1. Đông y hỗ trợ chữa bệnh nhược cơ không?
Nguyên nhân chính của bệnh nhược cơ là do dẫn truyền thần kinh bị cản trở và do chức năng của tỳ vị bị suy giảm. Để chữa trị chứng bệnh này, Đông y thường dùng phương pháp bổ tỳ kiện vị, bổ sung tinh chất và một số vi lượng giúp quá trình dẫn truyền thần kinh diễn ra suôn sẻ. Dưới đây là một số bài thuốc bạn đọc có thể tham khảo áp dụng:
Bài 1: Hoài sơn 16g, liên nhục 12g, bạch truật 16g, trần bì 10g, củ đinh lăng 16g, ba kích 12g, xương bồ 12g, thần khúc 10g, kê huyết đằng 16g, hà thủ ô 16g, đương quy 12g, sâm hành 16g, cam thảo 12g, hoàng kỳ 12g, ngũ gia bì 16g, đại táo 10g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần. Công dụng: Bổ tỳ, bồi đắp trung châu giúp cơ nhục hoạt động tốt.
Bài 2: Củ đinh lăng 16g, lá và cây ngấy hương 16g, cao lương khương 10g, hoài sơn 16g, liên nhục 16g, biển đậu 12g, hậu phác 10g, thủ ô chế 16g, cam thảo 12g, sinh khương 6g, bạch truật 16g, đại táo 10g, đương quy 12g, sâm bố chính 16g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần. Công dụng: Bổ tỳ, cung cấp tinh chất giúp cải thiện quá trình dẫn truyền thần kinh được suôn sẻ, tăng sức lực cho cơ nhục. Dùng 15 - 20 ngày.
Bài 3: Hà thủ ô, bạch truật, củ đinh lăng, hoài sơn, ngũ gia bì, đại táo, phòng sâm, ngũ vị, đương quy, cam thảo, xuyên khung, mỗi vị 20g. Cho các vị vào bình sứ hoặc bình thủy tinh, đổ ngập rượu để ngâm, sau 20 ngày là dùng được. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 ly nhỏ. Công dụng: Bổ tỳ kiện vị. Người tỳ hư, ăn uống kém, chân tay không có lực, cơ bắp yếu mềm dùng phương thuốc này rất tốt.
2. Có bao nhiêu phương pháp chẩn đoán bệnh nhược cơ?
Chẩn đoán bệnh nhược cơ cần sự phối hợp giữa việc thăm khám các triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng phù hợp, trong đó các phương tiện cận lâm sàng đóng vai trò quan trọng giúp chẩn đoán chính xác bệnh.
Nghiệm pháp zoly: Yêu cầu bệnh nhân nhấp nháy mắt 15 lần liên tục rồi mở mắt nhìn. Bệnh nhân không mở mắt nhìn được là một gợi ý bệnh nhược cơ.
Test prostigmin: Sau 15 phút tiêm prostigmin, bệnh nhân nhược cơ có thể mở mắt bình thường trở lại. Kết quả như trên gọi là test prostigmin dương tính.
Điện cơ.
Định lượng kháng thể kháng acetylcholin: Bệnh nhân nhược cơ có kháng thể kháng acetylcholin tăng cao. Tuy nhiên, nếu kết quả trong giới hạn bình thường vẫn không loại trừ được bệnh.
Các xét nghiệm hình ảnh: Xquang ngực, CT scan ngực để phát hiện các hình ảnh bất thường của tuyến ức nếu có.
Sinh thiết cơ vân.
3. Những biến chứng của bệnh nhược cơ?
Biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh nhược cơ là suy hô hấp do yếu hoặc liệt các cơ hô hấp như: cơ hoành, cơ liên sườn, cơ ức đòn chũm… Nhiều trường hợp bị liệt hoàn toàn các cơ hô hấp, dẫn đến bệnh nhân tử vong nhanh chóng nếu không được cứu chữa kịp thời.
Ngoài ra, biến chứng sặc phổi và viêm phổi cũng góp phần làm cho tình trạng suy hô hấp trở nên nặng thêm.
Bệnh nhược cơ khiến cho bệnh nhân luôn cảm thấy mệt mỏi, suy kiệt, ăn uống kém, giảm hoặc mất khả năng tập trung, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt lao động hàng ngày.
4. Bệnh nhược cơ có chữa khỏi được không?
Với phương pháp điều trị hiện nay, người bệnh nhược cơ đã có thể có một cuộc sống gần như bình thường giống mọi người, tuổi thọ của họ cũng không bị giảm đi so với những người khác. Những phương pháp thường dùng để chữa nhược cơ:
Điều trị khởi đầu: Acetylcholinesterase là nhóm thuốc ức chế được sử dụng trong điều trị khởi đầu bệnh nhược cơ. Thuốc có tác dụng ức chế sự phá hủy các thụ thể acetylcholinesterase của kháng thể. Do đó không làm giảm số lượng các thụ thể sau khe synap thần kinh-cơ. Tuy nhiên, thuốc chỉ có tác dụng trong điều trị ban đầu với bệnh nhân bị nhược cơ nhẹ hoặc mới được chấn đoán mắc nhược cơ.
Ức chế miễn dịch: Đây là phương pháp sử dụng thuốc ức chế miễn dịch để ức chế hoạt động tự miễn dịch ở khe synap thần kinh - cơ. Corticoid hoặc nhóm thuốc không chứa steroid là những nhóm thuốc được sử dụng trong trường hợp này. Tuy nhiên tác dụng phụ của corticoid nếu sử dụng lâu dài là rất nguy hiểm.
Phẫu thuật tuyến ức: Có tới 85% bệnh nhân nhược cơ gặp các bất thường về tuyến ức, vì thế phương pháp phẫu thuật cắt bỏ tuyến ức cũng là một cách chữa nhược cơ. Kết quả chữa nhược cơ bằng phương pháp này tương đối khả quan nhưng điều trị hậu phẫu lại rất vất vả, vì vậy việc phẫu thuật cần phải thực hiện ở những trung tâm có kinh nghiệm và hồi sức tốt. Sau khi mổ, người bệnh nhược cơ vẫn tiếp tục được điều trị bằng prednisolon liều trung bình.
Lọc huyết tương: Phương pháp chữa này nhằm để lọc bỏ các kháng thể kháng thụ thể cũng như các thành phần bổ thể trong huyết tương của bệnh nhân nhược cơ, các triệu chứng nặng của nhược cơ sẽ được thuyên giảm. Xét ở một khía cạnh nào đó, đây cũng có thể coi là một phương pháp ức chế miễn dịch.
Các phương pháp điều trị ngắn hạn khác: Ngoài các phương pháp trên, bác sĩ còn có thể sử dụng các phương thức điều trị ngắn hạn như truyền immunoglobulin miễn dịch hay thay huyết tương (đối với bệnh nhân nhược cơ diễn tiến xấu, trầm trọng và bệnh nhân nhược cơ trước phẫu thuật tuyến ức) khi các triệu chứng nhược cơ chưa được kiểm soát tốt. Hai phương pháp điều trị ngắn hạn này cho kết quả rất tốt nhưng không có tác dụng lâu dài.
Tóm lại, nhược cơ là một căn bệnh thần kinh cơ liên quan đến sự tự miễn dịch trong cơ thể. Bệnh hiện nay vẫn chưa tìm được phương pháp chữa khỏi hoàn toàn. Nếu thấy mình có dấu hiệu của nhược cơ, bạn cần sớm đến bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám cụ thể, tránh trường hợp bệnh tiến triển gây những hậu quả đáng tiếc.
5. Làm thế nào để phòng ngừa bệnh nhược cơ từ sớm?
Nhược cơ là bệnh tự miễn và chưa có biện pháp phòng ngừa bệnh. Tuy nhiên, việc duy trì sức khỏe tốt cũng giúp bạn giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh. Trong sinh hoạt hằng ngày, bạn nên lưu ý:
Bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể, đặc biệt là trái cây và rau xanh.
Duy trì lối sống lành mạnh, ngủ đủ giấc, dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn.
Khi cơ thể có dấu hiệu bất thường, bạn nên chủ động đi khám bác sĩ để theo dõi tình trạng sức khỏe và kiểm soát bệnh lý (nếu có).
Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe toàn diện.
6. Tiêm vaccine có cần thiết cho bệnh nhân nhược cơ?
Bệnh nhân mắc bệnh nhược cơ toàn thể nếu mắc thêm bệnh nhiễm trùng đường hô hấp có nguy cơ tăng cơn nhược cơ và tổn thương đường hô hấp.
Các hướng dẫn hiện hành khuyến cáo nên tiêm phòng cúm hàng năm cho tất cả những người đang điều trị bằng liệu pháp ức chế miễn dịch và cho những người có bệnh lý thần kinh, bao gồm các rối loạn thần kinh cơ như: Nhược cơ toàn thân và nhược cơ thể mắt trong vòng 3 năm kể từ khi khởi phát.
Nên tiêm phòng vaccine phế cầu cho tất cả người bệnh mặc nhược cơ toàn thân và nhược cơ thể mắt. Dựa trên một số nghiên cứu cho thấy rằng vaccine cúm bất hoạt (tiêm bắp) an toàn ở người lớn mắc nhược cơ. Hơn nữa, vaccine bất hoạt (ví dụ vaccine phế cầu và tiêm bắp) thường được coi là an toàn ở người lớn hoặc trẻ em có tình trạng suy giảm miễn dịch hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch.
Tuy nhiên, vaccine zoster sống giảm độc lực không được khuyến cáo cho bệnh nhân có tình trạng suy giảm miễn dịch hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch.
7. Người bệnh nhược cơ cần có chế độ sinh hoạt và ăn uống ra sao?
Bệnh nhược cơ là một bệnh lý tự miễn, phụ thuộc vào cơ địa từng người. Vì vậy duy trì một sức khỏe tốt cũng có thể góp phần phòng bệnh, bằng cách:
Ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi hàng ngày
Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên và xây dựng một lối sống lành mạnh.
Với những người bệnh đã được chẩn đoán mắc cần:
Phòng tránh các bệnh nhiễm trùng trong quá trình điều trị bệnh nhược cơ. Phòng tránh những bệnh nhiễm khuẩn (hầu họng, răng miệng) khi đang sử dụng những thuốc ức chế miễn dịch.
Không được tự ý ngưng thuốc hay dùng thêm các loại thuốc khác nếu không có trong chỉ định từ bác sĩ điều trị.
Bổ sung kali.
Giữ cuộc sống thoải mái, tránh căng thẳng lo âu. Không nên làm việc quá cao hoặc với cường độ liên tục có thể gây tổn hại đến các cơ.
Người bệnh không nên tự ý sử dụng bất kỳ thuốc nào có thể gây yếu cơ như: an thần, gây ngủ,...
Tập luyện thể dục thể thao: Bạn nên xây dựng và duy trì thói quen tập luyện để rèn luyện thể chất, phát triển sức khỏe của các cơ.
Luôn giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng và lo âu quá mức trong thời gian dài.