trước đó thai phụ cần thông báo với bác sĩ sản khoa để được theo dõi thai kỳ chặt chẽ.

6. Quan hệ tình dục khi mang thai có gây bong nhau không?

Quan hệ tình dục không phải là nguyên nhân gây nhau bong non. Hầu hết trường hợp quan hệ tình dục khi mang thai là an toàn. Tuy nhiên cần tránh các hoạt động tình dục quá mạnh. Việc này dễ gây nguy cơ bị té ngã hoặc chấn thương ở vùng bụng, dẫn đến nhau bong non.

7. Những điều cần biết trước – trong và sau quá trình điều trị nhau bong non

Trước và trong thời gian mang thai

Khoảng cách giữa hai lần sinh con không nên kéo dài quá 7 năm.

Giữ tinh thần thoải mái.

Có chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý

Nên đăng ký khám thai định kỳ tại cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ chăm sóc.

Bổ sung axit folic trước và ngay sau khi mang thai.

Ăn uống đầy đủ chất, đủ các nhóm thực phẩm, không kiêng khem.

Vệ sinh sạch sẽ cơ thể và vùng sinh dục.

Khi phát hiện các yếu tố nguy cơ cao như: xuất huyết âm đạo, đau trằn bụng dưới,… thai phụ cần kịp thời đến bệnh viện có chuyên khoa sản để được chẩn đoán và xử trí kịp thời.

Trong khi điều trị

Xin ý kiến bác sĩ về tiêm thuốc trưởng thành phổi phòng suy hô hấp cho trẻ sơ sinh trong trường hợp sinh non.

Thai phụ được theo dõi sát các yếu tố mẹ và thai: Tổng trạng mẹ: Tình trạng đau bụng; Tình trạng ra máu âm đạo; Tim thai, cơn gò tử cung. Thai phụ vận động đi lại nhẹ nhàng trong thời gian điều trị.

Sau điều trị

-Trường hợp tiếp tục theo dõi thai kỳ thai phụ chú ý:

Chế độ ăn uống - vệ sinh, thăm khám thai như trong quá trình điều trị đã tư vấn.

Lao động nhẹ nhàng tránh té ngã.

Tái khám nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường:

  • Đau trằn bụng dưới.
  • Ra máu âm đạo bất thường.
  • Có nhiều cơn gò thắt bụng.

– Trường hợp kết thúc chuyển dạ cho sinh ngay: thực chế độ chăm sóc như bệnh nhân sinh thường hay mổ lấy thai.

Dự phòng chăm sóc

- Điều trị tốt các bệnh lý toàn thân trước khi mang thai như đái tháo đường, tăng huyết áp.

- Khi có thai nên ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng.

- Việc bổ sung acid folic có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trước khi mang thai.

- Tránh dùng các chất kích thích: rượu, bia, thuốc lá.

- Lao động nhẹ nhàng, tránh té ngã.

- Nên đăng ký khám thai định kỳ.

- Nếu phát hiện nhau bong non cần khám thai đúng hẹn hoặc tái khám khi có dấu hiệu bất thường.


BS. Vũ Thu Hồng
bác sĩ
Ý kiến của bạn