1. Đông y có chữa được mất khứu giác không?
Mất khứu giác là tình trạng mất khả năng nhận biết mùi. Tình trạng này có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, từ cảm lạnh thông thường đến các bệnh lý phức tạp hơn. Đông y với những bài thuốc và phương pháp điều trị đặc trưng, có thể giúp cải thiện tình trạng này.
- Massage các huyệt vị xung quanh mũi giúp tăng cường tuần hoàn máu, giảm đau nhức, giảm nghẹt mũi giúp cải thiện chức năng khứu giác.
- Xông hơi bằng các loại thảo dược như kinh giới, bạc hà, tía tô giúp làm thông mũi, giảm viêm, tăng cường tuần hoàn máu.
- Châm cứu tác động vào các huyệt vị liên quan đến mũi, xoang, giúp thông kinh hoạt lạc, giảm viêm, cải thiện chức năng khứu giác.
- Các bài thuốc Đông y được điều chế từ các loại thảo dược có tác dụng thanh nhiệt giải độc, thông khiếu khai uất, bổ phế ích khí.
Hiệu quả của việc điều trị bằng Đông y phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cơ địa của mỗi người, nguyên nhân gây bệnh, thời gian mắc bệnh, mức độ nặng nhẹ của bệnh và phương pháp điều trị.
Trong một số trường hợp, việc kết hợp điều trị bằng Đông y và Tây y có thể mang lại hiệu quả tốt hơn.
Để đạt được kết quả tốt nhất, nên kết hợp điều trị với việc điều chỉnh lối sống, tăng cường sức đề kháng cơ thể và tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, thăm khám sức khỏe định kỳ.
2. Ảnh hưởng của mất khứu giác đến người cao tuổi thế nào?
Người cao tuổi dễ bị mất khứu giác vì theo thời gian, các tế bào khứu giác bị thoái hóa, giảm khả năng nhận biết mùi. Bên cạnh đó, người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh Alzheimer, Parkinson... tác dụng phụ của một số thuốc điều trị những bệnh mạn tính này có thể gây mất hoặc suy giảm khứu giác.
Mất khứu giác, dù ở bất kỳ độ tuổi nào, đều gây ra những phiền toái nhất định. Tuy nhiên, đối với người cao tuổi, mất khứu giác gây tác động nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất và tinh thần. Người cao tuổi có thể phải đối mặt với một số vấn đề sau:
Không còn ngửi thấy mùi hấp dẫn từ những món ăn nên không còn hứng thú với ăn uống, dẫn đến chán ăn, sụt cân, dẫn đến suy kiệt cơ thể.
Giảm khả năng nhận biết thức ăn ôi thiu, nấm mốc,… dẫn đến tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Không thể nhận biết được các mùi nguy hiểm như khí gas, khói lửa,… dẫn đến mất cảnh giác với tình huống nguy hiểm như ngộ độc và cháy nổ.
Ngoài ra, mất khứu giác có thể khiến người cao tuổi có cảm giác mệt mỏi, buồn chán, thậm chí dẫn tới trầm cảm.
Để phòng tránh những nguy cơ trên, người cao tuổi nên đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh lý có thể ảnh hưởng đến khứu giác.
3. Cách khắc phục tình trạng chán ăn khi mất khứu giác
Mất khứu giác gây cản trở việc thưởng thức thức ăn, và mọi thức ăn trở nên kém hấp dẫn hơn. Việc hạn chế ngửi thấy mùi, hương vị của thức ăn khiến cho người bệnh mất đi hứng thú ăn uống, đồng thời cơ thể không nhận được tín hiệu từ khứu giác, dẫn đến việc giảm cảm giác đói, gây ra các vấn đề về dinh dưỡng.
Để cải thiện tình trạng này, nên thực hiện:
- Sử dụng các loại gia vị, thảo mộc để tăng thêm hương vị, tăng sự hấp dẫn của thức ăn.
- Kết hợp các loại thực phẩm có hương vị đậm đà như hành, tỏi, ớt, hạt tiêu,...
- Thay đổi cách chế biến thức ăn để tạo ra nhiều hương vị khác nhau.
- Kết hợp các loại thực phẩm có màu sắc và các thành phần khác nhau để kích thích vị giác.
- Cố gắng ăn uống đúng giờ để giúp cơ thể hấp thu tốt nhất và đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể.
- Uống đủ nước mỗi ngày (từ 1,5-2 lít/ngày), nước sẽ giúp kích thích vị giác và hỗ trợ quá trình tiêu hóa.
- Ngoài ra, cần tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn chế độ ăn phù hợp nhất.
4. Xử trí khi bị mất khứu giác thế nào?
Mất khứu giác có thể gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống hàng ngày. Điều đặc biệt quan trọng là khi bị mất khứu giác, người bệnh cần sớm đến khám tại cơ sở y tế chuyên khoa tai mũi họng để xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời. Bác sĩ chuyên khoa sẽ khám và chỉ định các xét nghiệm cần thiết giúp chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây mất khứu giác, trên cơ sở đó đưa ra phác đồ điều trị thích hợp, hiệu quả nhất.
Tùy theo nguyên nhân, người bệnh có thể được điều trị theo các hướng khác nhau như: sử dụng thuốc kháng sinh, kháng viêm, corticosteroid, chống dị ứng… hoặc thậm chí phải phẫu thuật.
5. Cách chăm sóc người mất khứu giác tại nhà
- Vệ sinh mũi hàng ngày: Dùng nước muối sinh lý để làm sạch mũi, vệ sinh niêm mạc mũi, loại bỏ bụi bẩn và vi khuẩn.
- Tránh các chất kích thích: Không hút thuốc, hạn chế tiếp xúc với khói, hơi, bụi, hóa chất.
- Bổ sung độ ẩm khi cần thiết: Sử dụng máy tạo độ ẩm để giữ cho niêm mạc mũi luôn ẩm trong điều kiện không khí khô hanh.
- Tăng cường sức đề kháng: Ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi hợp lý, tập thể dục đều đặn và khoa học.
- Xông hơi: Có thể dùng các loại thảo mộc có tinh dầu như kinh giới, bạc hà,… để xông mũi giúp thông thoáng đường thở.
- Tập luyện khứu giác: Thường xuyên ngửi các loại mùi hương khác nhau để kích thích các tế bào khứu giác cảm nhận mùi.
Mất khứu giác có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, nhưng với sự hỗ trợ của thầy thuốc chuyên khoa và những biện pháp chăm sóc phù hợp, người bệnh có thể khắc phục được tình trạng này.
6. Mất khứu giác kéo dài bao lâu?
Mất khứu giác có thể do nhiều nguyên nhân gây ra như cảm cúm, cảm lạnh, viêm mũi xoang, viêm mũi, chấn thương vùng đầu mặt cổ, tiếp xúc với hóa chất độc hại, bất thường cấu trúc vùng mũi xoang,… Tùy thuộc nguyên nhân mà người bệnh có thể mất khứu giác một phần hoặc hoàn toàn, mất khứu giác tạm thời hoặc vĩnh viễn.
Mất khứu giác có thể hồi phục, nhưng mức độ, khả năng hồi phục và thời gian hồi phục có thể khác nhau giữa những người bệnh tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra mất khứu giác. Cụ thể:
- Đa số các trường hợp mất khứu giác tạm thời do nhiễm virus (cúm, COVID-19,…) thường tự hồi phục sau vài tuần.
- Nếu nguyên nhân là do viêm mũi, viêm xoang, việc điều trị viêm mũi xoang có thể giúp khôi phục khứu giác.
- Các bệnh lý như polyp mũi, u não, bất thường cấu trúc xoang mũi,... có thể gây mất khứu giác lâu dài hơn và cần điều trị chuyên sâu.
- Những người bị mất khứu giác mà được chẩn đoán, điều trị càng sớm thì khả năng hồi phục khứu giác càng cao.
- Người có sức khỏe tốt, hệ miễn dịch khỏe mạnh thường hồi phục khứu giác nhanh hơn.