Dưới đây là những câu hỏi liên quan đến bệnh cúm cần biết:
1. Đông y có chữa được bệnh cúm không?
Cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, do virus cúm gây ra, Đông y không thể chữa được. Tuy vậy, các phương pháp Đông y có thể hỗ trợ điều trị người bệnh nhanh chóng phục hồi và giảm các triệu chứng của bệnh.
2. Cách xử trí khi gặp cúm
Hầu hết các triệu chứng của bệnh cúm sẽ dần biến mất sau khoảng 4-7 ngày. Nhưng các biểu hiện ho khan, mệt mỏi phần lớn kéo dài hàng tuần và có thể lặp lại dai dẳng. Khi đó các biến chứng có thể xảy ra như: Viêm phổi, khó thở, tức ngực, suy hô hấp… thì cần nhập viện ngay.
Nếu bị cúm, thuốc kháng virus có thể là một lựa chọn điều trị. Cần đến bác sĩ để kiểm tra kịp thời nếu phát hiện các triệu chứng cúm. Các dấu hiệu và triệu chứng cúm có thể bao gồm: cảm giác sốt hoặc sốt, ho, đau họng, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, đau nhức cơ thể, nhức đầu, ớn lạnh và mệt mỏi. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng virus để điều trị bệnh cúm trong trường hợp cần thiết.
3. Cách chăm sóc bệnh cúm tại nhà
Người bệnh mắc cúm nếu tại nhà có thể uống thuốc hạ sốt và giảm các biểu hiện của bệnh theo chỉ định của thầy thuốc.
Người bệnh cần ăn uống đủ chất dinh dưỡng, ăn thực phẩm lỏng, nóng, dễ tiêu, uống nhiều nước (oresol, nước quả tươi…), nhất là với người cao tuổi và trẻ em nhằm nâng cao sức đề kháng giúp nhanh khỏi...
Cần vệ sinh nơi ở sạch sẽ, súc họng bằng nước muối giúp nhanh chóng khỏi cúm bởi giúp dễ dàng loại bỏ bớt các dịch nhầy tích tụ phía sau cổ họng. Làm vệ sinh mũi hàng ngày sẽ giúp kiểm soát tình trạng viêm nhiễm và người bệnh sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. Dùng dung dịch như nước muối sinh lý, để giúp lấy hết dịch nhầy trong mũi làm đường thở thông thoáng tránh viêm nhiễm nặng thêm. Sau khi vệ sinh mũi nên rửa tay sạch sẽ để tránh lây lan cho người khác.
Người bệnh cúm nên nghỉ ngơi nhiều hạn chế làm việc nặng nhọc hay đi lại ngoài trời nắng nóng. Dành nhiều thời gian thư giãn hoặc massage để giúp cơ thể được nghỉ ngơi hoàn toàn. Như vậy có thể giúp cho tình trạng bệnh mau chóng thuyên giảm.
4. Bệnh cúm có chữa khỏi không?
Thông thường, các triệu chứng bị cúm có thể xuất hiện và khỏi sau khoảng 1 tuần. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp bệnh cúm kéo dài gây ảnh hưởng tới sinh hoạt cũng như sức khỏe của người bệnh. Ở một số trường hợp có các biểu hiện ho khan, mệt mỏi phần lớn kéo dài hàng tuần và có thể lặp lại dai dẳng. Khi đó các biến chứng có thể xảy ra như: Viêm phổi, khó thở, tức ngực, suy hô hấp… thì cần nhập viện ngay.
Đặc biệt, nếu nghi ngờ mắc các loại virus cúm nguy hiểm như H5N1, H1N1, H7N9… hay có các triệu chứng cúm trở nặng và có nguy cơ bị biến chứng như:
- Sốt cao hơn hoặc ho nặng hơn, đau rát họng nhiều, đau đầu, đau cơ nhiều.
- Thở gấp hoặc đau ngực, ho ra đờm có máu, đau cổ hoặc cứng cổ… thì cần nhập viện để được hỗ trợ và điều trị.
5. Lưu ý với trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ mang thai khi mắc cúm
Virus cúm có khả năng lây nhiễm ở mức độ trung bình, tức là một người nhiễm bệnh sẽ lây cho một hoặc hai người khác chưa có miễn dịch.
Các đối tượng có nguy cơ đối diện với các biến chứng nghiêm trọng bao gồm:
- Trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ dưới 12 tháng tuổi.
- Phụ nữ đang trong các giai đoạn khác nhau của thai kỳ, bao gồm những người dự định mang thai, hiện đang mang thai hoặc mới sinh con trong mùa cúm.
- Người lớn tuổi, đặc biệt là những người từ 65 tuổi trở lên.
- Người ở hoặc làm việc tại các cơ sở công cộng, chẳng hạn như viện dưỡng lão, doanh trại quân đội và bệnh viện.
- Những người thuộc nhóm có nguy cơ cao do tình trạng sức khỏe tiềm ẩn cũng dễ gặp phải các biến chứng nghiêm trọng hơn, bao gồm những đối tượng: Hệ thống miễn dịch suy giảm, béo phì -chỉ số khối cơ thể (BMI) vượt quá 40; người bị rối loạn hệ thần kinh hoặc các tình trạng khác ảnh hưởng đến quá trình xử lý nhận thức.
Các nhóm có nguy cơ cao khác bao gồm người mắc các bệnh mạn tính như hen suyễn, bệnh tim, bệnh thận, bệnh gan và tiểu đường. Những người đã từng bị đột quỵ hoặc người dưới 20 tuổi được điều trị bằng Aspirin kéo dài cũng thuộc nhóm cần phải lưu ý khi mắc căn bệnh này.
6. Chi phí khám chữa bệnh
Cúm A thường dễ bị nhầm lẫn với cảm cúm thông thường. Thời gian ủ bệnh kéo dài cả tuần. Chính vì thế, nhiều bệnh nhân chủ quan dẫn đến việc điều trị không đúng cách khiến bệnh tiến triển đến giai đoạn nặng. Xét nghiệm cúm A là việc cần phải làm để chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh chính xác từ đó có hướng điều trị đúng cách, kịp thời, giúp bệnh được ngăn chặn đúng lúc, tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.
Xét nghiệm cúm A test nhanh có mức giá khác nhau tại từng cơ sở y tế. Thông thường, chi phí test nhanh có giá khoảng 300.000 - 500.000 đồng hoặc thấp hơn tùy từng nơi.
Tuy nhiên, không nên tự ý mua test cúm vì khi tình trạng bệnh có các dấu hiệu nhẹ như đau họng, hắt xì, sổ mũi... người bệnh thường được chỉ định thực hiện phương pháp test nhanh. Hoặc khi tình trạng người bệnh nặng hơn như nhiễm trùng tai, tiêu chảy, viêm phổi, viêm phế quản... sẽ thực hiện thêm các xét nghiệm khác như xét nghiệm máu, gan, thận,...
Với các gói xét nghiệm chuyên sâu này thường có mức chi phí cao hơn tùy từng trường hợp cụ thể, cơ sở y tế mà các giá dao động cũng khác nhau. Ngoài ra, với dịch vụ xét nghiệm cúm tại nhà, ngoài chi phí xét nghiệm bệnh nhân thường phải chi trả thêm phí đi lại, vận chuyển mẫu,...
Đối với tiêm phòng cúm, các khuyến cáo là trẻ 6 tháng tuổi – 9 tuổi chưa từng tiêm vaccine cúm: Tiêm 2 mũi cách nhau 1 tháng, tiêm nhắc lại mỗi năm 1 mũi. Trẻ em trên 9 tuổi và người lớn: Tiêm 1 mũi, tiêm nhắc lại mỗi năm 1 mũi.
Tuỳ từng người, từng loại vaccine cũng có giá khác nhau, giá dao động trong khoảng 200,000đ/mũi vaccine cúm đến 360.000 đ/mũi vaccine cúm.