Hà Nội

Các câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh giời leo

11-04-2024 07:02 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Bệnh giời leo hay còn gọi là bệnh zona do virus Varicella - Zoster. Virus này có khả năng gây ra các triệu chứng như phồng rộp, ngứa và đau rát vô cùng khó chịu, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Giời leo: Nguyên nhân, biểu hiện, điều trị và phòng bệnhGiời leo: Nguyên nhân, biểu hiện, điều trị và phòng bệnh

SKĐS - Giời leo (còn gọi là bệnh zona thần kinh) là bệnh nổi mẩn đỏ có nước và gây đau nhức trên da. Bệnh có thể xảy ra bất kỳ nơi nào trên cơ thể, nhưng giời leo thường mọc thành một chùm những mụn đỏ, có thể có nước, thường ở một bên cơ thể và kéo dài dọc theo những đám dây thần kinh.

1. Đông y có chữa được giời leo

Giời leo là một bệnh viêm dây thần kinh do virus nhóm Herpes gây bệnh nên Đông y không thể chữa khỏi. Tuy vậy, các phương pháp Đông y có thể hỗ trợ điều trị người bệnh nhanh chóng phục hồi và giảm các triệu chứng của bệnh.

Ngoài ra, nhiều người nhầm lẫn bệnh giời leo với bệnh viêm da tiếp xúc do con giời leo - loài côn trùng thuộc lớp chân môi giống rết, kích thước nhỏ như cây tăm, màu nâu. Khi di chuyển, chất nhầy chúng tiết ra có chứa chất acid phospho hữu cơ phát sáng xanh trong bóng tối. Loại côn trùng này hay sống nơi ẩm ướt, không ưa ánh sáng. Chúng bò lên người tiết ra, hoặc do dùng tay giết chúng làm dịch tuần hoàn vỡ ra bám vào da người gây viêm da do tiếp xúc.

Theo kinh nghiệm nhiều thường người lấy đỗ xanh nhai nát hoặc các nước ép một số cây thảo dược để thúc đẩy tốc độ lành da. Tuy vậy, hiện chưa có bằng chứng khoa học nên hết sức chú ý trước nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn.

Nếu không thể phân biệt bệnh giời leo với viêm da tiếp xúc do côn trùng thì tốt nhất nên tới gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu để được khám, tư vấn và xử trí bệnh đúng cách.

Zona thần kinh có thể gặp ở nhiều đối tượng khác nhau

Bệnh giời leo hay còn gọi là bệnh zona do virus Varicella - Zoster gây ra.

2. Cách xử trí khi bị giời leo

Khi có biểu hiện tổn thương da cần tới cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. Để chẩn đoán bệnh giời leo, ngoài khám lâm sàng các bác sĩ có thể sẽ chỉ định xét nghiệm virus. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu sử dụng phương pháp chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc X-quang để loại trừ các bệnh lý khác và xem xét mức độ tổn thương của da bị ảnh hưởng bởi virus.

Tùy từng trường hợp mà có cách xử trí khác nhau, bệnh nhân có thể sẽ được sử dụng thuốc kháng virus để ngăn chặn virus phát triển và làm giảm thời gian bệnh. Dùng thuốc chống viêm để giảm viêm và giảm đau. Trường hợp nặng sẽ sử dụng thuốc chống co giật để điều trị đau sau zona. Sử dụng thuốc ức chế miễn dịch để điều trị các biến chứng liên quan đến hệ miễn dịch…

3. Cách chăm sóc bệnh giời leo tại nhà

Tại nhà bệnh nhân có thể sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh sạch sẽ vùng da bị tổn thương. Tránh gãi hoặc làm vỡ các mụn nước. Có thể dùng băng ẩm che các mụn nước để giảm đau và giảm ngứa. Dùng các loại thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ để làm dịu các triệu chứng.

Sử dụng thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ bôi mắt nếu bị giời leo ở mắt. Sử dụng các loại kem hoặc gel có chứa calamine, lidocaine hoặc capsaicin để làm dịu da và giảm ngứa.

Việc rửa tay đúng cách và vệ sinh cơ thể sạch sẽ là cách hiệu quả để ngừng sự lây lan của virus. Cần sử dụng xà phòng và nước ấm để rửa.

Ngoài ra, cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất, vitamin và khoáng chất, duy trì một lối sống lành mạnh.

Các câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh giời leo- Ảnh 3.

Bệnh giời leo nếu phát hiện sớm thì sẽ điều trị thành công và không gây biến chứng.

4. Bệnh giời leo có chữa khỏi được không?

Bệnh giời leo nếu phát hiện sớm thì sẽ điều trị thành công và không gây biến chứng. Bệnh sẽ khỏi trong 2 đến 3 tuần, sau khi lành bệnh có thể để lại sẹo. Nếu điều trị không đúng phương pháp sẽ để lại hậu quả lâu dài. Đây là bệnh do virus herpes zoster, gây tổn thương theo đầu rễ và dọc theo sợi dây thần kinh, nên người bệnh sẽ rất đau vì rễ thần kinh bị tổn thương. Sau khi hết tổn thương da mà vẫn còn đau thì phải điều trị bằng các thuốc giảm đau kéo dài hơn.

5. Lưu ý ở phụ nữ mang thai, người lớn tuổi… khi mắc giời leo

Ở người lớn tuổi, bệnh dễ gây biến chứng đau nhiều hơn. Nếu bệnh khu trú tại vùng trán, hốc mắt, mũi, có thể gây thương tổn dây thần kinh số 5, làm giảm thị lực hoặc mất thị lực hoàn toàn, tổn thương dây thần kinh số 7, gây liệt mặt, méo miệng...

Riêng với phụ nữ mang thai, nếu mắc bệnh trong 3 tháng đầu sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến quá trình hoàn thiện bào thai. Đồng thời đây cũng là đối tượng dễ bị biến chứng nhất do tâm lý sợ uống thuốc sẽ ảnh hưởng đến thai nhi nên thường âm thầm chịu đựng hoặc điều trị theo phương pháp dân gian.

Hầu hết những người bị giời leo không bị tái phát, tuy nhiên trong một số trường hợp vẫn có thể tái phát nhiều lần. Sau khi khỏi bệnh, virus Varicella - Zoster sẽ cư trú trong tế bào thần kinh và sẽ phát bệnh khi cơ thể người bị suy yếu.

Nếu có những triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh giời leo, hãy nhanh chóng đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế uy tín và chất lượng.

6. Chi phí khám chữa bệnh

Giời leo xảy ra ở mọi lứa tuổi, gặp nhiều nhất ở người từng bị thủy đậu, người có hệ miễn dịch suy giảm. Thông thường, người bệnh được kết hợp các phương pháp điều trị, gồm thuốc chống virus để ngăn chặn sự phát triển của mầm bệnh, nếu có tình trạng bội nhiễm thì dùng kháng sinh phòng nhiễm khuẩn, kháng viêm, chống phù nề. Nếu người bệnh đau kéo dài gây mất ngủ, có thể sử dụng thuốc giảm đau thần kinh, thuốc kháng histamin giảm ngứa. Thuốc tăng cường miễn dịch cũng được bác sĩ phối hợp dùng để nâng cao sức đề kháng.

Do vậy chi phí có thể phụ thuộc vào tổn thương và các bệnh lý kèm theo của người bệnh. Thông thường việc dùng thuốc và khám có thể dao động từ 200.000 đồng đến vài triệu đồng nếu bệnh có biến chứng.

Ngoài ra, còn có các chi phí đơn thuốc, các xét nghiệm có liên quan, các đợt tái khám sau điều trị và chi phí điều trị các bệnh lý mắc kèm nếu có.

Thuốc điều trị giời leo (zona thần kinh)Thuốc điều trị giời leo (zona thần kinh)

SKĐS - Đau đớn và nóng rát là những triệu chứng chính của bệnh giời leo (zona thần kinh). Vậy bệnh giời leo điều trị như thế nào?


BS Nguyễn Thị Thảo
Ý kiến của bạn