Các câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh viêm phổi

19-03-2024 15:02 | Tra cứu bệnh

SKĐS- Viêm phổi là một bệnh lý hay gặp, thường do nhiễm trùng phổi gây ra khiến người bệnh có thể suy hô hấp, sốc nhiễm khuẩn và tử vong. Dưới đây là các câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh viêm phổi.

1. Đông y có chữa được viêm phổi?

Đông y không chữa được viêm phổi nhưng các phương thuốc đông y có thể hỗ trợ giúp bệnh nhân viêm phổi phục hồi sức khoẻ. Hỗ trợ điều trị viêm phổi làm giảm các biểu hiện ho, nâng cao sức khỏe toàn diện cho người bệnh.

2. Cách xử trí, điều trị khi bị viêm phổi

Khi bị viêm phổi người bệnh cần tuân thủ chỉ định của các bác sĩ. Nguyên tắc điều trị là sớm, mạnh, đủ liệu trình kháng sinh. Điều trị triệu chứng phối hợp vật lý trị liệu. Theo dõi diễn tiến bệnh.

Thời gian điều trị: Thuốc kháng sinh điều trị từ 7 – 10 ngày nếu do các tác nhân gây viêm phổi điển hình hoặc có thể kéo dài đến 14 ngày nếu do các tác nhân không điển hình, trực khuẩn mủ xanh.

Các câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh viêm phổi- Ảnh 1.

Người cao tuổi nên mặc ấm để phòng bệnh viêm phổi.

Tùy thuộc từng bệnh nhân mà các bác sĩ chỉ định cụ thể. Nếu viêm phổi nhẹ, nặng vừa, các thuốc có thể chỉ định như: Thuốc penicillin; Amoxicilin hoặc clarithromycin. Có thể dùng b - lactam/ ức chế men b - lactamase. Có thể dùng cephalosporin hệ 2 hoặc 3…

Nếu viêm phổi nặng ưu tiên thuốc cephalosporin thế hệ 3 hoặc b- lactam/ức chế men b-lactamase kết hợp với macrolid hoặc aminoglycosid.

Có thể thay thế cephalosporin thế hệ 3+fluoroquinolon

- Xem xét thay đổi kháng sinh tùy theo diễn biến lâm sàng và kháng sinh đồ nếu có.

- Điều trị triệu chứng chống đau ngực bằng paracetamol, thuốc giảm đau chống viêm nonsteroid, codein…

- Xem xét thở máy nếu PaO2< 60mmHg, mặc dù đã thở oxy 100%.

- Nếu có trụy tim mạch: cần đặt ống thông tĩnh mạch trung tâm, truyền dịch duy trì áp lực tĩnh mạch trung tâm. Nếu huyết áp vẫn thấp < 90mmHg, cần dùng các thuốc vận mạch (dopamin, dobutamin, noradrenalin, adrenalin…).

3. Cách chăm sóc bệnh viêm phổi tại nhà

Người bệnh viêm phổi tại nhà cần mặc ấm, uống đủ nước giúp loãng đờm, giảm ho. Cần chú ý chỉ định của bác sĩ về uống thuốc và tái khám. Ngoài ra, khi mắc viêm phổi nên ăn những thực phẩm mềm, dễ tiêu (cháo, súp…). Cần bổ sung năng lượng và đạm giúp người bệnh nhanh khỏe. Ăn nhiều rau quả tươi, các loại quả giàu vitamin A, vitamin C, E như cam, chanh, ổi, súp lơ, kiwi, cà rốt, ngũ cốc nguyên chất như yến mạch, gạo nâu, lúa mạch,…

Khi mắc viêm phổi người bệnh cần hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ: thức ăn chiên xào. Hạn chế thực phẩm gây đầy hơi như nước uống có ga. Hạn chế ăn thực phẩm chứa nitrat: xúc xích, thịt xông khói, thịt nguội hoặc những thực phẩm chế biến sẵn.

Tuyệt đối kiêng rượu bia và thuốc lá.

4. Bệnh viêm phổi có chữa khỏi không?

Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng nhu mô phổi kèm theo sản xuất dịch tiết trong phế nang; bao gồm viêm phế nang, ống và túi phế nang, tiểu phế quản tận hoặc viêm tổ chức kẽ của phổi. Bệnh xảy ra do các tác nhân vi khuẩn, virus, nấm và một số tác nhân khác, nhưng không bao gồm trực khuẩn lao.

Bệnh có thể chữa khỏi nếu người bệnh tuân thủ chỉ định của các bác sĩ.

5. Lưu ý với người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai… khi mắc bệnh viêm phổi

Các câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh viêm phổi- Ảnh 2.

Người bệnh nên ăn cháo để hỗ trợ điều trị bệnh.

Viêm phổi có thể xảy ra ở trẻ em và người lớn. Đây là một bệnh phổ biến trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến khoảng 450 triệu người mỗi năm, và cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Tỷ lệ tử vong cao nhất là ở trẻ em (<5 tuổi) và người lớn tuổi (> 75 tuổi).

Bệnh viêm phổi thường xảy ra vào mùa đông hoặc khi tiếp xúc với lạnh. Một số đối tượng có nguy cơ viêm phổi là: Người lớn tuổi; Ức chế hoặc suy giảm hệ miễn dịch; Người mắc bệnh phải nằm điều trị lâu; Nằm viện trước đó; Sử dụng kháng sinh trước đó. Người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, mắc bệnh tai mũi họng như viêm xoang, viêm amidan,…cũng dễ bị viêm phổi.

Ngoài ra, tình trạng vệ sinh răng miệng kém, viêm lợi, nghiện rượu, hút thuốc lá… cũng dễ viêm phổi.

- Theo thống kê trên thế giới có 1 triệu trẻ em chết vì viêm phổi. Viêm phổi biến chứng có thể suy hô hấp cần thở oxy. Trong trường hợp viêm phổi không được phát hiện sớm thì diễn biến phức tạp, kéo dài thời gian điều trị và trường hợp nặng sẽ phải thở máy. Nguyên nhân gây viêm phổi ở trẻ sơ sinh thường do các loại vi khuẩn chiếm 60% trường hợp.

Nhiễm khuẩn phổi có thể xảy ra từ trước, trong hoặc sau khi đẻ, liên quan tới thời gian vỡ ối trước khi đẻ. Trẻ cũng có thể bị bệnh ngay trong khi đẻ do hít phải nước ối, phân su đã bị nhiễm khuẩn hoặc dịch tiết ở đường sinh dục của người mẹ.

Ngoài ra, ở những trẻ đẻ non, trẻ thiếu cân do các phản xạ đường thực quản còn chưa hoàn thiện, vận động cơ chưa đều đặn nên thường xuyên bị trào ngược thực quản dạ dày. Khi trẻ bú mẹ thường hay bị nôn, trớ, nếu sữa bị hít nhầm vào khí quản, sẽ gây ra các triệu chứng như thở gấp, hụt hơi, tím tái mặt, lượng sữa hít vào càng nhiều càng có khả năng gây viêm phổi. Một số bệnh như viêm khoang miệng, viêm da, viêm dây rốn… đều có thể dẫn tới viêm phổi sơ sinh. Phát hiện sớm và đưa trẻ đến bệnh viện là điều đầu tiên cha mẹ cần chú ý.

6. Chi phí khám chữa bệnh

Mức độ viêm phổi có thể là từ nhẹ đến nặng, thậm chí là cướp đi cả mạng sống của người bệnh. Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người già trên 65 tuổi và đối tượng bệnh nhân có hệ miễn dịch yếu hoặc mắc các bệnh lý nền thường bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi viêm phổi.

Tại Hoa Kỳ, hàng năm có khoảng 4 triệu người bị nhiễm viêm phổi, trong đó số trường hợp cần phải nhập viện chiếm tỷ lệ 20%;Tỷ lệ tử vong của các ca bệnh nội trú là 15 - 30%, còn trường hợp điều trị ngoại trú chiếm 1- 5%; Chi phí điều trị bệnh viêm phổi hàng năm chiếm khoảng 9,7 tỷ Đô la; Trung bình cứ 1000 người thì có từ 8 - 15 người bị nhiễm viêm phổi cộng đồng.

Ở nước ta, giai đoạn 1997 - 2000 tại Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 3.606 bệnh nhân điều trị tại khoa Hô hấp, trong đó có 345 (khoảng 9,57%) trường hợp bị viêm phổi - xếp thứ 4 trong số các bệnh về đường hô hấp.

Tuỳ từng đối tượng bệnh nhân mà các chi phí điều trị viêm phổi sẽ khác nhau. Nếu là viêm phổi bệnh viện, theo số liệu của Bộ Y tế năm 2012, viêm phổi bệnh viện làm kéo dài thời gian nằm viện thêm từ 6- 13 ngày và làm tăng viện phí trung bình từ 15-23 triệu đồng cho mỗi trường hợp mắc bệnh. Do chẩn đoán, điều trị viêm phổi bệnh viện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, sự kháng kháng sinh của các chủng vi khuẩn gây bệnh luôn thay đổi, khác nhau giữa các bệnh viện, các khu vực. Đối với viêm phổi ở trẻ em chi phí trực tiếp điều trị trung bình cho mỗi đợt điều trị viêm phổi khoảng 4.900.000 đồng. Tùy vào trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị thích hợp.

Xem thêm:

Viêm phổi: Biểu hiện, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trịViêm phổi: Biểu hiện, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

SKĐS - Viêm phổi là bệnh lý nhiễm trùng tại nhu mô phổi do các căn nguyên vi khuẩn, virus, nấm gây nên. Đây là bệnh lý phổ biến, ảnh hưởng tới khoảng 450 triệu người trên khắp toàn cầu. Tỉ lệ tử vong do viêm phổi khoảng 7% mỗi năm.

Các thuốc điều trị viêm phổiCác thuốc điều trị viêm phổi

SKĐS – Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng nhu mô phổi, biểu hiện các mức độ từ nhẹ đến nặng… Có nhiều thuốc được dùng trị bệnh viêm phổi.



Ths. BS. Đào Duy Tuyên
Ý kiến của bạn