1. Đông y có chữa được nhiễm trùng huyết do liên cầu?
Nhiễm trùng huyết do liên cầu là do vi khuẩn gram dương Streptococcus suis xâm nhập cơ thể gây ra. Đây là bệnh thường tiến triển nặng nếu không được xử lý điều trị kịp thời, Đông y không thể chữa được.
2. Đối tượng nguy cơ nhiễm trùng huyết do liên cầu
Các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh nhiễm trùng huyết do liên cầu bao gồm:
- Người làm nghề giết mổ lợn.
- Người có thói quen ăn tiết canh, thịt lợn chế biến chưa chín kỹ.
- Người làm nghề chế biến, buôn bán thịt lợn.
- Người chăn nuôi lợn.
- Những người thường xuyên bị suy giảm miễn dịch, trẻ sơ sinh, người cao tuổi.
- Có tiền sử mắc các bệnh lý như đái tháo đường, xơ gan, bệnh van tim, suy thận mạn tính, bệnh phổi mạn tính.
- Có bệnh máu ác tính, giảm bạch cầu hạt hoặc đã từng cắt lá lách.
3. Đường lây truyền bệnh
- 1. Đông y có chữa được nhiễm trùng huyết do liên cầu?
- 2. Đối tượng nguy cơ nhiễm trùng huyết do liên cầu
- 4. Nhiễm trùng huyết do liên cầu có nguy hiểm không?
- 5. Chẩn đoán bệnh nhiễm trùng huyết do liên cầu
- 6. Các biện pháp điều trị nhiễm trùng huyết do liên cầu
- 7. Nhiễm trùng huyết do liên cầu có phòng ngừa được không?
- 8. Chi phí xét nghiệm nhiễm trùng huyết do liên cầu
Streptococcus suis có thể lây truyền qua người khi tiếp xúc với lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn qua các tổn thương nhỏ, trầy xước trên da của những người giết mổ, chế biến và ăn thịt lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn nấu không được chín.
Hiện chưa có vaccine phòng nhiễm khuẩn liên cầu lợn và cũng chưa có bằng chứng vi khuẩn này có thể lây truyền từ người sang người.
Phân, chất độn chuồng, các loại thức ăn và nước uống trong chuồng nuôi lợn có thể trở thành nguồn bệnh thứ cấp.
Các động vật khác có khả năng truyền nhiễm bệnh bao gồm: ruồi, gián, chuột.
4. Nhiễm trùng huyết do liên cầu có nguy hiểm không?
Nhiễm trùng huyết do liên cầu là bệnh cực kỳ nguy hiểm. Người bệnh có biểu hiện:
- Sốt cao;
- Lưỡi bẩn;
- Xuất huyết ban to màu đỏ hoặc màu xám đen.
Bệnh nhân mắc bệnh ở thể nhiễm trùng huyết thường rất nguy hiểm vì: Diễn tiến nhanh; Nhiễm độc toàn thân gây suy đa phủ tạng.
Nhiều trường hợp dẫn tới tử vong nhanh chóng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Theo thống kê, mỗi năm Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận và điều trị hàng chục ca nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não do liên cầu lợn nhập viện trong tình trạng nặng với tỷ lệ tử vong lên tới 20-30%. Nếu bệnh nhân được cứu sống, tỷ lệ di chứng cũng rất cao, phổ biến là điếc không hồi phục.
5. Chẩn đoán bệnh nhiễm trùng huyết do liên cầu
Kết quả cấy máu giúp chẩn đoán nhiễm trùng huyết do liên cầu.
5.1. Căn cứ lâm sàng để chẩn đoán nhiễm trùng huyết do liên cầu
Bệnh nhân có các triệu chứng lâm sàng của nhiễm trùng huyết. Nhiễm trùng huyết thường có ban xuất huyết ngoài da.
5.2. Căn cứ xét nghiệm
- Bạch cầu tăng cao.
- Tốc độ máu lắng tăng.
- Hồng cầu thường giảm.
- Thường có: Ure tăng;
- Creatinin tăng;
- Bilirubin tăng;
- Men SGOT, SGPT tăng;
- Đường máu tăng (gặp ở 50% bệnh nhân);
- Nước tiểu có albumin, hồng cầu, bạch cầu, trụ hình.
Chẩn đoán quyết định phải có cấy máu (+): Kết luận (+) chắc chắn khi: cấy máu (+) 2 lần hoặc cấy máu và cấy ổ tiên phát, thứ phát có cùng một loại vi khuẩn.
5.3. Căn cứ vào dịch tễ
Tiếp xúc với lợn mắc bệnh hoặc ăn thịt lợn ốm hoặc chết trong vòng 10 ngày trước khi bệnh khởi phát.
6. Các biện pháp điều trị nhiễm trùng huyết do liên cầu
Cách chữa bệnh liên cầu khuẩn lợn, việc điều trị nhiễm trùng huyết phải bảo đảm các nguyên tắc:
- Tiêu diệt mầm bệnh.
- Điều chỉnh các rối loạn do nhiễm khuẩn huyết gây ra.
- Nâng cao sức đề kháng của người bệnh.
- Tất cả các trường hợp nhiễm S. suis phải được coi là những bệnh nhiễm trùng nặng.
Điều trị bao gồm điều trị nguyên nhân và điều trị hỗ trợ. Theo dõi sát người bệnh để phát hiện sớm các biểu hiện nặng như sốc, rối loạn đông máu, suy đa tạng ... để xử trí kịp thời.
6.1. Điều trị nguyên nhân
Hầu hết S. suis nuôi cấy được còn nhạy cảm với các kháng sinh thông thường như Penicillin G, Ampicillin, các Cephalosporin thế hệ 3... Do đó, có thể dùng các kháng sinh này để điều trị.
Chọn kháng sinh cụ thể theo kết quả kháng sinh đồ.
Những trường hợp cấy máu hoặc dịch não tủy âm tính nhưng nghi ngờ cao (dựa vào dịch tễ, lâm sàng ...) thì có thể chọn một trong những kháng sinh kể trên. Thời gian dùng kháng sinh từ 2 - 3 tuần.
6.2. Điều trị hỗ trợ
Chống viêm bằng corticoid
Đảm bảo tuần hoàn, hô hấp,
Cân bằng nước – điện giải, kiềm toan.
6.3. Tăng cường hệ miễn dịch, nâng cao sức đề kháng
Nâng cao sức đề kháng của người bệnh bằng cách:
- Tăng cường hệ miễn dịch bằng cách tăng cường tập thể dục thường xuyên.
- Ngủ đủ giấc.
- Kiểm soát căng thẳng.
- Ăn nhiều chất xơ.
- Ăn nhiều chất béo lành mạnh.
- Hạn chế ăn đường...
7. Nhiễm trùng huyết do liên cầu có phòng ngừa được không?
Nhiễm trùng huyết do liên cầu hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng cách thực hiện những biện pháp sau đây:
7.1 Biện pháp phòng bệnh
Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin truyền thông để người dân biết và chủ động phòng tránh bệnh liên cầu lợn:
- Cần ăn chín, uống sôi: Nấu chín thịt lợn là điều rất quan trọng.
- Nên chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y.
- Tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.
- Không ăn lợn chết, lợn bệnh, không ăn các món ăn tái, đặc biệt là tiết canh lợn, nem chua, nem chạo...
- Những người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái, thịt lợn sống hoặc thịt lợn bệnh.
- Giữ dụng cụ chế biến ở nơi sạch sẽ;
- Rửa sạch tay và các dụng cụ chế biến sau khi tiếp xúc, chế biến thịt lợn.
- Dùng riêng các dụng cụ chế biến thịt sống và thịt chín.
7.2. Biện pháp chống dịch
Khi nhận thấy có dịch liên cầu khuẩn, xảy ra thì phải xử lý đúng như xử lý một ổ dịch truyền nhiễm:
- Tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp bị bệnh nghi nhiễm liên cầu lợn ở người.
- Nên đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện để được cứu chữa kịp thời.
- Đặc biệt, giám sát những người có tiếp xúc gần với lợn bị bệnh như người chăn nuôi, giết mổ và buôn bán lợn.
- Không giết mổ, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết phải tiêu huỷ đúng cách.
- Lợn ốm, chết phải chôn, đổ thuốc sát khuẩn và tiêu huỷ.
- Chuồng trại và môi trường chăn nuôi phải phun thuốc sát khuẩn, khử khuẩn. Để trống chuồng 2 tuần mới nuôi lợn trở lại.
8. Chi phí xét nghiệm nhiễm trùng huyết do liên cầu
Để chẩn đoán xác định nhiễm trùng huyết do liên cầu chẩn đoán dựa trên:
- Triệu chứng lâm sàng;
- Các xét nghiệm huyết học;
- Kết quả cấy máu.
Trong thể nhiễm khuẩn huyết có sốc nhiễm khuẩn cần làm xét nghiệm để xác định:
- Tình trạng rối loạn đông máu;
- Suy gan, suy thận cấp;
- Toan chuyển hóa.
Để xét nghiệm xác định căn nguyên cần lấy bệnh phẩm từ máu hoăc các cơ quan bị tổn thương, phân lập và xác định S. suis. Nuôi cấy trong môi trường thích hợp, định danh vi khuẩn S. suis.
Ngoài ra, có thể dùng các kỹ thuật hiện đại như kỹ thuật miễn dịch huỳnh quang, kỹ thuật PCR, kỹ thuật miễn dịch enzyme,…
Về chi phí xét nghiệm:
Nếu người bệnh có bảo hiểm y tế sẽ được bảo hiểm y tế chi trả theo quy định.
Trường hợp đi khám đúng tuyến, bảo hiểm y tế sẽ thanh toán 80% chi phí khám, xét nghiệm.
Trường hợp đi khám trái tuyến, người bệnh chỉ được hưởng 40% chi phí do bảo hiểm y tế thanh toán.